Nhận biết sớm bệnh tâm thần để điều trị hiệu quả

Phần lớn bệnh nhân tâm thần phân liệt dẫn đến mất khả năng làm việc, ảnh hưởng đến các hoạt động tinh thần, về lâu dài có thể làm thay đổi nhân cách của bệnh nhân.

15.5981
>>  

Nam giới bị trầm cảm có nguy cơ tự sát nhiều hơn nữ

Thực tế, theo các bác sĩ, bệnh tâm thần thể nặng (tâm thần phân liệt) chỉ chiếm 27-28%, khoảng 1% bị động kinh, còn lại hơn 70% là những rối loạn khác, gồm có loạn thần thực tổn (bị cao huyết áp, tiểu đường… dẫn đến), loạn thần do rượu, do ma túy, loạn thần liên quan đến stress, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, loạn thần tuổi già… Những rối loạn này có thể phòng tránh, hạn chế được, nếu mỗi người biết cách học tập, làm việc, nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Phần lớn bệnh nhân tâm thần phân liệt dẫn đến mất khả năng làm việc, ảnh hưởng đến các hoạt động tinh thần và về lâu dài có thể làm thay đổi nhân cách của bệnh nhân, họ trở thành tàn tật tâm thần. Các triệu chứng chính của bệnh là hoang tưởng, ảo thanh, rối loạn khả năng suy nghĩ, mất đi ý muốn làm việc, giảm sự biểu lộ tình cảm và cách ly xã hội. Bệnh thường bắt đầu từ trẻ và kéo dài suốt cả cuộc đời. Ngày xưa những người này phải nhốt cách ly khỏi cộng đồng, còn hiện nay với sự phát triển của y học, nhiều người vẫn tham gia sinh hoạt cùng cộng đồng, những thể lành tính hơn còn có thể làm được một số việc.

Đáng quan tâm là bệnh trầm cảm. Theo các bác sĩ, rối loạn này có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào nhưng thường gặp nhất ở lứa tuổi từ 24 đến 44, với 25% nữ giới và 10% nam giới có thể bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc sống. Bệnh trầm cảm không "miễn trừ" với bất cứ ai, có thể gặp ở trẻ em, vị thành niên, người trưởng thành, phụ nữ sau đẻ và cả người có tuổi. Khi mắc bệnh, người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, mất hy vọng, không có gì có thể làm cho họ thích thú được, thậm chí thấy cả thế giới lúc nào cũng u ám.
 
Ngoài ra, họ sẽ bị sụt cân, mất ngủ, bồn chồn, dễ tức giận, cảm thấy bản thân vô giá trị hoặc bị một tội lỗi gì ghê gớm, thường xuyên nghĩ đến cái chết hay có hành động chuẩn bị tự tử. Thực tế, với những bệnh nhân trầm cảm, nếu phải sống trong các yếu tố môi trường không thuận lợi, không may gặp phải cú sốc nào đó thì tỷ lệ dẫn đến tự sát lên đến 20 - 30% và nam giới khi bị trầm cảm có nguy cơ tự sát nhiều hơn nữ gấp 4 lần.
 
Nguyên do, nam giới có xu hướng chối cãi mình có vấn đề về tâm lý nhiều hơn nữ, một phần là do không muốn mang tiếng bị bệnh tinh thần, sợ ảnh hưởng đến nghề nghiệp, mất uy tín… nên thường ôm nỗi buồn một cách lặng lẽ và không muốn ngỏ cùng ai. Chính vì thế, bệnh này cần được phát hiện và điều trị sớm.

Đừng ngại khám sức khỏe tâm thần!
 
Một khó khăn lớn của ngành tâm thần học là bệnh nhân thường đến khám khi bệnh nặng. Rất nhiều người "ngại" khi nghĩ mình có thể bị bệnh tâm thần, vì họ có ấn tượng sâu sắc rằng tâm thần là người không bình thường, và không tin mình cũng có thể mắc bệnh. Ít người biết rằng tâm thần và cơ thể luôn có mối quan hệ chặt chẽ. Một bệnh lý cơ thể có khả năng làm phát sinh các rối loạn tâm thần và rối loạn tâm thần có thể gây ra những rối loạn nặng về cơ thể.
 
Trên thực tế, người ta thường quan tâm đến các rối loạn về cơ thể nhiều hơn là rối loạn tâm thần. Người bị đau đầu dữ dội thường đi khám khoa thần kinh, người bị hồi hộp tức ngực, mạch nhanh thở gấp thường khám tim mạch, người ăn không tiêu, đầy bụng, ợ hơi thường khám tiêu hóa, người kinh nguyệt không đều, giảm ham muốn tình dục thường đến khoa phụ sản hoặc khoa tiết niệu, người bị mất ngủ nghiêm trọng, lo lắng không yên thường đến khám nội khoa... mà không biết rằng những triệu chứng này rất có thể liên quan đến sức khỏe tâm thần.
 
Một dạng biểu hiện của bệnh tâm thần khác được xem như hậu quả của các tệ nạn xã hội là rối loạn tâm thần do rượu hay ma túy. Đây là hậu quả của việc lạm dụng rượu hay chất gây nghiện, và đang là vấn đề  nan giải với xã hội bởi việc điều trị không đơn giản. Những người nghiện rượu, ma túy hay chất gây nghiện nói chung thường không kiểm soát được việc sử dụng các chất này, và dùng liên tục mỗi ngày với liều lượng ngày càng tăng.
 
Dùng nhiều dẫn đến họ bị phụ thuộc vào chất gây nghiện, nếu không có các chất này thì họ không thể làm việc bình thường và xuất hiện các triệu chứng rất khó chịu. Người nghiện rượu có thể bị đổ mồ hôi, mạch nhanh, run tay, mất ngủ, ói mửa, kích động, lo âu, co giật. Người nghiện ma túy có thể bị nôn, đau nhức bắp thịt, chảy nước mắt nước mũi, giãn đồng tử, dựng lông, toát mồ hôi, tiêu chảy, ngáp, mất ngủ… Những người này nếu cho họ sử dụng trở lại rượu hay các chất gây nghiện thì các triệu chứng trên sẽ biến mất.
 
Về lâu dài, những người nghiện rượu và các chất gây nghiện có thể bị thêm nhiều loại rối loạn tâm thần khác như sa sút tâm thần, rối loạn trí nhớ, loạn thần, rối loạn khí sắc, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ.

BS Bế Thị Hiền - Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, một người có sức khỏe tâm thần bình thường là phải cảm nhận được 5 dấu hiệu: Cảm giác sống thật sự thoải mái; Khỏe, tin tưởng vào giá trị phẩm chất của bản thân và những người xung quanh; Làm chủ được tư duy, cảm xúc và hành vi, có khả năng tổ chức cuộc sống; Có khả năng duy trì và phát triển các mối quan hệ cá nhân; Có khả năng tự hàn gắn sau các choáng tâm lý và streess. Một người bình thường khi bị tổn thương một trong năm dấu hiệu trên thì có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Bởi vậy, khi cảm nhận được về bản thân, hoặc người thân có một hay nhiều các triệu chứng cảnh báo sau đây thì nên đến khám bác sĩ tâm thần: Thay đổi tính tình rõ rệt; Không có khả năng đối phó với các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày; Có các ý tưởng tự cao hay xa lạ; Lo âu quá mức và kéo dài; Buồn bã kéo dài; Thay đổi rõ rệt trong cách ngủ và ăn uống; Nghĩ đến hay nói về vấn đề tự tử; Cảm xúc thay đổi quá nhanh từ hưng phấn sang buồn nản và ngược lại; Nghiện rượu hay ma túy; Giận dữ quá mức, thù địch hay hành vi bạo lực. Theo các bác sĩ, để tránh bị "tâm thần", đừng ngại đi khám bệnh!

 AloBacsi.vn(Theo Pháp luật & Xã hội)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]