>> 
Điều đáng nói là, gà con còn sống giã nhuyễn không hề có tác dụng gì với việc chữa trị xương khớp.

Đi chữa bệnh nhớ mang theo... cưa sắt 

Sau khi rời khỏi nhà ông Nguyễn Hồng Chương nổi danh “thầy bó” ở xứ miệt vườn, chúng tôi tiếp tục đi tìm hiểu về công dụng của bài thuốc ghê rợn này.

Ông Trần V. H., 45 tuổi - hàng xóm của “thầy bó” thấy chúng tôi từ nhà ông bước ra liền hỏi: “Chân bị gì mà đi bó?”. Chúng tôi trả lời: “Dạ thầy Mười nói bị teo cơ”. Ông H. hỏi tiếp: “Đi bó thuốc mà có đem cưa sắt theo không?” Chúng tôi ngạc nhiên: “Chi vậy?”, ông H. liền cười: “Đem tới ông Chương thì có nước cưa bỏ luôn chớ gì”.

Theo lời ông H. kể, tay ông bị đau nhức và bị teo lại từ lâu nhưng đi trị khắp nơi không hết. Ông H. liền tới nhờ người hàng xóm bó gà cho, nhưng tiền mất mà tật vẫn mang. Ông H. lại tiếp tục đi khám bác sĩ, nhưng do nhờ y học can thiệp quá muộn nên ông H. đành trở về với một bên tay gần như tàn phế.

Tuy nhiên, theo lời quảng cáo của bà S. - chủ tiệm bán gà ở ấp Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An, đã có nhiều người khỏi bệnh nhờ vào tài bó gà của ông Chương.

“Tui nghe người ta nói bị đau khớp đi bệnh viện không hết, ghé ổng bó hết trơn hà. Nhiều người nhờ ổng bó lắm, có mấy người ở ngoài Kon Tum, Đà Nẵng gì đó cũng vô đây bó nữa đó”, bà chủ tiệm bán gà cho biết.

Nhưng khi chúng tôi hỏi, gia đình bà có ai khỏi bệnh nhờ bó gà chưa thì bà S. lắc đầu thiệt tình: “Tui không biết sao mà người ta đồn ông thầy Mười dữ quá, chứ ở nhà ai bị đau xương gì là đưa đi viện hay đi bác sĩ. Nghĩ tới cảnh giã 3 con gà con còn sống bó thuốc là muốn bỏ ăn luôn rồi, ở đây đâu có ai dám tìm tới ổng”.

Bà Hai, chủ quán cà phê Kim Ngân, ngụ thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, Long An (đối diện nghĩa trang liệt sĩ huyện Cần Đước) cho biết, bà cũng đã 3 lần đến nhờ ông Mười Chương bó gà trị đau khớp.

“Lần đầu tiên bó được 4 ngày tôi tháo xuống luôn, 2 lần sau thì được 3 ngày, mà quy định của ông Mười Chương là 5 ngày. Nó ngứa ngáy, bực bội quá trời, chịu đâu có nổi nên tôi tháo xuống”, bà Hai cho biết.
Rời khỏi nhà "thầy bó", chúng tôi vội vã tháo băng ra vì ngứa ngáy khó chịu

Khi chúng tôi hỏi: “Vậy cô thấy có kết quả gì không?”. Bà Hai trả lời: “Thấy cũng hết đau nhức nhưng lúc bó gà tôi có uống thêm thuốc của bệnh viện chấn thương chỉnh hình trên Sài Gòn nên không biết hết do uống thuốc hay do bó gà nữa. Lần thứ nhất đi bó gà đã thấy sợ lắm rồi, 2 lần sau tại con cái ép quá mới đi, chứ nhìn giã mấy con gà thấy mang tội quá trời”.

Công dụng của “gà con giã nhuyễn”

Trao đổi với lương y Lê Ánh Hùng, Phó chủ nhiệm Phòng y học cổ truyền số 1, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang, được biết trong dân gian hiện có hàng trăm bài thuốc gia truyền dùng để bó trị trật xương, đau khớp. Sử dụng gà làm thuốc cũng có nhưng là gà ác chứ còn dùng gà con còn sống giã nhuyễn như cách của ông Chương thì ông chưa nghe.

Lương y Hùng cho biết thêm: “Gà ác mà trị bệnh thì cũng chỉ có hầm lên lấy nước cốt, chứ dùng gà sống giã nát rồi bó ngoài thì tôi chưa nghiên cứu tới. Tuy nhiên, không ai dùng thịt sống làm thuốc, vì hầu hết các loại thịt sống chừng 2-3 ngày là bị thối rữa, thậm chí có thể khiến nơi băng bó bị nhiễm thêm vi khuẩn, nguy hiểm vô cùng”.

Theo ông, nhiều bài thuốc gia truyền chính vì dựa vào kinh nghiệm dân gian, chưa được khoa học đánh giá nên nhiều khi có người lợi dụng.

“Chẳng hạn, tôi nhớ có trường hợp một ông thầy bó dùng con cá lóc bó để trị tê liệt, nhiều người đến trị nhưng đi về cũng vậy thôi, không hết gì cả” - ông kể.
Lương y lưu ý thêm, bất kỳ bài thuốc nào, dù là kinh nghiệm dân gian nhưng nếu chưa có tài liệu nghiên cứu tới thì nên thận trọng, không nên tin vào để “tiền mất tật mang”.

"Thầy bó" đang chẩn bệnh

Tìm đến các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An cho biết, quan điểm của xã là không ủng hộ những trường hợp điều trị bệnh như của ông Chương.

Ông Tuấn giải thích: “Tuy nhiên, do tôi mới được bổ nhiệm về giữ chức Phó chủ tịch UBND xã nên chưa nắm rõ tình hình hết được, cũng chỉ nghe nói vậy thôi”.

Trung Chánh - Bá Nguyễn