Đường thực sự có hại cho sức khỏe?

Theo một số chuyên gia, đường có hại và trực tiếp ảnh hưởng xấu đến nhiều căn bệnh kinh niên như tiểu đường, tim mạch, ung thư.

15.5827

Phần lớn lượng đường chúng ta tiêu thụ đều nằm trong các loại thực phẩm hàng ngày. Quá nhiều sẽ không tốt cho răng nên cần giới hạn lượng đường trong chế độ ăn, đặc biệt là các thức uống có đường.

Đường sucrose (hay đường mía) có thành phần gồm fructose và glucose, là loại đường phổ biến nhất. Từ lâu chúng ta đã nghe nói những loại đường tinh luyện như sucrose không chứa calo, không tốt cho răng và khiến vòng eo của bạn tăng thêm vài cm nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự liên quan giữa đường với các vấn đề sức khỏe như béo phì, tiểu đường loại 2 và bệnh tim. Thậm chí bác sĩ chuyên khoa nội tiết người Mỹ - Giáo sư Robert Lustig tại Đại học California (San Francisco) đã kêu gọi điều chỉnh lại và đánh thuế đường tương tự các mặt hàng như đồ uống có cồn hay thuốc lá.

Từ năm 2002, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyên con người nên hạn chế những loại đường nhân tạo ở mức dưới 10% tổng năng lượng mỗi ngày.

Đường gây tăng cân

Béo phì là nguy cơ chính gây ra các bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư khác.

Giáo sư Mann ở khoa Dinh dưỡng và Y học của Đại học Otago, New Zealand cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu và chỉ ra rằng dù chỉ giảm một lượng nhỏ đường nhân tạo trong chế độ ăn cũng ảnh hưởng nhiều đến trọng lượng người trưởng thành.

Theo lập luận của Giáo sư Mann, đường góp phần gây béo phì do hàm lượng calo cao và bạn cũng có thể tiêu thụ một lượng lớn đường, nhất là ở dạng lỏng, mà không hề biết.

Đường liên quan đến huyết áp, cholesterol và tiểu đường loại 2

Tuy nhiên có nhiều người tin rằng những ảnh hưởng xấu của đường không dừng lại ở béo phì.

Giáo sư Lustig coi đường là một loại “thuốc độc”, và cho rằng đó là nguyên nhân duy nhất dẫn đến một số căn bệnh mãn tính, bao gồm cả bệnh tim, ung thư và tiểu đường loại 2.

Theo lý luận của ông, quá nhiều đường sẽ làm tăng bài tiết insulin, khiến cơ thể coi đường là nhiên liệu hoặc tích trữ dưới dạng chất béo. Thêm vào đó, insulin lại chặn các hormone leptin có chức năng gửi tín hiệu đến não để báo khi nào đã ăn đủ và nếu không đủ loại hormone này, chúng ta sẽ cứ tiếp tục ăn.

Đó là lý do khiến giáo sư Lustig muốn đường phải được quy định như thuốc lá và rượu, nhưng nhiều người cho rằng quan điểm đó của ông là cực đoan, hoặc ít ra đã cường điệu quá mức.

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Mann đã chỉ ra đường có ảnh hưởng xấu đến huyết áp và cholesterol mà không liên quan đến bất kỳ sự tăng cân nào. Tuy nhiên họ không cho rằng đường là một chất độc hại. 

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng đường và tiểu đường loại 2 có liên quan gián tiếp đến nhau: nhiều người chúng ta bị tăng cân do dư thừa calo được tiêu thụ dưới dạng đường. Thừa cân được biết đến là một nguy cơ gây mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Nhưng vài năm gần đây, một số nghiên cứu còn cho thấy đồ uống có đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Quá trình nghiên cứu với hơn 90.000 phụ nữ cho thấy những người dùng nhiều hơn một lon nước ngọt mỗi ngày có thể làm bệnh tiểu đường loại 2 phát triển gấp đôi so với những người không dùng. Và nhiều người trong số họ cũng đã bị tăng cân.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Trường Y khoa Stanford tại Mỹ đã kiểm tra dữ liệu về tỷ lệ đường và bệnh tiểu đường từ 175 quốc gia, tìm thấy có sự tương quan giữa đường và bệnh tiểu đường nhưng không liên quan đến tỷ lệ béo phì.

Dù không chứng minh được đường là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng các dữ liệu đó hỗ trợ cho luận điểm rằng đường ảnh hưởng đến gan và tuyến tụy theo những cách thức không giống với các loại thực phẩm khác.

Đường và ung thư

Dù một số bệnh ung thư có liên quan đến đường nhưng rất khó để nói chính xác mối liên quan là gì, theo giáo sư Mann. "Đường góp phần gây béo phì và tất nhiên béo phì là một mối nguy chính của một số loại ung thư quan trọng như ung thư hậu mãn kinh và ung thư đại trực tràng", ông nói.

Kết luận

Vì vậy, sau nhiều nghiên cứu, giáo sư Mann cho rằng tất cả chúng ta nên tuân theo các khuyến cáo của WHO và cắt giảm lượng đường trong chế độ ăn, duy trì dưới 10% tổng năng lượng.

"Chúng ta không thể cắt giảm hoàn toàn đường, đó là điều không thể và cũng không nên. Nhưng mọi người nên hấp thu phần lớn lượng đường từ các nguồn tự nhiên, nhưng không phải là từ mật ong hay đường mía, mà là đường trong trái cây và rau quả”, ông kết luận.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin của ABC - đài phát thanh, truyền hình tự do, độc lập quốc gia và là một trong những thương hiệu đáng tin cậy, có giá trị nhất Australia, thành lập năm 1932. ABC hoạt động trên phạm vi rộng, đảm bảo mọi người có thể sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của họ dù ở trong nước hay quốc tế.

Huỳnh Linh (lược dịch)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]