Hiểm họa thực phẩm bẩn

Nhiều loại hóa chất gây ung thư có trong tương ớt, thịt heo được tung ra thị trường trong dịp Tết

15.5734

Ngày 3-1, ông Nguyễn Văn Nhiên, Chánh Thanh tra Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) - Bộ Y tế, cho biết vụ vi phạm ATVSTP lớn được phát hiện cuối tháng 12 -2011 là một lò sản xuất ớt bột tại gia đình ông Phạm Văn Tuyến (xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng - Hải Dương) với hàng trăm ký ớt bột nhiễm Rhodamine B - loại hóa chất không có trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng của gia đình hộ sản xuất.

Lạm dụng hóa chất

Trong số hơn 10 tấn ớt bột được niêm phong tại gia đình trên, có khoảng 300 kg được xác định nhiễm Rhodamine B và 234 bao ớt bột khác được sản xuất trong điều kiện không bảo đảm ATVSTP. Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP, lo ngại nếu số ớt bột này không được phát hiện sẽ tung ra thị trường cho hàng triệu người dân sử dụng. Ngoài ra, qua các đợt kiểm tra khác, cơ quan chức năng còn phát hiện 80%- 100% các mẫu tương ớt không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác có chứa Rhodamine B.

Heo sữa hư thối, không có giấy kiểm dịch bị cơ quan chức năng thu giữ tại Trạm Kiểm dịch đông vật Thủ Đức - TPHCM. Ảnh: NGUYỄN HẢI
Trước đó, một khảo sát về chất lượng thịt heo bán tại TPHCM của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã phát hiện 33% số mẫu được kiểm tra có tồn dư hóa chất, trong đó có nhóm thuốc tăng trọng làm tăng hàm lượng nạc, giúp thịt đỏ hơn nhưng có nguy cơ gây đột biến gien và gây bệnh cho người sử dụng. Cũng trong thời gian này, Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM công bố: Qua kiểm tra thực tế, có đến 94,4% mẫu thịt heo sống chứa E.coli và vi khuẩn gây bệnh tụ cầu vàng.

Liên tục trong những ngày này tại Hà Nội, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều loại thịt hun khói, xúc xích, salami... đã hết hạn sử dụng, bốc mùi thối, mốc đen đang được “phù phép” thành hàng mới để tung ra thị trường tiêu thụ trong dịp Tết. Trước đó, ngày 28-12-2011, tại một cơ sở thuộc quận Hoàng Mai - Hà Nội, Đội QLTT đã thu giữ hơn 23 tấn chân bò đã bốc mùi hôi thối. Số hàng này đang chuẩn bị “lên đường” vào tỉnh Bình Dương tiêu thụ.

Đầu độc từng ngày

Thanh tra chuyên ngành về ATVSTP cho biết qua những đợt kiểm tra đột xuất tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm cho thấy càng đến dịp Tết, tình trạng vi phạm ATVSTP càng gia tăng. Ông Nguyễn Công Khẩn nói: “Dù mỗi người chỉ sử dụng một lượng rất nhỏ nhưng nếu ăn hằng ngày, chất Rhodamine B có thể tích lũy trong người gây bệnh. Đây là loại phẩm màu công nghiệp, chỉ có tác dụng tạo màu và được nói đến như một chất gây ung thư. Chất này không được sử dụng trong thực phẩm dù là với liều lượng rất thấp”.

Ông Nguyễn Công Khẩn cũng nhấn mạnh việc ăn thịt heo có chứa hormone tăng trưởng clenbuterol sẽ vô cùng nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng vì có thể làm đảo lộn hormone trong cơ thể con người. Đó là chưa kể chất này còn gây biến chứng ung thư, ngộ độc cấp, gây tổn hại cho hệ thần kinh, gây rối loạn chuyển hóa, thậm chí chuyển đổi giới tính. Từ lâu, chất này đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Tuy nhiên, do lợi ích kinh tế, giá rẻ, dễ sử dụng nên người chăn nuôi không ngần ngại trộn vào thức ăn để heo tăng trọng nhanh, biến khối lượng mỡ thành nạc, màu sắc thịt tươi ngon.

Tiêu hủy không cần xét nghiệm

Lãnh đạo Cục ATVSTP cũng thừa nhận mặc dù đã có nhiều thay đổi từ nhận thức cho tới hành vi của người dân trong việc thực hiện ATVSTP nhưng bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn. Đặc biệt, tình trạng cố tình sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc sử dụng nhiều chất phụ gia cùng lúc vượt nhiều lần giới hạn cho phép còn diễn ra khá phổ biến. Để ngăn chặn thực phẩm bẩn, tất cả những loại thực phẩm không có nguồn gốc, nhãn mác sẽ bị thu hồi và tiêu hủy ngay lập tức mà không cần phải xét nghiệm.

Ngọc Dung
Bình luận
Đăng nhập để ý kiến của bạn xuất bản nhanh hơn
 
 
Hoặc nhập thông tin của bạn

Mới nhất Hay nhất
Xem thêm
Media
  • Lịch phát sóng
Văn nghệ
Giáo dục
Công đoàn
  • Đừng hứa suông
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]