Nhóm thuốc statin điều trị rối loạn mỡ máu

Rối loạn lipid máu hay còn gọi là tăng mỡ máu. Bốn thành phần mỡ máu thường được quan tâm theo dõi là: cholesterol toàn phần, LDL - c (còn gọi cholesterol xấu), HDL - c (cholesterol tốt) và triglycerid.

0

Tôi năm nay 59 tuổi, thỉnh thoảng bị đau ở vùng ngực thoáng qua, sau đó thì tự hết. Gần đây tôi đi bệnh viện khám, xét nghiệm máu và đo điện tâm đồ, được chẩn đoán là tăng mỡ máu, thiểu năng động mạch vành. Bác sĩ kê đơn thuốc giảm mỡ máu lipitor mỗi ngày uống 1 viên 20mg. Nhưng tôi nghe người bạn nói thuốc này thuộc nhóm statin, đã có thuốc thuộc nhóm này có nhiều tác dụng phụ gây chết người. Vậy tôi có nên đề nghị đổi thuốc?

         Đặng Thanh Nam (Quận Lê Chân - Hải Phòng)

Rối loạn lipid máu hay còn gọi là tăng mỡ máu. Bốn thành phần mỡ máu thường được quan tâm theo dõi là: cholesterol toàn phần, LDL - c (còn gọi cholesterol xấu), HDL - c (cholesterol tốt) và triglycerid. Về điều trị thì có 5 nhóm thuốc chủ yếu: nhóm statin ngăn chặn tổng hợp cholesterol tại gan bằng cách ức chế cạnh tranh hoạt động của men HMG - CoA reductase làm giảm tổng hợp cholesterol ở toàn bộ cơ thể. Nhóm resin làm tăng gắn cholesterol với acid mật, do vậy thuốc làm tăng thải cholesterol qua đường mật. Nhóm nicotinic acid làm giảm sự di chuyển acid béo tự do từ các tổ chức mỡ, do vậy gan sẽ có ít nguyên liệu để tổng hợp ra cholesterol. Nhóm fibrat là thuốc làm tăng ly giải ở ngoại biên và giảm sản xuất triglycerid ở gan. Nhóm ezetimibe là thuốc có tác dụng ức chế hấp thu cholesterol một cách có chọn lọc ở ruột non. Việc lựa chọn thuốc chủ yếu phụ thuộc vào bệnh nhân có một số bệnh kết hợp hoặc đang dùng một loại thuốc nào đó, các tác dụng phụ của thuốc mà bệnh nhân không chịu đựng được, hoặc bệnh nhân không đáp ứng với thuốc điều trị đang dùng... Người bệnh không nên tự ý tăng hoặc giảm liều lượng, hoặc yêu cầu thay đổi thuốc.

 Động mạch bình thường và Mảng vữa xơ làm hẹp lòng động mạch.

Các thuốc điều trị rối loạn mỡ máu thường được cơ thể dung nạp tốt, nhưng cũng có những tác dụng phụ không mong muốn, và còn phụ thuộc vào cơ địa dễ mẫn cảm của từng người bệnh. Bởi vậy trong thời gian dùng thuốc bệnh nhân cần tự theo dõi các phản ứng phụ để thông báo cho bác sĩ điều trị biết. Mặt khác, cũng cần thông báo cho thầy thuốc các loại bệnh kết hợp (nếu có) và các thuốc đang dùng để tránh hiện tượng tương tác thuốc.

Để đảm bảo điều trị có kết quả tốt cần dùng thuốc dài ngày, thường xuyên liên tục và xét nghiệm kiểm tra mỡ máu định kỳ để đánh giá hiệu quả của thuốc. Bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm nồng độ cholesterol và các thành phần liên quan khác sau 4 - 6 tháng dùng thuốc để nếu cần thì điều chỉnh liều lượng, hoặc thay đổi thuốc nhằm mục đích đạt hiệu quả điều trị tối ưu.

Trong nhóm thuốc statin có cerivastatin (các biệt dược: baycol, cholstat, lipobay...) với những tác dụng phụ có nguy cơ bệnh lý nặng ở động mạch thuộc cơ vân đưa đến tử vong nên đã bị cấm lưu hành. Còn thuốc lipitor bác sĩ kê đơn điều trị cho bác hiện là biệt dược của atorvastatin tuy cũng thuộc nhóm statin, nhưng là dẫn chất mới nhất có hiệu quả điều trị tốt và không có tác dụng phụ  như ông lo ngại. Atorvastatin (các biệt dược: atorva, medotor, lipitor...) ức chế tổng hợp cholesterol trong gan, nâng số lượng thụ thể LDL (lipoprotein tỷ trọng thấp) của gan thu nhận LDL trong máu và các ILD (lipoprotein tỷ trọng trung gian) chứa nhiều lipid nên giảm cả triglycerid, rất thích hợp với bệnh nhân có nguy cơ bệnh mạch vành như bác. Vậy bác yên tâm tin tưởng vào bác sĩ điều trị và thuốc mà bác đang dùng.

Ngoài ra, bác cũng nên biết việc sử dụng thuốc giảm nồng độ mỡ máu không nhằm thay thế các biện pháp điều trị không dùng thuốc. Nếu sau đó vẫn ăn uống, sinh hoạt không hợp lý thì lipid máu lại tăng trở lại. Do vậy, bác cần phải bỏ rượu, hạn chế ăn mỡ và tổng năng lượng hàng ngày, giảm thể trọng cơ thể, tăng cường hoạt động thể lực.

BS. Vũ Hướng Văn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]