Ngăn chặn bệnh tật lúc tuổi già

Tuổi càng cao thì càng dễ mắc bệnh tật bởi vì chức năng đề kháng bị suy giảm một cách đáng kể, lúc đầu bệnh còn nhẹ, thoáng qua, dần dần bệnh trở thành mạn tính, kéo dài, khó chữa.

15.5921

Người cao tuổi thường mắc bệnh gì?

Tuổi càng cao thì càng dễ mắc bệnh tật bởi vì chức năng đề kháng của cơ thể bị suy giảm một cách đáng kể, lúc đầu bệnh còn nhẹ, thoáng qua, dần dần bệnh trở thành mạn tính, kéo dài, khó chữa. Tuy nhiên, không phải NCT nào cũng mắc bệnh giống nhau, có người mắc bệnh này, có trường hợp lại mắc bệnh khác nhưng tỷ lệ mắc bệnh ở NCT cao hơn hẳn so với tầng lớp trẻ tuổi, trung niên.

Loãng xương.

Bệnh về xương khớp: thường gặp nhất ở NCT, điển hình là đau xương khớp, thoái hóa xương khớp. Đặc biệt là cột sống thắt lưng, khớp gối, cột sống cổ, khớp bàn tay, ngón tay do các lớp sụn ở đầu xương khớp bị hao mòn dần theo năm tháng cho nên đau nhiều mỗi khi cử động làm cho người bệnh lo lắng, buồn chán nhất là khi thay đổi thời tiết. Thoái hóa khớp gối, khớp cổ tay, bàn tay gây biến chứng cứng khớp, gây đau khớp, đặc biệt là vận động khó khăn mỗi buổi sáng lúc bắt đầu ngủ dậy.

Bệnh về đường tiêu hóa: NCT cũng rất hay mắc các bệnh đường tiêu hóa như viêm loét miệng, ăn không tiêu, đầy hơi, trướng bụng, táo bón kéo dài hoặc đi lỏng hoặc phân không thành khuôn, bệnh viêm dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng co thắt, hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản hoặc trĩ nội.

Bệnh viêm đường hô hấp: NCT rất hay bị viêm họng, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản. Khi thời tiết chuyển mùa thì một số bệnh mạn tính dễ tái phát như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hen suyễn, tâm phế mạn tính, đặc biệt là ở những người có tiền sử hoặc đang hút thuốc lá, thuốc lào. Tỷ lệ NCT bị mắc bệnh ung thư phổi có tiền sử hút thuốc chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn các đối tượng khác.

Bệnh đường tiết niệu: NCT cũng rất dễ mắc các bệnh về hệ tiết niệu - sinh dục, đặc biệt là u xơ tiền liệt tuyến hoặc ung thư tiền liệt tuyến (nam giới), ung thư cổ tử cung, ung thư vú (nữ giới), viêm bàng quang, sỏi tiết niệu.

Loãng xương: Không chỉ gặp ở NCT là nữ giới ở tuổi mãn kinh (thiếu hụt nội tiết tố sinh dục nữ) mà còn gặp ở nam giới có tuổi cao do hậu quả của chất canxi trong xương bị tiêu hao và gây thiếu.

Bệnh tim mạch: Cũng liên quan mật thiết với rối loạn chuyển hóa như tăng mỡ máu (cholesterol, triglycerid), đái tháo đường, tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành, nhồi máu cơ tim gây đột quỵ. Nguy hiểm nhất đối với NCT là đột quỵ, tai biến mạch máu não có thể đưa đến tử vong hoặc di chứng về rối loạn ngôn từ, nhận thức, rối loạn vận động, thậm chí gây liệt nửa người, đại tiểu tiện không tự chủ.

Theo thống kê, có tới 30% bệnh nhân bị tai biến có thể tử vong trong vòng vài tháng; nếu sống sót đều có thể bị tai biến trở lại hoặc bị đột quỵ tim trong vòng vài năm. Bệnh nguy hiểm này là do xơ vữa động mạch tạo nên các cục máu đông hoặc các cục xơ vữa bị bong ra đi đến các mạch máu nhỏ như mạch vành, mạch não gây tắc hoặc bị đứt ra gây chảy máu ồ ạt.

Bệnh về thính lực và thị lực: NCT mắt nhìn kém do đục thủy tinh thể, tai nghễnh ngãng. Có tới 30% người trên 65 tuổi và gần 50% người trên 85 tuổi nghe kém hoặc bị điếc. Đục thủy tinh thể thấy ở 40% người ngoài 75 tuổi và có thể bị một mắt hoặc cả hai. Ngoài ra, NCT còn có thể mắc chứng lú lẫn, Parkinson,...

Viêm loét dạ dày hành tá tràng.

Làm thế nào để phòng và điều trị các bệnh thường gặp ở NCT?

NCT nên đi khám bệnh định kỳ, nhất là mỗi khi nghi bản thân mình có bệnh. Thầy thuốc sẽ phát hiện ra bệnh và sẽ có những lời khuyên và tư vấn hữu ích. Theo định kỳ, nên chụp tim phổi, siêu âm ổ bụng, kiểm tra huyết áp, kiểm tra đường máu, mỡ máu. Khi đã biết mình mắc một bệnh nào đó thì cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ khám bệnh, không nên tự mua thuốc để điều trị hoặc tự động thay đổi liều lượng thuốc.

Nên tập thể dục đều đặn như tập hít thở trước và sau khi ngủ dậy, tập vận động tay chân, xoa, bóp các cơ bắp. Không nên nằm hoặc ngồi lâu một chỗ. Có thể tập nhẹ nhàng trong nhà, trong vườn hoặc có điều kiện thuận lợi như gần công viên, câu lạc bộ nên đến những nơi này để vừa tập vừa có cơ hội gặp gỡ bạn bè trao đổi, tâm sự nhằm giải tỏa một số bức xúc và có thể học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong việc giữ gìn, bảo vệ sức khỏe.

Nên có chế độ ăn uống hợp lý, nên uống nước đều đặn và đầy đủ vào buổi sáng, mỗi ngày cần khoảng từ 1,5 - 2 lít nước bao gồm cả nước có trong thức ăn, canh, rau, quả. Ăn nhiều rau cũng là hình thức cung cấp một lượng nước đáng kể, chất xơ để hạn chế táo bón. Buổi tối cũng không nên uống nhiều nước, rượu, bia, cà phê, trà đặc và không nên hút thuốc lá, thuốc lào.

Người thân trong gia đình nên gần gũi, động viên, chăm sóc ông bà, bố mẹ những lúc ốm đau cũng góp phần đáng kể làm cho NCT ít bệnh tật, để họ sống vui, sống khỏe và sống có ích.

Theo PGS.TS Bùi Khắc Hậu - Sức khỏe và Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]