Những trường hợp nào không nên cấy tránh thai?

GiadinhNet - Cấy tránh thai được sử dụng đối với phụ nữ trong tuổi sinh đẻ muốn dùng một biện pháp tránh thai (BPTT) có hiệu quả cao trong nhiều năm và có hồi phục sau khi tháo nang cấy.

15.3793
Hỏi: Tác dụng phụ của biện pháp cấy tránh thai và cách xử trí như thế nào?
 
Trả lời: Khi sử dụng biện pháp cấy tránh thai, đối tượng có thể gặp một trong các tác dụng phụ sau đây:
 
- Vô kinh: là bình thường khi dùng thuốc cấy tránh thai; Nếu khách hàng không chấp nhận vô kinh: tháo hoặc chuyển đến cơ sở có thể tháo, hướng dẫn dùng BPTT khác.
 
- Ra máu thấm giọt âm đạo: là vô hại, đặc biệt trong 3 đến 6 tháng đầu.
 
-  Ra máu âm đạo nhiều hoặc kéo dài: Hiếm gặp. Nếu có, cần phải khám lại và thực hiện theo chỉ định của thầy thuốc.
 
- Đau hạ vị nhiều: Cần loại trừ khối u buồng trứng, viêm ruột thừa, viêm vùng chậu, thai ngoài tử cung hoặc u gan vỡ.
 
- Đau sau khi cấy: do băng ép quá chặt nên cần thay băng ép mới đảm bảo băng ép không quá chặt; Tránh đè mạnh vào vùng cấy trong vài ngày và tránh ép vào nếu sưng đau. Uống thuốc giảm đau hoặc thuốc chống viêm.
 
- Nhiễm khuẩn vị trí cấy (đau, nóng, đỏ) hoặc áp-xe (có mủ): Hướng dẫn sử dụng kháng sinh chống viêm. Nếu không đỡ đến khám lại theo chỉ định của thầy thuốc.
 
- Đối với khách hàng nhiễm HIV(+): Khách hàng nhiễm HIV(+) hoặc AIDS hoặc đang điều trị thuốc kháng virus có thể sử dụng thuốc cấy tránh thai. Yêu cầu khách hàng sử dụng kết hợp với bao cao su. Khi sử dụng đúng cách và thường xuyên, bao cao su giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV và các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
 
Hỏi: Những trường hợp nào không nên cấy tránh thai?
 
Trả lời: Cấy tránh thai được sử dụng đối với phụ nữ trong tuổi sinh đẻ muốn dùng một BPTT có hiệu quả cao trong nhiều năm và có hồi phục sau khi tháo nang cấy.
 
Một số trường hợp sau đây chống chỉ định cấy tránh thai:
 
- Phụ nữ đang có thai hoặc nghi ngờ có thai;
 
- Ung thư vú hoặc nghi ngờ ung thư vú;
 
- Đang bị lupus ban đỏ hệ thống;
 
- Phụ nữ ra máu âm đạo chưa rõ nguyên nhân;
 
- Đang có bệnh gan cấp tính hay u ở gan;
 
- Đang bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi.
 
Không tiếp tục sử dụng nếu khách hàng: Đã từng hoặc đang bị tai biến mạch máu não hoặc thiếu máu cơ tim hoặc Đau nửa đầu có kèm mờ mắt.
 
- Tác dụng phụ và một số điểm không thuận lợi khi dùng thuốc cấy tránh thai: Một số khách hàng có thể có buồn nôn hoặc nôn nhẹ xảy ra trong vài tuần đầu sau khi cấy; Choáng váng nhẹ hay nhức đầu nhẹ; Cương vú, đau vú, tăng cân nhẹ; Thay đổi kinh nguyệt dưới nhiều hình thức như: Ra máu kéo dài hơn bình thường; mất kinh vài tháng; ra máu giữa kỳ vài ngày; kinh nguyệt ít đi và thời gian ngắn lại. Những điểm không thuận lợi đó sẽ tự mất đi theo thời gian sử dụng và rất ít khi phải điều trị.
 
Hỏi: Biện pháp cấy tránh thai có ưu và nhược điểm như thế nào?
 
Trả lời:
 
- Ưu điểm và những thuận lợi của biện pháp cấy tránh thai: Hiệu quả tránh thai cao, dễ sử dụng, tác dụng thời gian dài, không phụ thuộc lúc giao hợp; Dễ hồi phục khả năng có thai sau khi lấy thuốc cấy ra.
 
+ Tác dụng tránh thai:
 
Có tác dụng nhanh ngay khi cấy (trong vòng 24 giờ) nếu cấy trong vòng 5-7 ngày đầu của vòng kinh (đối với vòng kinh đều).
Không ảnh hưởng tới tiết sữa, lượng sữa và cho con bú.
 
Không có tác dụng phụ như viên tránh thai kết hợp.
 
Không ảnh hưởng tới ham muốn tình dục và hoạt động tình dục.
 
Tác dụng lâu tới 3-5 năm (5 năm với Norplant và 3 năm với Implanon).
 
Có thể hồi phục khả năng sinh đẻ sau khi tháo que cấy tránh thai.
 
+ Tác dụng lợi ích cho sức khoẻ: Làm giảm hoặc khỏi hẳn đau bụng kinh; Làm bớt thiếu máu; Giảm bớt nguy cơ ung thư nội mạc tử cung; Giảm bớt nguy cơ viêm nhiễm phần phụ và chửa ngoài tử cung.
 
- Nhược điểm của biện pháp cấy tránh thai: Giá thành đắt, đòi hỏi cán bộ y tế phải được đào tạo kỹ thuật cấy và tháo nang thuốc; Có thể gây rối loạn kinh nguyệt như ra máu kéo dài hoặc mất kinh. Đôi khi có nhiễm khuẩn tại chỗ cấy nang thuốc. Hết thời hạn sử dụng (3 hoặc 5 năm) phải tháo nang thuốc ra.
 
Khách hàng nhiễm HIV hay có bạn tình nhiễm HIV có thể sử dụng thuốc cấy tránh thai nhưng biện pháp tránh thai này không giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS. Khách hàng cần sử dụng kết hợp với bao cao su. Khi sử dụng đúng cách và thường xuyên, bao cao su giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV và các NKLTQĐTD.
 
Hỏi: BPTT bằng Viên uống tránh thai liều thấp kết hợp là gì? Cơ chế tránh thai như thế nào?
 
Trả lời:
 
- Viên uống tránh thai kết hợp là BPTT tạm thời, chứa 2 loại nội tiết là Estrogen và Progestin. Tùy theo loại viên uống mà có hàm lượng các thành phần hocmon khác nhau. Các loại viên uống tránh thai hiện đang được sử dụng ở Việt Nam là: IDEAL, Naphaceptive, Rigevidon, Euginon, Marvelon, Choice, Newchoice, Tri-regol, Microgynon, Rigulon, Mercilon … Hiệu quả tránh thai 98% (nếu sử dụng đúng).
 
- Cơ chế tránh thai: Viên uống tránh thai kết hợp có tác dụng tránh thai bằng ức chế phóng noãn, làm đặc chất nhầy cổ tử cung và làm nội mạc tử cung kém phát triển.
 
Hỏi:. Viên uống tránh thai liều thấp kết hợp được sử dụng như thế nào?
 
Trả lời:
 
- Cách sử dụng Viên uống tránh thai liều thấp kết hợp:
 
+ Uống viên số 1, vào ngày đầu của kỳ kinh.
 
+ Uống mỗi ngày 1 viên.
 
+ Uống vào 1 giờ nhất định để dễ nhớ, theo chiều mũi tên trên vỉ thuốc (vỉ thuốc nên dán ngày để tránh quên).
 
+ Uống 1 mạch không nghỉ với vỉ 28 viên.
 
Khi hết vỉ thuốc, phải uống viên số 1 của vỉ tiếp theo vào ngày hôm sau dù đang còn kinh (với vỉ 28 viên) hoặc nghỉ 7 ngày rồi dùng tiếp vỉ sau, dù đang còn kinh (với vỉ 21 viên).
 
- Quên uống thuốc: Quên uống thuốc sẽ làm tăng nguy cơ thất bại, đặc biệt nếu quên uống thuốc trong tuần lễ đầu hoặc tuần lễ thứ ba của tháng.
 
Cách xử trí như sau:
 
+ Quên uống viên thuốc có nội tiết (tức từ tuần 1 đến tuần 3)
 
Nếu quên 1 hoặc 2 viên (đối với loại thuốc có nồng độ estrogen 30-35mcg), hoặc quên 1 viên (đối với loại thuốc có nồng độ estrogen nhỏ hơn hoặc bằng 20mcg); hoặc bắt đầu vỉ thuốc chậm từ 1-2 ngày: khách hàng cần uống một viên ngay khi nhớ ra và tiếp tục uống mỗi ngày một viên như thường lệ.
 
Nếu quên từ 3 viên trở lên (đối với loại thuốc có nồng độ estrogen 30-35mcg) hoặc quên từ 2 viên trở lên (đối với loại thuốc có nồng độ estrogen nhỏ hơn hoặc bằng  20mcg); hoặc bắt đầu vỉ thuốc chậm từ 3 ngày trở lên, khách hàng cần uống một viên thuốc ngay khi nhớ ra và tiếp tục uống thuốc như thường lệ. Khách hàng cần thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.
 
Nếu xảy ra ở tuần lễ thứ nhất (bắt đầu vỉ thuốc) và có giao hợp không bảo vệ trong vòng 5 ngày vừa qua, khách hàng cần sử dụng thêm biện pháp tránh thai khẩn cấp.
 
Nếu xảy ra ở tuần lễ thứ ba, khách hàng cần uống tiếp những viên thuốc có nội tiết, bỏ các viên thuốc nhắc và tiếp tục ngay vào vỉ thuốc mới.
 
+ Quên uống viên thuốc nhắc (từ viên thứ 22 đến viên thứ 28): Bỏ viên thuốc quên, uống tiếp viên thuốc kế.
 
- Nôn trong vòng 2 giờ sau uống thuốc: Uống lại một viên thuốc khác.
 
- Nôn nhiều và tiêu chảy sau uống thuốc: Nếu xảy ra trong vòng 24 giờ, khách hàng cần tiếp tục uống thuốc theo đúng lịch.
 
Nếu xảy ra liên tục từ 2 ngày trở lên, khách hàng sẽ thực hiện giống như trường hợp quên uống thuốc.
 
- Đối với khách hàng HIV(+):
 
+ Khách hàng HIV(+) hoặc AIDS hoặc đang điều trị thuốc kháng virus (ARV) có thể sử dụng viên thuốc tránh thai kết hợp.
 
+ Yêu cầu khách hàng sử dụng bao cao su kèm theo khi sử dụng viên thuốc tránh thai kết hợp. Khi sử dụng đúng cách và thường xuyên, bao cao su giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV và các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
 
Hỏi: Những trường hợp nào không nên sử dụng Viên uống tránh thai liều thấp kết hợp?
 
Trả lời:
 
- Viên uống tránh thai liều thấp kết hợp được sử dụng đối với phụ nữ muốn sử dụng một BPTT tạm thời, có hiệu quả cao và không có chống chỉ định dùng thuốc tránh thai.
 
- Viên uống tránh thai liều thấp kết hợp tuyệt đối không nên sử dụng cho các trường hợp sau đây: Phụ nữ đang có thai hoặc nghi ngờ có thai; Đang cho con bú trong vòng 6 tuần sau đẻ; Phụ nữ lớn tuổi (lớn hơn hoặc bằng 35 tuổi) và hút thuốc lá thường xuyên (lớn hơn hoặc bằng 15 điếu/ngày); Cao huyết áp nặng (lớn hơn hoặc bằng 160/100mmHg); Đã hoặc đang bị bệnh lý tim mạch và đông máu như (i) bệnh lý mạch máu, hoặc (ii) thuyên tắc tĩnh mạch sâu, hoặc (iii) thuyên tắc phổi, hoặc (iv) bệnh lý đông máu, hoặc (v) bệnh thiếu máu cơ tim, hoặc (vi) bệnh lý van tim phức tạp, hoặc (vii) tai biến mạch máu não, hoặc (viii) cơ địa huyết khối di truyền; Sắp phẫu thuật đòi hỏi phải nằm viện trên 1 tuần; Đau nửa đầu (Migrain); Đang bị ung thư vú; Đái tháo đường nặng hoặc có biến chứng (thận, thần kinh, võng mạc, mạch máu); Đang bị bệnh gan như (i) viêm gan cấp, (ii) xơ gan hoặc (iii) u gan.
 
- Một số trường hợp sau đây nên cân nhắc và hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng như:
 
+ Phụ nữ đang cho con bú sau sinh từ 6 tuần đến 6 tháng, hoặc không cho con bú trong vòng 4 tuần sau đẻ.
 
+ Phụ nữ lớn tuổi (lớn hơn hoặc bằng 35 tuổi) và hút thuốc lá dưới 15 điếu/ngày.
 
+ Phụ nữ đã hoặc đang bị cao huyết áp (140-159/90-99mmHg).
 
+ Phụ nữ đã hoặc đang tăng lipid máu hoặc tăng cholesterol do uống thuốc tránh thai.
 
+ Phụ nữ đã từng bị ung thư vú.
 
+ Phụ nữ bị sỏi mật đang điều trị nội khoa hoặc xơ gan còn bù.
 
+ Phụ nữ đang sử dụng một số loại thuốc chống lao như Rifampicine hoặc Rifabutin và một số thuốc chống co giật như Phenytoin, Carbamazepine, Barbiturate, Primidone, Topiramate, Oxcarbazepine hoặc lamotrigin.
 
- Sử dụng bảng kiểm tra sức khỏe, nếu đối tượng trả lời là "Không" với tất cả các câu hỏi thì tại thời điểm kiểm tra, đối tượng có thể dùng thuốc tiêm tránh thai, nếu một câu trả lời "Có" thì hướng dẫn đối tượng đến cơ sở y tế để xác định. 
 
Bảng kiểm tra sức khỏe sử dụng viên uống tránh thai kết hợp
 
TT NỘI DUNG KHÔNG
1 Nghi có thai
 
2 Vàng mắt, vàng da    
3 Khối u ở vú    
4 Ra máu bất thường không rõ nguyên nhân    
5 Ra máu sau giao hợp    
6 Sưng và đau ở chân không do sang chấn    
7 Đau ngực nhiều    
8 Động kinh/có tiền sử động kinh    
9 Nhức đầu nặng    
10 Đang cho con bú    

B.T
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]