Giới tính | Sức khỏe giới tính

Vi-rút lây lan do sự tiếp xúc trực tiếp giữa da, niêm mạc của người lành với vùng da, niêm mạc bị nhiễm HPV của người mang vi-rút.

15.5986

Human Papiloma Vi-rút, viết tắt là HPV, là một nhóm của hơn 150 chủng vi-rút khác nhau trong đó có hơn 40 loại vi-rút có thể dễ dàng lây qua quan hệ tình dục (đường âm đạo, hậu môn hay đường miệng). Vi-rút lây lan do sự tiếp xúc trực tiếp giữa da, niêm mạc của người lành với vùng da và niêm mạc bị nhiễm HPV của người mang vi-rút. Vi-rút này được chứng minh là có liên quan đến một số loại ung thư như: ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn và ung thư vùng hầu họng (thành sau họng, bao gồm cả ung thư vùng gốc lưỡi và amiđan).

HPV là nguyên nhân gây ung thư cho cả nam giới và nữ giới

Tại Mỹ, thống kê trong giai đoạn 2006 đến 2010 cho thấy, hàng năm có khoảng 33.200 ca bệnh ung thư có liên quan đến HPV, trong đó khoảng 20.600 ca bệnh ung thư liên quan đến nhiễm HPV xảy ra ở phụ nữ (trong đó ung thư cổ tử cung là phổ biến nhất) và khoảng 12.600 ca bệnh ung thư liên quan đến nhiễm HPV ở nam giới (thường gặp nhất là ung thư vùng hầu họng). Nhìn chung, HPV được cho là nguyên nhân gây ra trên 90% các ca bệnh ung thư cổ tử cung, khoảng 70% các ca ung thư âm đạo và âm hộ, và hơn 60% các ca ung thư dương vật. Ung thư vùng đầu và cổ chủ yếu là do thuốc lá và rượu, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 70% các ca bệnh ung thư vùng hầu họng có liên quan đến HPV, nhiều người trong số đó có sự kết hợp của thuốc lá và rượu.

Vi-rút HPV

HPV được chia ra làm hai nhóm: nhóm HPV nguy cơ thấp và nhóm HPV nguy cơ cao. Nhóm HPV nguy cơ thấp là những chủng HPV không gây ung thư nhưng có thể gây ra u nhú trên da, niêm mạc ở bộ phận sinh dục hay hậu môn. Ví dụ, các loại HPV 6 và 11 là nguyên nhân gây nên 90% của tất cả các trường hợp tổn thương sùi mào gà. Nhóm HPV nguy cơ cao là những chủng HPV có khả năng gây ung thư. Ít nhất có 13 chủng HPV nguy cơ cao đã được xác định. Trong số này, chủng HPV 16 và HPV 18 được xác định là chủng vi-rút gây nên phần lớn các ca bệnh ung thư.

Hầu hết người bệnh không biết mình bị nhiễm HPV

Hầu hết những người bị nhiễm HPV đều không biết mình là người mang vi-rút vì không có triệu chứng và biểu hiện lâm sàng. Thông thường, sau khi HPV xâm nhập vào cơ thể sẽ khu trú trên tế bào da và niêm mạc. Hệ thống miễn dịch của cơ thể loại bỏ HPV một cách tự nhiên trong vòng 2 năm. Điều này đúng với cả nhóm HPV nguy cơ cao và nhóm HPV nguy cơ thấp. Trước tuổi 50, khoảng 4 trong số 5 phụ nữ sẽ bị nhiễm HPV tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. HPV cũng rất phổ biến ở nam giới, và thường không gây triệu chứng gì.  

Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể không thể loại bỏ được HPV có nguy cơ cao.

HPV có thể kéo dài thời gian tồn tại trên tế bào và biến các tế bào bình thường thành những tế bào bất thường, những tế bào tiền ung thư. Trong số phụ nữ nhiễm chủng HPV nguy cơ cao ở cổ tử cung, có khoảng 10% sẽ bị nhiễm HPV kéo dài và khiến họ có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung.

Tương tự như vậy, khi HPV nguy cơ cao lưu lại và làm lây nhiễm các tế bào của âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn hay vùng hầu họng (sau cổ họng, bao gồm cả gốc lưỡi và amiđan), có thể gây ra biến đổi tế bào thành các tế bào tiền ung thư. Những tế bào này có thể phát triển thành tế bào ung thư nếu không được phát hiện và loại bỏ kịp thời. Tuy nhiên các bệnh ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, ung thư vùng hầu họng ít phổ biến hơn so với ung thư cổ tử cung.

Một số biện pháp dự phòng:

1. Cách đáng tin cậy nhất để ngăn ngừa nhiễm HPV là tránh tiếp xúc da niêm mạc của vùng miệng, hậu môn, bộ phận sinh dục với một người khác. Đối với những người trong độ tuổi hoạt động tình dục, mối quan hệ chung thủy, một vợ một chồng (không nhiễm HPV) được coi là ‘chiến lược’ để ngăn chặn nhiễm HPV.

2. Sử dụng bao cao su: Việc sử dụng bao cao su đúng cách có thể giảm sự lây lan HPV. Tuy nhiên khu vực không được bảo vệ bởi bao cao su có thể bị nhiễm vi-rút, do đó bao cao su không có khả năng bảo vệ hoàn toàn chống lại vi-rút lây lan. 

3. Tiêm phòng vắc-xin: Theo FDA (Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm của Mỹ), hai loại vắc-xin HPV: Gardasil® và Cervarix®. Trong đó Gardasil® dùng cho công tác phòng chống thư cổ tử cung, hậu môn, âm hộ, âm đạo cũng như phòng tránh các tổn thương dạng tiền ung trong các tế bào do nhiễm HPV. Cervarix® chỉ được tiêm cho nữ giới nhằm phòng ngừa ung thư cổ tử cung và tổn thương tiền ung thư cổ tử cung gây ra do nhiễm HPV. Cả hai loại vắc-xin có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhiễm HPV tuýp 16 và 18.

Gardasil® cũng ngăn ngừa nhiễm HPV tuýp 6, HPV tuýp 11 và có thể tiêm được cho cả nam và nữ. Tiêm phòng vắc-xin được chỉ định cho trẻ em gái trong độ tuổi từ 11-13 và tiêm đủ 3 mũi trước khi có quan hệ tình dục có thể ngăn ngừa ung thư cổ tử cung tới 98%. Vắc-xin ngừa HPV cũng được khuyến cáo cho phụ nữ trong độ tuổi từ 13 đến 26 tuổi chưa được tiêm phòng HPV khi còn trẻ. Tiêm phòng HPV gồm 3 mũi, trong đó mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1 đến 2 tháng. Và mũi tiêm thứ 3 cách mũi tiêm đầu tiên trên 6 tháng. Vì cả nam giới và nữ giới đều có thể nhiễm HPV, do vậy khuyến khích tiêm phòng cho cả nam và nữ giới một thời gian dài trước khi có quan hệ tình dục.

4. Cần khám sức khỏe, khám phụ khoa định kỳ, xét nghiệm tế bào tầm soát ung thư để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu phát hiện chồng hoặc vợ có nhiễm HPV thì cần đưa vợ hoặc chồng đi khám, kiểm tra và điều trị.

Ảnh minh họa: Internet

ThS.BS. Nguyễn Kiên Cường
Viện Y học Dự phòng Quân đội

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]