Kinh nghiệm quý trong phòng chống sốt rét

Dân đã có màn, cán bộ y tế xã hướng dẫn dân tẩm hóa chất chống muỗi, chính vì vậy dẫu ở góc nào trong rừng muỗi cũng không xâm nhập được.

15.62

Năm 2009, bệnh nhân sốt rét ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên là 22.331 người, tăng so với năm 2008 14,61%. Số ca dương tính với ký sinh trùng sốt rét vụt tăng: 11.573 người có ký sinh trùng sốt rét trong máu, tăng 55,72% so với năm 2008. Và số người chết về bệnh sốt rét ở miền Trung và Tây Nguyên là 16 người. Tuy nhiên điều đáng kể nhất là Thừa Thiên Huế không có dịch sốt rét, không có một người nào chết về bệnh sốt rét.

Ngành y tế Thừa Thiên Huế đã làm cách nào để khoanh vùng sốt rét không để lan tràn thành dịch và chữa bệnh cho dân khi số người mắc ký sinh trùng sốt rét lên tới 399 người (năm 2009), hoàn toàn không để xảy ra một người nào thiệt mạng?

Câu trả lời đầu tiên là Thừa Thiên Huế đã làm công tác phòng chống sốt rét đến từng người dân. Hai huyện Nam Đông, A Lưới có 199 thôn bản, thì trước khi phun tẩm chất chống muỗi, 199 cuộc họp của dân bản học tập và trao đổi với nhau, lên kế hoạch phòng chống sốt rét tại thôn bản mình. Đặc biệt 2.000 phụ nữ có thai của hai huyện được cung cấp vật liệu, tài liệu truyền thông để chị em giữ gìn sức khỏe cho mình bảo đảm sinh đẻ tốt, con cái khỏe mạnh.

Cán bộ y tế thôn bản và các tuyên truyền viên thường xuyên đến nhà dân tuyên truyền, giải thích cách phòng chống bệnh sốt rét.

Khi người dân đã có ý thức phòng chống sốt rét, Trung tâm sốt rét tỉnh đã cung cấp 13.500 màn đôi cho những gia đình nghèo và cấp 6.000 màn đơn đã được tẩm hóa chất giúp cho những người đi làm rừng xa có phương tiện chống muỗi.

Dân đã có màn, cán bộ y tế xã hướng dẫn dân tẩm hóa chất chống muỗi, chính vì vậy dẫu ở góc nào trong rừng muỗi cũng không xâm nhập được. Số màn mấy năm nay do y tế phát đã đủ cho dân hai huyện Nam Đông, A Lưới dùng. Ở nhà thì dùng màn đôi, đi xa thì dùng màn một. Tính ra, hai huyện miền núi Thừa Thiên có tới 200.696 người dân được bảo vệ chống muỗi bằng hóa chất. Đó là một cố gắng rất lớn.

Để nắm chắc tình hình sốt rét và ký sinh trùng sốt rét trong dân, ngành y tế đã cấp 12 kính hiển vi hai mắt cho các xã. Nhờ vậy số lam máu được xét nghiệm lên tới 20.573 lam. Những lam máu này nhờ phương tiện hiện đại đã đánh giá tương đối tình hình sốt rét ở địa phương.

Bên cạnh kính hiển vi, các địa phương còn được cung cấp 8.000 test, là một phương pháp chẩn đoán nhanh. Y tế thôn bản, y tế xã nhờ đó quản lý chặt tình hình sốt rét thôn bản mình.

Khi đã nắm được tình hình của địa phương thì chuyện chữa trị không khó khăn lắm. Bệnh nào thuốc nấy. Tại các làng bản, xã, thuốc chữa bệnh sốt rét đã chuẩn bị sẵn sàng. Ai mắc bệnh đến đâu thì được cấp thuốc đến đó. Những người bệnh nặng lập tức được chuyển lên tuyến trên kịp thời nên không xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Điều quan trọng số một để phòng chống sốt rét là quản lý chặt chẽ những đối tượng sốt rét tại địa phương mình. Thừa Thiên Huế đã làm được điều đó.

Nếu không nói sẽ là thiếu sót, đó là việc trang bị máy vi tính, máy photocopy và máy fax đã giúp cơ sở báo cáo kịp thời hiện trạng bệnh sốt rét cơ sở mình để Trung tâm phòng chống sốt rét tỉnh chỉ đạo kịp thời, nhất là giải quyết những ca ác tính cần phải đưa lên tuyến trên đúng địa điểm cần được điều trị.

Trong Hội nghị tổng kết công tác phòng chống sốt rét năm 2009 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2010 của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bộ Y tế đã tặng cờ Đơn vị thi đua xuất sắc cho Trung tâm Phòng chống sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Thừa Thiên Huế. Thầy thuốc ưu tú - BS Nguyễn Võ Hinh - Giám đốc trung tâm được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba do những cống hiến của ông cùng đồng nghiệp đã góp phần tích cực khống chế, đẩy lùi bệnh sốt rét ở địa phương.          

Nguyễn Quang Hà

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]