Hiểm họa từ “làng khói”

1 ngày ở xã Tiên Dược (Sóc Sơn- Hà Nội), tôi đã hiểu thế nào là sống chung với khói bụi. Những cột khói đen ngòm bốc lên cao khi “đứng gió”, tạt vào nhà dân lúc “trái gió trở trời”. Những ống khói xuất phát từ các cơ sở tái chế hạt nhựa, sản xuất gioăng kính và trở thành nỗi ám ảnh, bức xúc của các hộ dân ở đây.

0

Phơi rác chờ ngày tái chế

CôngThương - Kỳ I: Ô NHIỄM NGHIÊM TRỌNG

Sống nhờ khói

Dạo một vòng quanh thôn Dược Hạ - “thủ phủ” của nghề giặt rửa, tái chế hạt nhựa và sản xuất gioăng kính – tôi thực sự thông cảm với nỗi bức xức của người dân ở đây. Từng đụn khói phun từ hàng chục ống khói thấp lè tè. Có khói đen mùi khét cháy, cay nồng, có loại màu trắng mùi hóa chất, tất cả quyện vào nhau, bay lập lờ vào khu dân cư.

Phía dưới đường thôn, ngõ xóm, những đống phế liệu, từ bao xi măng, vỏ túi bánh kẹo, bao tải phân bón… nằm phơi mưa, nắng chờ ngày được tái chế. Ông Nguyễn Văn T - chủ một cơ sở tái chế hạt nhựa – cho biết, nghề tái chế hạt nhựa xuất hiện ở địa phương từ hơn 10 năm nay. Ban đầu, người dân trong xã chỉ thu gom, giặt, rửa bao nilon, đồ nhựa cũ để cung cấp cho các cơ sở tái chế ở địa phương khác, dần dần, nhiều hộ đầu tư máy móc, tổ chức nấu ngay tại nhà. “Biết là gây ô nhiễm và độc hại nhưng đó là nghề mưu sinh chính của nhà tôi và nhiều hộ khác” – ông T phân trần.

Còn ông Hoàng Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Dược – cho biết, so với làm ruộng thì nguồn thu nhập từ nghề này cao hơn nhiều vì chi phí đầu tư một dây chuyền tái chế hạt nhựa khoảng hơn 100 triệu đồng nhưng lại đảm bảo việc làm cho 3-5 lao động thường xuyên với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Vì vậy, cùng với hơn 100 hộ duy trì nghề thu gom, giặt rửa túi nilon, đồ nhựa, hiện trên địa bàn xã có trên 12 cơ sở nấu hạt nhựa và 2 cơ sở tái chế, sản xuất gioăng kính, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho khoảng 300-400 người dân địa phương.

Từ nhiều năm nay, người dân trong xã liên tục có đơn thư khiếu nại đến các cấp chính quyền, yêu cầu chấm dứt hoạt động hoặc di chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.

Hiểm họa chực chờ

Nếu chỉ nhìn vào những con số thống kê về việc làm, thu nhập thì rõ ràng, nghề giặt rửa, tái chế hạt nhựa đã “thành công”. Nhưng, đằng sau đó là môi trường sống của nhân dân đang bị hủy hoại nghiêm trọng.

Từ đầu làng đến cuối thôn, khi biết tôi là phóng viên đến lấy tư liệu viết bài, nhiều người dân đã tập trung lại để “tố khổ” các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.

“Nhà tôi treo biển bán nhà lâu rồi, nhưng chẳng ai hỏi mua, đành chấp nhận đeo khẩu trang cả ngày mà sống” – Chị Nguyễn Thị Hương (thôn Dược Hạ) bức xúc và nêu câu hỏi: “Mười mấy cơ sở sản xuất cùng tàn phá môi trường trong nhiều năm mà sao vẫn hoạt động?”. Ngồi trong nhà văn hóa thôn, dưới cái nắng oi ả lẫn mùi khói khét lẹt, ông Nguyễn Văn Dãi, trưởng thôn Dược Hạ, cho biết: Hầu hết các hộ giặt rửa đồ nhựa và cơ sở tái chế đều nằm trong khu dân cư nên hoạt động sản xuất của họ ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân, nhất là vào chiều, tối.

Ông Dãi nói thêm, dù chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng sức khỏe của người dân trong thôn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, số người mắc bệnh ưng thư, viêm phổi, các bệnh về mắt, bệnh ngoài da trong mấy năm tăng lên rất nhiều so với trước.

Kỳ II: Chính quyền chưa kiên quyết

Hoàng Châu

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]