Lây chéo bệnh sởi trong viện, bệnh nặng càng nặng thêm

Nếu bệnh chưa quá nặng thì nên để con khám và điều trị tại tuyến tỉnh, huyện. Vì nếu đổ lên tuyến T.Ư, gây quá tải thì rất có thể bệnh nhẹ thành bệnh nặng, bệnh nặng thành bệnh nặng hơn.

0
Bệnh viện “nằm chồng” 3-4 trẻ/giường, do đó, bệnh nhân bị sởi lại lây virus khác nhiễm thêm bệnh, còn bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị bệnh khác lại nhiễm thêm sởi.

Kiện bệnh viện làm “mắc sởi”

Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư vừa phải giải quyết đơn kiện của gia đình bé trai 13 tháng tuổi (Vĩnh Phúc) vì “tội”: “làm con họ tử vong vì nhiễm sởi trong BV”. Trước đó, cháu bé đã đến điều trị bệnh viêm phổi. Nhưng ngay sau khi về nhà thì cháu bị mắc sởi, lại phải nhập viện trở lại. Tuy nhiên, do biến chứng nặng, cháu bé đã tử vong.

Bác sĩ Trần Văn Học - Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp cho biết, bệnh viện đã có văn bản trả lời gia đình, rằng nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện có thể xảy ra và đã được khuyến cáo; bệnh cảnh của cháu quá nặng, không thể cứu chữa. Trường hợp của cháu bé cũng khó xác định có phải do lây trong BV hay ngoài cộng đồng.

 
4 bệnh nhi/giường không còn là hình ảnh xa lạ của Bệnh viện Nhi T.Ư

“Cơn sốt” bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi T.Ư chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 15.4, Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đang có 225 cháu bị sởi điều trị (cao hơn những ngày trước 10-15 trẻ). Mỗi ngày, bệnh viện lại tiếp nhận thêm khoảng 15-30 cháu nhập viện do sởi. Bệnh viện đã dành riêng Khoa Truyền nhiễm để điều trị bệnh sởi. Tuy nhiên, do quá tải, 3-4 bệnh nhân phải chung một giường. Gần 50 máy thở của Bệnh viện Nhi T.Ư đang chạy 24/24h mà vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu.

Đáng lưu ý, khá nhiều bệnh nhân vào viện Nhi để điều trị các bệnh khác như viêm phế quản, tiêu chảy do Rotavirus, tim… nhưng sau đó lại bị nhiễm chéo bệnh sởi tại viện. Còn một số cháu nhập viện do sởi nhưng sau đó lại bị nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm thêm virus viêm phổi… bệnh càng nặng thêm.

Chị Nguyễn Thị N. (Hà Nội) có con trai 9 tháng tuổi cho biết, con chị vào điều trị bệnh tim tại Bệnh viện Nhi. Chị đã tránh cho cháu tiếp xúc với các trẻ khác nhưng sau khi ra viện 1 ngày, con chị có triệu chứng ho, sốt cao nên phải quay lại bệnh viện. Các bác sĩ đã chẩn đoán cháu bị mắc sởi. Do bị bệnh tim nay lại mắc sởi nên sức khỏe của cháu rất yếu, suy hô hấp, phải thở máy.

Cũng bị “vạ lây”, chị Trần Thu M. (Bắc Ninh) mang con vào viện để điều trị bệnh tiêu chảy do Rotavirus. Nhưng vừa ra viện hôm trước thì hôm sau lại nhập viện do mắc sởi.

PGS-TS Phạm Nhật An – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, do bệnh nhân quá đông, tình trạng nằm ghép phổ biến, virus sởi lại lây qua tiếp xúc nên khó tránh được nhiễm chéo các bệnh với nhau.

“Bệnh sởi lây trong bệnh viện bao giờ cũng nặng hơn lây ngoài cộng đồng” – TS An cảnh báo.

Xin đừng “sính” tuyến trên

Kết quả điều tra một số trẻ tử vong do bệnh sởi tại bệnh viện Nhi cho thấy, ngoài mắc sởi, bệnh nhi còn bị đồng nhiễm thêm 1-2 virus khác, thậm chí bị nhiễm khuẩn gây bội nhiễm, khiến hệ miễn dịch cho trẻ càng suy giảm, gây suy hô hấp, suy đa tạng, diễn biến rất nhanh, khiến trẻ bị tử vong nhanh chóng. Đặc biệt, nhiều trẻ bị nhiễm sởi dưới 1 tuổi nên việc cứu chữa càng khó khăn.

Theo TS An, trẻ bị sởi bị suy giảm hệ miễn dịch, do đó rất dễ lây nhiễm các loại vi khuẩn, virus khác. Đang trên “nền” bệnh nặng, sức yếu, nếu bị thêm các bệnh khác, trẻ sẽ rất dễ bị suy hô hấp, suy đa phủ tạng, suy tim. Khi đó, việc chạy chữa rất khó khăn, nguy cơ tử vong rất lớn. Và ngược lại, các bệnh nhi đang mắc bệnh khác như viêm phổi, tim, tiêu chảy, nếu lại mắc thêm bệnh sởi thì cũng không còn sức lực để chống chọi lại bệnh tật.

Một trong những nguyên nhân khiến bệnh viện Nhi quá tải là do số bệnh nhân các tỉnh đổ về khá đông. Trong đó rất nhiều bệnh có thể điều trị ở tuyến tỉnh thậm chí tuyến huyện như viêm phế quản, viêm phổi, sởi (nhẹ), tiêu chảy, sốt virus…

TS Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư đã phải chia sẻ “thống thiết”: “Xin cảm ơn người dân trong thời gian qua đã tín nhiệm bệnh viện. Tuy nhiên, nếu bệnh chưa quá nặng thì mong người dân nên để con khám và điều trị tại tuyến tỉnh, huyện. Vì nếu đổ lên tuyến T.Ư nói chung và Bệnh viện Nhi nói riêng, gây quá tải thì rất có thể bệnh nhẹ thành bệnh nặng, bệnh nặng thành bệnh nặng hơn”.

Cha mẹ nên lưu ý phòng bệnh cho con, cho trẻ súc miệng nước muối, rửa mắt, mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày, rửa tay chân mỗi khi đi xa về. Đồng thời, khi con bị bệnh nên đưa con đi khám, nếu bệnh nhẹ thì điều trị tại nhà hoặc nhập viện đúng tuyến. Chỉ khi bệnh nặng, tuyến dưới không có khả năng thì mới nên chuyển viện” – TS Phạm Nhật An

>> XEM THÊM:

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]