Nhức nhối chất lượng thực phẩm: Người dùng thiệt hại

15.5771

Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hiện là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam.

Thời đại hiện nay, cuộc sống đô thị luôn gấp gáp khiến người tiêu dùng luôn đòi hỏi các yếu tố như an toàn, cân bằng dinh dưỡng, hợp khẩu vị, thuận tiện nhằm thoả mãn nhu cầu thay đổi phong cách sống của người tiêu dùng.
 
Nhức nhối chất lượng thực phẩm
 
Theo giáo sư Lê Doãn Diên, Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ lương thực Việt Nam, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay ở Việt Nam còn nhiều tồn tại. Các vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính vẫn thường xuyên xảy ra ở các thành phố cũng như ở nông thôn và có chiều hướng tăng năm sau cao hơn năm trước. 
 
Dẫn nguồn tài liệu của tổ chức Y tế thế giới, ông Diên cho thấy ở Việt Nam hàng năm có hơn 3 triệu trường hợp nhiễm độc, gây thiệt hại hơn 200 triệu USD (khoảng 3.400 tỷ đồng).

Nguyên nhân chủ yếu gây ra ngộ độc thực phẩm ở nước ta chủ yếu do vi sinh vật 42,2%; hóa chất 24,9%, độc tố tự nhiên 25,2%.  Nguồn gốc nguyên nhân gây ngộ độc là do môi trường sản xuất nông nghiệp không đảm bảo; kỹ thuật canh tác trong trồng trọt và chăn nuôi còn nhiều bất cập; công nghệ sau thu hoạch chưa tuân thủ các quy định hiện hành.
 
Đại diện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, có hơn 2.800 đoàn thanh tra đi kiểm tra hơn 59.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và đã phát hiện hơn 16% trong tổng số này có vi phạm nghiêm trọng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Cơ quan chức năng cũng buộc đóng cửa 48 cơ sở do vi phạm, tiêu hủy sản phẩm của gần 1.000 đơn vị khác. Con số này rất nhỏ so với thực tế và mức độ tái diễn ngày càng nghiêm trọng. Điều này đang ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người tiêu dùng.
 
Liên kết bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng
 
Ông Lê Doãn Diên cho rằng, đối với bất kỳ loại thực phẩm nào khi đưa ra thị trường cần được xác định rõ về xuất xứ, ghi rõ những hàm lượng, chất lượng và chỉ dẫn rõ ràng để tiện dụng cho người tiêu dùng. Muốn vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải xây dựng cơ chế quản lý chuỗi thực phẩm một cách hệ thống, nhằm bảo đảm mỗi loại thực phẩm đều có “lý lịch” rõ ràng, an toàn.
 
Ông cũng khuyến nghị, mỗi bếp ăn, cửa hàng đều cần có những cá nhân, bộ phận chuyên trách để làm công tác kiểm hóa nội bộ để chủ động phòng tránh “sự cố” xảy ra.
 
Ông Đỗ Gia Phan, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas), cho biết, hưởng ứng chủ đề Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới năm 2009: “Đấu tranh ngăn chặn việc tiếp thị những thực phẩm có hại cho sức khoẻ trẻ em”, Vinatas kiến nghị với Bộ Y tế để hạn chế việc quảng cáo những thực phẩm dễ gây béo phì cho trẻ em.
 
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc quảng cáo những thực phẩm có hàm lượng chất béo, chất đường và muối cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em, làm cho chúng thích ăn những loại đồ ăn trên và dẫn tới béo phì. Ở Việt Nam, với việc đời sống được cải thiện, nhiều trẻ em ở thành thị đang bị béo phì, dẫn đến nguy cơ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe trong tương lai.
 
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, cho biết, quyền lợi của người tiêu dùng nước ta bị xâm hại nghiêm trọng.  Hiện chưa có số liệu chính xác nào về tổn thất vật chất, nhưng những thiệt hại về sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người tiêu dùng, thì đã rõ và được đề cập liên tục trên phương tiện thông tin đại chúng.
 
Cục Quản lý cạnh tranh dự kiến năm 2010 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ ra đời, là hành lang pháp lý quan trọng để xử lý nghiêm các vi phạm quyền lợi người tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]