Những lợi ích của Incubator với Startup

Không khó để nghe câu chuyện thành công của nhiều startup từ các vườn ươm danh tiếng như Y Combinator , TechStar hay Founder Institue.

15.6093

 


 

Những doanh nghiệp non trẻ khác hẳn luôn nuôi hi vọng một ngày thành công tương tự sẽ tới với mình. Họ tìm đến bậc thềm, gõ cửa những vườm ươm, hừng hực trình bày những ý tưởng đã ấp ủ bao lâu. Một số thất bại. Còn một số bước ra với những bản hợp đồng đầu tư hậu hĩnh.

 

Nhưng khó khăn chỉ dừng lại ở vấn đề tiền bạc?

 

Thực tế, các vườn ươm sẽ đề nghị cung cấp nguồn lực, cơ sở vật chất, mối quan hệ. Đổi lại, hẳn nhiên rồi, họ sẽ nắm giữ một lượng không nhỏ cổ phần, thậm chí quyền quyết định của công ty. Danh mục đầu tư hiệu quả cũng sẽ tạo ra nhiều danh tiếng cho vườm ươm. Như Y Combinator , một vườn ươm do Paul Graham đứng đầu, đã hỗ trợ thành công cho 172 doanh nghiệp trong 7 năm , với tổng giá trị lên tới 7.78 tỷ USD . Founder Institute của Adeo Ressi thì hỗ trợ được 650 công ty , và 90% trong số này vẫn còn hoạt động.

 

Nhưng đằng sau những thành công ồn ào từ các vườn ươm, từng có người đặt câu hỏi: các dự án thực sự cần sự trợ giúp đỡ để thành công, hay bản thân các startup đó có thể tự quyết định sự thành công của mình?

 

Điều kể trên dường như giống trường hợp (đa số đúng?) các sinh viên tốt nghiệp được trường danh tiếng sẽ dễ kiếm việc lương cao hơn những người chẳng có bằng cấp nào. Vì vậy không ít ý kiến cho rằng doanh nghiệp nếu có ‘thực lực’ sẽ không cần thiết nhận thêm hỗ trợ để thành công khi họ có thể đi lên bằng nội lực.

 


Các công ty khởi nghiệp công nghệ đang làm việc tại văn phòng của Y Combinator, Mountain View, California.

 

Tuy nhiên, nếu đã nhận được sự quan tâm của một vườn ươm danh tiếng thì đây là câu truyện khác. Sẽ có rất nhiều thứ đáng để học hỏi:

 

1. Kiểm tra khả năng thực tế : Adeo Ressi tin kiếm tra đầu vào các ứng viên sẽ giúp họ thể hiện bản thân mình hơn. Các bài kiểm tra tập trung vào tính cách cá nhân (bỏ qua toàn bộ ý tưởng kinh doanh), sự linh hoạt, mức độ cởi mở, khả năng hòa hợp. Các vườn ươm (hầu hết) không muốn dành thời gian, tiền bạc cho những doanh nghiệp “mà họ không thấy dễ chịu hay thích thú”.

 

2. Tài trợ ban đầu: Nhiều vườn ươm tài trợ cho doanh nghiệp khoản tiền ban đầu để họ có thể hoạt động ( seed fund ). Khoản này (tại Mỹ) thường từ 10.000 USD cho đến 20.000 USD , chiếm khoảng 5% đến 15% giá trị cổ phần . Seed fund có thể giúp startup đi vào hoạt động trong giai đoạn ban đầu hay gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên đừng coi ‘vài chục ngàn đô’ là yếu tố khiến bạn quyết định ra nhập 1 vườn ươm.

 

3. Tư vấn và hỗ trợ từ chuyên gia: Kinh nghiệm lãnh đạo/ quản trị từ các vườn ươm là giá trị và cơ hội lớn cho công ty khởi nghiệp. Tất cả vườn ươm thành công đều có kiến thức điều hành hay kinh nghiệm thực tế về kinh doanh hay hạng mục đầu tư. Hãy bỏ qua những nơi chỉ cung cấp cho bạn văn phòng hay phương tiện làm việc.

 

4. Hỗ trợ từ các nhóm, công ty khác: Bên cạnh việc nhận tư vấn từ chuyên gia thì công ty hay nhóm làm việc khác cùng vườn ươm sẽ hỗ trợ bạn. Bạn chắc chắn sẽ tìm ra ‘ai đó’ ở một mảng công việc mình đang rất cần, hay nhanh chóng nhận được lời khuyên xác đáng từ những người đi trước trong hầu hết giai đoạn của công việc kinh doanh.

 

5. Không gian làm việc: Tất nhiên, chúng ta nên quan tâm tới không gian làm việc của mình: một phòng họp rộng lớn, dịch vụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Nhưng đừng quá ngây thơ khi nghĩ họ [vườn ươm] sẽ cho thuê chúng với giá rẻ. Và cảnh giác khi thấy một vườn ươm với các tòa nhà, dãy văn phòng trống hoắc.

 

6. Học từ thực tế: Nhiều vườn ươm cho phép công ty khởi nghiệp thực hiện ý tưởng đang ấp ủ mà vẫn giữ nguyên nguyên tắc hay cấu trúc nhân sự. Điều giống như một kiểu ‘thí nghiệm thực tế’, khi mọi người hầu hết tin hiếm người thầy nào tốt hơn các kinh nghiệm, thông tin thực tế bản thân startup hay người điều hành trực tiếp công việc thu được. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức khi startup, ngoài khoản đầu tư nhỏ giọt ban đầu, với con người và khả năng đang có vẫn phải đối mặt hàng trăm mối lo thực tế về kinh nghiệm quản trị, quy trình, nhân sự, sản phẩm v.v…

 

7. Các khoản đầu tư tiếp theo và các mối quan hệ: Thành công của startup tại vườn ươm tạo ra cơ hội lớn tiếp xúc các quỹ đầu tư mạo hiểm, những chuyên gia hàng đầu trong ngành, với nhiều cơ hội kinh tế. Khoảng 80% startup của TechStars được đầu tư từ các quỹ hay nhà đầu tư cá nhân. Trong khi đó chỉ 1% startup có cơ hội này khi đi tìm đầu tư không thông qua hệ thống vườn ươm.

 

Cuối cùng dù thế nào, vẫn luôn có nhiều sự lựa chọn cho bạn và doanh nghiệp khi đứng trước thử thách, quyết định tham gia một vườn ươm. Nhưng cùng lúc với viễn cảnh được trợ giúp, sẽ chẳng có gì thay thế được lòng đam mê, kiến thức, cách tư duy đúng đắn, sự chăm chỉ hay giải pháp thực tế cho kế hoạch và ý tưởng kinh doanh mà bạn đang ấp ủ.

 

Techdaily/Young entrepreneur

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]