Hói đầu, mép mọc ria – dấu hiệu buồng trứng đa nang

SKĐS - Tình trạng buồng trứng đa nang (BTĐN) là hiện tượng buồng trứng của phụ nữ hình thành các nang nhỏ nên trứng khó rụng và không phóng noãn.

15.6028

Tình trạng buồng trứng đa nang (BTĐN) là hiện tượng buồng trứng của phụ nữ hình thành các nang nhỏ nên trứng khó rụng và không phóng noãn. Điều này gây ra rối loạn kinh nguyệt, có thể dẫn đến hiếm muộn, khiến chị em vô cùng lo lắng.

BTĐN là hội chứng bao gồm vài trong số nhiều triệu chứng khác nhau: chu kỳ kinh bất thường hoặc không đều, thừa cân với chỉ số khối cơ thể cao, cảm giác đầy bụng và khó chịu vùng bụng dưới, đái tháo đường týp 2, mỡ trong máu cao, tăng huyết áp và khó điều chỉnh huyết áp, sắc tố da sậm màu nhất là ở háng, cổ và nách, nhiều lông trên mặt và trên người, da mặt nhờn và nhiều mụn, tóc mỏng đi, khó thụ thai.

Nguyên nhân dẫn tới bệnh đa nang trong buồng trứng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên một số yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ: mất cân bằng hormon buồng trứng, buồng trứng sản sinh ra quá nhiều nội tiết tố nam; hàm lượng insulin trong máu cao; mắc chứng béo phì; gia đình có tiền sử mắc bệnh... Hai lý do thường gặp ở người bị hội chứng buồng trứng đa nang đi khám là rối loạn kinh nguyệt và hiếm muộn.

Dấu hiệu của BTĐN

BTĐN có thể được phát hiện ở tuổi dậy thì hoặc muộn hơn nữa. Hình ảnh trên siêu âm thấy buồng trứng có nhiều nang, có thể lên tới 12 nang trứng nhưng mỗi trứng thường chỉ có đường kính từ 2-9mm. Điều đó cho thấy kích thước trứng bé, không lớn và rụng được nên không thể thụ thai. Những triệu chứng điển hình của BTĐN gồm:

Bất thường chu kỳ kinh nguyệt: khoảng 50% phụ nữ bị BTĐN có chu kỳ kinh nguyệt quá dài: thời gian của mỗi chu kỳ kinh lên đến 40-45 ngày; trong kỳ “đèn đỏ” lượng máu kinh bạn mất quá nhiều hoặc quá ít; có chảy máu bất thường giữa chu kỳ kinh nguyệt... Thậm chí có trường hợp còn không có chu kỳ kinh nguyệt.

Biểu hiện ở ngoại hình: Những người bị BTĐN, cơ thể có xu hướng sản xuất nhiều testosteron hơn do nồng độ cao của hormon luteinizing và insulin trong cơ thể người bệnh. Nồng độ cao insulin đôi khi bị nhầm lẫn với bệnh đái tháo đường hay hạ đường huyết, nhưng ở những phụ nữ bị BTĐN, đó là kết quả của tình trạng kháng insulin. Chính tình trạng này đã gây ra những triệu chứng vô cùng khó chịu cho ngoại hình của chị em như: ria mép xuất hiện, da nhờn, có mụn trứng cá, rụng tóc thể hói đầu... Béo phì cũng là tình trạng thường thấy của các trường hợp mắc BTĐN.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để chữa trị BTĐN phụ thuộc vào những triệu chứng của bệnh sau khi đã được thăm khám. Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện các biện pháp sau: cải thiện chế độ ăn uống, thay đổi lối sống, tập thể dục đều đặn, giảm cân hợp lý, cải thiện giấc ngủ, uống thuốc tránh thai để điều hòa kinh nguyệt... Một số trường hợp phải áp dụng phác đồ điều trị kết hợp với bệnh tim mạch hoặc đái tháo đường để làm giảm nồng độ hormon và insulin trong máu.

Chị em cần lưu ý, khi thấy có những dấu hiệu bất thường kinh nguyệt hay những biểu hiện sớm của BTĐN thì cần đi khám phụ khoa để được điều trị, tránh để bệnh có những biến chứng và ảnh hưởng khả năng làm mẹ.

Mời độc giả đón đọc phần 2:"Mắc BTĐN có thể có con?" vào lúc 8h ngày 5/8/2015

SONG NHI

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]