Kinh nghiệm quý trong điều phối máu

Đối với hoạt động truyền máu, việc điều tiết, đảm bảo máu cho nhu cầu điều trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Thực tế cho thấy, việc đảm bảo an toàn truyền máu cho người bệnh không chỉ ở truyền máu trực tiếp cho người bệnh mà còn là cả quá trình từ khi tiếp nhận máu

0

Đối với hoạt động truyền máu, việc điều tiết, đảm bảo máu cho nhu cầu điều trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Thực tế cho thấy, việc đảm bảo an toàn truyền máu cho người bệnh không chỉ ở truyền máu trực tiếp cho người bệnh mà còn là cả quá trình từ khi tiếp nhận máu (an toàn từ người cho máu, nhân viên làm công tác truyền máu đến công đoạn lưu trữ, bảo quản, lọc máu và cuối cùng mới là người tiếp nhận). Tuy nhiên, công đoạn đầu tiên quan trọng nhất vẫn là nguồn cung cấp máu (người cho máu).

Hiến máu tình nguyện tại Đăk Lăk.

Điều phối máu từ miền Nam ra miền Bắc

Hiện nay, lượng máu tiếp nhận được mới chỉ đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu điều trị. Tình trạng khan hiếm máu còn xảy ra ở nhiều thời điểm, nhiều địa phương với những hình thức khác nhau. Riêng tại thủ đô Hà Nội - nơi tập trung đông các bệnh viện, nhiều kỹ thuật y học cao được áp dụng trong điều trị bệnh, nhu cầu sử dụng máu ngày càng cao. Tuy nhiên, lượng máu tiếp nhận được không đồng đều trong năm, thường bị mất cân bằng vào dịp hè. Trong khi đó, ở các trung tâm truyền máu các tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh, thành miền Nam, nhu cầu sử dụng máu không cao nhưng lượng máu tiếp nhận được tương đối đều và ổn định, nguồn người hiến máu phong phú, thậm chí có những thời điểm không tiếp nhận hết người đăng ký hiến máu. Nhằm duy trì nguồn người hiến máu sẵn có, điều phối hiệu quả tới các khu vực khan hiếm, thời gian qua, mô hình phối hợp điều phối máu giữa Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương với các Trung tâm truyền máu trong toàn quốc đã được áp dụng, triển khai thành công. Điển hình, trong vòng từ tháng 5 đến tháng 8/2012, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông tổ chức 3 đợt tiếp nhận máu, mỗi đợt kéo dài từ 3 – 5 ngày với tổng lượng máu tiếp nhận được trên 3.000 đơn vị. Cùng đó, vào tháng 6/2012, phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Thanh Hóa tổ chức Ngày hội hiến máu lớn cấp tỉnh, tiếp nhận được trên 500 đơn vị máu. Hoạt động phối hợp còn được thực hiện ở cả những tỉnh mà phong trào hiến máu tình nguyện còn chưa phát triển, như tỉnh Sơn La (tháng 8/2012) nhằm nâng cao nhận thức và phát triển phong trào hiến máu tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhận xét về những kết quả đạt được trong công tác phối hợp điều tiết máu trong thời gian qua, ông Lê Xuân Hồng – Phó trưởng Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh Đăk lăk cho biết: Việc phối hợp trong công tác điều phối máu giữa các trung tâm truyền máu đã chứng tỏ tính hiệu quả đối với công tác truyền máu. Bên cạnh lợi ích thiết thực là giúp cho việc duy trì ổn định nguồn máu điều trị của trung tâm truyền máu lớn như Trung tâm Truyền máu Hà Nội trong thời điểm khan hiếm máu; tăng sự liên kết giữa các trung tâm truyền máu, thì hoạt động này còn giúp cho các địa phương có nguồn lực hiến máu dồi dào, nhu cầu sử dụng máu ở mức tương đối như các tỉnh Tây Nguyên, tận dụng được nguồn lực sẵn có; phát triển được phong trào hiến máu tình nguyện bền vững; hạn chế lãng phí nguồn người hiến máu trong cộng đồng. 

Đưa tình nguyện viên vận động hiến máu về tuyến tỉnh

Những ngày hè vừa qua, tại các khu công nghiệp, các huyện, thị trấn; thậm chí về tận các xã ở tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hải Dương… có thể bắt gặp nhiều bóng áo đỏ của các thanh niên tình nguyện vận động hiến máu. Để triển khai được đội hình này, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã phối hợp với Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội phối hợp tổ chức, năm nay hoạt động này được triển khai và mở rộng địa bàn cho các tình nguyện viên về hoạt động tại tuyến tỉnh. Cùng với sự phối hợp của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh, thành có đội tình nguyện viên về hoạt động, mỗi đội tình nguyện viên với khoảng 30 người được chia thành các đội nhỏ, họ đến từng khu công nghiệp và các địa bàn tập trung đông dân cư để tuyên truyền, vận động và tổ chức ngày hiến máu. Trong tháng 7/2012, đội tình nguyện viên tại tỉnh Bắc Ninh đã đến 3 khu công nghiệp (KCN) lớn của tỉnh là KCN Yên Phong, KCN Quế Võ, KCN Tiên Sơn tuyên truyền và tổ chức được 3 đợt hiến máu, mỗi đợt kéo dài 7 – 10 ngày, với tổng lượng máu tiếp nhận được trung bình mỗi đợt 500 đơn vị máu. Theo đó vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9/2012, đội tình nguyện viên tại tỉnh Hải Dương đã đóng góp trên 60 ngày công tuyên truyền, 8 ngày tổ chức hiến máu tại các khu công nghiệp và 1 ngày hội hiến máu lớn cấp tỉnh, với tổng lượng máu tiếp nhận được trên 1.300 đơn vị máu. Anh Chử Nhất Hợp, Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu TP. Hà Nội cho biết: Việc đưa tình nguyện viên vận động hiến máu về tuyến tỉnh có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần tăng cường hơn số lượng máu điều trị trong thời điểm khan hiếm máu hè; mở rộng thêm địa bàn hoạt động cho các tình nguyện viên. Bên cạnh đó, giúp cho địa phương phát huy hiệu quả hơn trong công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện.    

Bài, ảnh: Hoa Niên


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]