Thực phẩm kém chất lượng: Ẩn họa khắp nơi

Trong những ngày gần đây, các cơ quan chức năng tại khu vực phía Nam đã phát hiện nhiều vụ kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, chứa nhiều độc tố và cảnh báo tới người tiêu dùng bởi nhiều lọai rất khó phát hiện.

0

Nhân viên thú y TP.HCM phát hiện heo sữa thối chuyển trái phép vào TP. HCM- Ảnh:Hoàng Việt

CôngThương - Chỉ tính riêng tháng 7/2014, các cơ quan chức năng đã xử lý 301 trường hợp vi phạm về thú y,  tiêu hủy 8,8 tấn thịt các loại, tăng 600% so tháng trước.

Kết quả từ một đợt kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM vừa thực hiện cho thấy: 60 mẫu thịt (30 mẫu thịt heo, 30 mẫu thịt gia cầm) lấy ngẫu nhiên tại 2 cơ sở giết mổ lớn tại TP.HCM, phát hiện 13 mẫu thịt heo và 1 mẫu thịt gia cầm có hàm lượng kháng sinh sulfadimidin vượt giới hạn cho phép. Kết quả xét nghiệm kiểm tra độ tươi 1.349 mẫu thịt gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh, chế biến, chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, tỉ lệ không đạt yêu cầu về vi sinh chiếm gần 30%.

Không chỉ thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến nhiễm bẩn, các loại thực phẩm chức năng cũng bị vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng. Cụ thể, ngày 4/8, đoàn thanh tra của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) kiểm tra đột xuất và xử phạt 8 đơn vị với tổng số tiền 184 triệu đồng vì đã vi phạm về quảng cáo và chất lượng sản phẩm. Đơn cử, tại Công ty TNHH Đầu tư Thương mại XNK Bảo Khang, lực lượng kiểm tra phát hiện nội dung quảng cáo đối với sản phẩm giảm cân Express Slimming (do Công ty Thiên Hà Xanh, 688 Phan Văn Trị, Gò Vấp nhập khẩu và Công ty Bảo Khang phân phối) sai so với hồ sơ gốc, quảng cáo quá sự thật. Đoàn thanh tra xác định, Công ty Bảo Khang có những sai phạm về nhãn, bao bì sản phẩm và nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng ghi  thuốc chữa bệnh nên đã bị xử phạt và buộc tiêu hủy sản phẩm.

Gây nhức nhối nhất và khó kiểm soát tình trạng thực phẩm mất vệ sinh tại TP.HCM hiện nay thuộc về các loại thức ăn đường phố. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai- Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM- nhận xét, quản lý thức ăn đường phố tại thành phố hiện nay rối như tơ vò vì dẹp không được mà xử phạt thì không xong. Theo bà Mai, con số báo cáo từ các phường, xã trên địa bàn TP.HCM quản lý khoảng 33.000 điểm bán thức ăn, nhưng đây chỉ là con số tương đối bởi rất nhiều người bán  hàng rong, xe đẩy nay nơi này mai nơi khác rất khó để thống kê chính xác.

Việc quản lý thức ăn đường phố ở cấp quận, huyện còn chưa nghiêm do theo quy định cứ 3 lần không đóng phạt vì sai phạm buộc yêu cầu đóng cửa, tuy nhiên tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính ở cấp phường, xã thấp hơn cấp quận huyện, vì ở cấp này chưa có cán bộ chuyên trách về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để thức ăn đường phố được an toàn vệ sinh, tháng 10/2013, TP.HCM đã xây dựng mô hình thí điểm thức ăn đường phố tại phường 12 (quận 4) và phường Tân Thành (quận Tân Phú). Mô hình có 190 điểm kinh doanh tại 2 phường này được cấp phát các dụng cụ để kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo vệ sinh, đồng thời tiến hành giám sát định kỳ 100% về việc chấp hành các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM khẳng định, việc phát triển mô hình này là rất khó vì cơ quan chức năng không đủ lực để duy trì sự kiểm soát.

Lâu nay gạo là loại thực phẩm được xem là an toàn vệ sinh nhất nhưng gần đây thông tin về một số cơ sở sử dụng hóa chất, hương liệu để tẩy trắng, bảo quản, tạo mùi thơm cho gạo, hoặc các loại hóa chất làm gạo chín nhanh và nở nhiều khi nấu. Trước những thông tin này, Cục An toàn thực phẩm đã gửi văn bản số 1724 đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) phối hợp chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai gấp việc thanh kiểm tra, xác minh thông tin này, nếu phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng

Thế Vĩnh

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]