Làm sao để cùng bé sẵn sàng đón mùa lạnh

Miền Nam thời tiết sáng và tối đã se lạnh. Miền Bắc chuẩn bị mùa đông. Có rất nhiều vấn đề về sức khoẻ của bé mà cha mẹ cần chú ý.

15.5734
  • 1

    Các vấn đề về dị ứng

    Sự thay đổi của thời tiết rất dễ gây nên những vấn đề về dị ứng, do cơ thể bé vẫn chưa đủ sức chống chọi với sự thay đổi đột ngột.

    Việc ba mẹ giữ bé trong nhà quá lâu cũng khiến cho bé trở nên “cớm nắng, cớm gió”, nên cơ thể rất dễ phản ứng với không khí tự nhiên, đặc biệt ở những nơi có nhiều cây cối và phấn hoa. Bé có thể sẽ bị hắt xì, chảy nước mũi, da và mắt bị ngứa, mẩn đỏ…

    Thông thường phải đến khi được 4 – 5 tuổi, những vấn đề về dị ứng với thời tiết mới giảm bớt. Tốt nhất bạn nên cho bé tiếp xúc với thiên nhiên nhiều hơn, và nhớ hỏi bác sĩ cách xử trí hợp lý nhất mỗi khi bé bị dị ứng, đừng tự ý dùng thuốc nhé.

  • 2

    Mùa đông rất nhiều bé bị thiếu vitamin D

     

    Với các bé, loại vitamin từ ánh nắng mặt trời này cực kỳ quan trọng, thiếu nó, bé có thể bị còi xương và ngủ không ngon giấc. Mùa đông, bé ít ra ngoài trời hơn, ánh nắng mặt trời cũng ít hơn nên bé rất dễ bị thiếu loại vitamin này.

    Nếu bé có dấu hiệu vàng da, hay trằn trọc khi ngủ đêm, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhi để có được sự bổ sung vitamin D một cách hợp lý cho bé nhé.

  • 3

    Bé dễ bị sốt hơn trong mùa đông

    Nếu là sốt siêu vi, bé sẽ chỉ cần được hạ sốt và chăm sóc tốt, không cần đến thuốc kháng sinh. Nhưng nếu là sốt do vi khuẩn, bé sẽ cần được thăm khám kỹ càng hơn để có thuốc điều trị phù hợp. Sốt là một phản ứng của cơ thể trước sự xâm nhập của vi khuẩn và virút lạ.

    Vì thế, cha mẹ đừng quá lo lắng, nên đưa bé đến bác sĩ khám và cho bé ăn ít, ăn nhiều bữa trong ngày để đảm bảo việc bổ sung dinh dưỡng. Việc dùng thuốc bừa bãi rất có hại cho cơ thể của bé, đặc biệt là kháng sinh.

  • 4

    Bệnh về đường hô hấp tăng do độ ẩm không khí thay đổi

    Độ ẩm không khí thay đổi đến một mức độ nào đó, kết hợp với tiết trời mát mẻ, sẽ giúp cho một số loại vi khuẩn gây bệnh về đường hô hấp phát triển. Nhẹ thì bé có thể bị viêm họng cấp, ho nhẹ, sổ mũi, nặng hơn thì viêm phế quản, viêm phổi…

    Với những bé nhỏ, bệnh này rất thường xuyên xảy ra, đặc biệt ở những thành phố lớn, không khí ô nhiễm. Cha mẹ có thể phòng bệnh cho bé bằng cách bổ sung thêm vitamin cho cơ thể bé bằng các loại hoa quả. Khi cho bé ra đường, nếu đi xe máy cần đeo khẩu trang cẩn thận, mặc đủ ấm chứ không nên mặc quá nóng hay quá lạnh.

  • 5

    Phòng chống Rotavirus

    Đây là loại virút gây tiêu chảy được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến khá nhiều trong khoảng thời gian gần đây. Virút này rất nguy hiểm vì nó khiến cho bé đi ngoài và nôn hết bất kỳ thứ gì bé được ăn, gây mất nước nghiêm trọng. Cách duy nhất để phòng chống là cho bé uống vắcxin trước sáu tháng tuổi và giữ vệ sinh ăn uống cẩn thận.

  • 6

    Các bệnh viêm nhiễm thông thường

    Hay gặp nhất là viêm tai giữa ở lứa tuổi mầm non do bé hay nghịch ngợm và ngoáy tai bằng những đồ vật không vệ sinh. Hoặc bị cúm do nhiễm lạnh hoặc dị ứng thời tiết. Cha mẹ cần theo dõi và cho bé đi khám bệnh sớm, tránh để bệnh tiến triển gây biến chứng nguy hiểm.

  • 7

    Dạy bé cách giữ vệ sinh cơ thể

    Từ vệ sinh răng miệng, cho đến chân tay, mặt mũi để phòng ngừa nhiễm khuẩn. Không để bé mút tay, ngoáy mũi hay ăn đồ ăn mất vệ sinh. Các bé nhỏ thường sẽ không có tí khái niệm gì về chuyện sạch và bẩn, vì thế cha mẹ đừng mắng mỏ bé quá nhiều mỗi khi bé nghịch bẩn. Quan trọng là giải thích để bé hiểu và dạy bé thế nào là sạch và bẩn, và hướng dẫn bé cách giữ vệ sinh cơ bản cho cơ thể.

  • 8

    Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch

    Không có chuyện bé đang bình thường thì chẳng việc gì phải tiêm. Hay nghe theo lời khuyên của nhiều người cổ hủ rằng: tiêm vào bé sẽ mệt thêm và sốt. Tiêm chủng là hình thức phòng bệnh hữu hiệu nhất, đặc biệt với trẻ sơ sinh. Nó sẽ giúp cho cơ thể bé làm quen với loại vi khuẩn, virút gây bệnh, xây dựng hệ thống phòng bệnh cho cơ thể giảm thiểu những rủi ro về tử vong, những biến chứng và di chứng so với những trẻ không tiêm chủng.

  • 9

    Đảm bảo giấc ngủ cho bé

    Khi bé ngủ, cơ thể bé sẽ được nghỉ ngơi, hồi phục và phát triển. Chúng ta đều biết cơ thể phát triển trong khi ngủ, vì thế giấc ngủ với các bé nhỏ là đặc biệt quan trọng. Với những bé dưới một tuổi, cần từ 14 – 16 tiếng để ngủ mỗi ngày.

    Với những bé lớn hơn và dưới năm tuổi, con số này dao động trong khoảng từ 11 – 13 tiếng mỗi ngày. Cha mẹ hãy tập cho bé ngủ đúng giờ và đủ giấc để đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển của bé nhé.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]