Ðối phó với chứng đau chi ma

Những người bị thương trong chiến tranh hoặc những người bị tai nạn mà phải cắt cụt chi thì sau khi cắt cụt vẫn bị đau một thời gian dài, người ta gọi là đau chi ma hay đau mỏm cụt.

15.5981

(SKDS) - Những người bị thương trong chiến tranh hoặc những người bị tai nạn mà phải cắt cụt chi thì sau khi cắt cụt vẫn bị đau một thời gian dài, người ta gọi là đau chi ma hay đau mỏm cụt. Những sự đau đớn này rất cần sự cảm thông chia sẻ giúp đỡ của người thân và cộng đồng. Bài viết sau đây giúp bạn đọc thêm kiến thức về chứng đau này.

 Luyến tiếc phần chi đã bị cắt cụt là một yếu tố gây đau chi ma.

Đau do bệnh tật và sự luyến tiếc phần chi bị cắt cụt

Đau chi ma là đau sau khi đã bị cắt mất chi mà bệnh nhân vẫn bị đau như còn chi đó. Đau mỏm cụt là đau ở vị trí đã cắt cụt. Cảm giác chi ma là cảm giác phần chi bị cắt mất như vẫn còn, gồm: nóng rát, cảm giác kiến bò và chuột rút.

Biểu hiện đau chi ma

Một người đã bị cắt cụt chân hoặc tay, biểu hiện của đau chi ma gồm: đau, khó chịu hoặc cảm giác nóng rát ở chi đã mất. Có người thấy đủ các dạng đau, nhưng cũng có người chỉ thấy một dạng đau mà thôi. Người bị đau chi ma không thể biết trước được dạng đau nào sẽ xảy ra, khi nào cơn đau xuất hiện, cường độ và thời gian của cơn đau. Tuy nhiên, ở một số người thấy có những yếu tố có thể gây đau chi ma như: thay đổi thời tiết đang nóng trở lạnh, khi phải làm việc gắng sức, trạng thái căng thẳng thần kinh như tức giận, hận thù, ghen tuông, mất của, mất người thân, mệt mỏi… Ðau chi ma thường bắt đầu trong vòng một vài ngày sau phẫu thuật. Có người thấy đau và cảm giác đau chi ma giảm theo thời gian, trái lại, một số người khác vẫn bị đau dai dẳng trong nhiều năm. Ðến nay, chưa có xét nghiệm chẩn đoán đau chi ma.
Nhờ sự mô tả của bệnh nhân hoặc bản thân thầy thuốc bị cắt cụt chi mô tả mà các bác sĩ đã biết về chứng đau chi ma, song chưa thể biết chính xác nguyên nhân gây đau. Người ta cho rằng: đau chi ma là do tâm lý hơn là bệnh thực thể. Đau là do bệnh nhân không muốn hoặc không chấp nhận việc đã bị mất chi, hoặc do bệnh nhân suy nghĩ quá nhiều đến sự mất mát đó.
 
Tuy nhiên, các nghiên cứu sau này thấy rằng sự đau khổ về tâm lý không phải là nguyên nhân duy nhất của đau chi ma. Một số nghiên cứu cho thấy: những người đã bị đau chi trước khi cắt cụt dễ bị đau chi ma về sau hơn. Có mối liên quan giữa cường độ đau trước khi cắt cụt với đau chi ma về sau. Các bệnh nhân phải phẫu thuật do huyết khối ở chi cắt cụt hay nói về tình trạng đau và khó chịu ở chi ma trước và sau khi phục hồi chức năng hơn những người cắt cụt chi do những bệnh khác.
 
Người ta cho rằng điều này xảy ra vì  cục máu đông làm giảm lượng oxy tới chi, gây tổn thương chi. Phần mô còn lại bị tổn thương có thể lâu liền hơn so với mô bình thường hoặc không bao giờ liền, dẫn đến đau kéo dài. Đau liên quan đến hoại thư hoặc các nhiễm khuẩn trước khi cắt cụt cũng dễ gây đau chi ma sau phẫu thuật.

Nghiên cứu về cơ chế não bộ tự “lập lại đường truyền” sau một chấn thương như phẫu thuật thì số lượng “lập lại đường truyền” của não tương quan với mức độ đau chi ma: sự lập lại đường truyền ở người có các triệu chứng đau chi ma nhiều hơn ở những người không bị đau chi ma. Cho đến khi não điều chỉnh cảm nhận theo độ dài của chi đã bị cắt cụt gọi là thu gọn, đau chi ma sẽ giảm.

Trước đây, người ta nghĩ rằng đau chi ma chỉ xảy ra ở những người bị cắt cụt chi, nhưng hiện nay, nhiều nghiên cứu cho thấy: một số người bẩm sinh không có chi có thể cũng cảm thấy kiểu đau này. Tuy nhiên, cảm giác chi ma gặp ở người bị cắt cụt chi nhiều hơn ở người bẩm sinh không có chi. Đau mỏm cụt xảy ra ở nhiều người bị đau chi ma và có thể liên quan với đau chi ma.

Chữa trị thế nào?

Nếu người nào đau hơn một năm không điều trị thì thường khó điều trị hơn.

Các bác sĩ sử dụng nhiều phương pháp để điều trị đau chi ma. Tuy không có thuốc đặc trị đau chi ma, cũng không có thuốc nào có hiệu quả cho mọi bệnh nhân, vì thế, người bị đau chi ma cần phải thử nhiều thuốc khác nhau để tìm ra loại thuốc có tác dụng với mình.
 
Các thuốc thường dùng để điều trị đau chi ma gồm: canxitonin; thuốc chống trầm cảm có thể gây ngủ, làm bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn; thuốc chống co giật; thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương; các thuốc opioid, morphin và các thuốc giảm đau cùng họ, có thể giảm đau chi ma ở những người không nghiện ma túy hoặc bệnh phổi.

Các liệu pháp không phẫu thuật có thể làm giảm đau chi ma: kích thích điện dây thần kinh qua da (TENS); kích thích từ qua hộp sọ (TS) là dùng một dòng điện yếu được đưa vào các điện cực trên da đầu làm giảm đau trên 1 tuần mới cần điều trị nhắc lại; kích thích tủy sống (SCS) bằng dòng điện yếu được truyền vào tủy sống  để giảm đau; kích thích não sâu tương tự như kích thích tủy sống để giảm đau; sốc điện (ECT).

Phẫu thuật khi điều trị nội khoa và thủ thuật không xâm lấn thất bại.

 Chăm sóc cây cối cũng là một cách giảm chứng đau do chi ma ở thương binh.

Kỹ năng đối phó và tự chăm sóc

Có nhiều cách để làm giảm sự khó chịu do đau chi ma mà người bệnh có thể thực hiện như sau: Tìm những hoạt động khiến bạn không tập trung vào cơn đau như đọc sách, nghe nhạc; Tập luyện các môn hoặc làm công việc yêu thích như đi bộ, bơi, đi xe đạp, làm vườn, chăm sóc cây cảnh, nuôi chim, thú…; Tìm cách thư giãn như tắm nước ấm hoặc nằm nghỉ, thiền, tập yoga; Tham gia các hoạt động giúp bệnh nhân xích lại gần với những người khác như nói chuyện điện thoại hoặc đi chơi với bạn bè, tham gia các câu lạc bộ thơ văn...Chăm sóc mỏm cụt như tháo hoặc lắp chi giả, xoa bóp mỏm cụt, chườm lạnh hoặc chườm nóng có thể làm giảm đau. Việc xử trí đau chi ma có thể tạo nên sự khác biệt lớn trong cảm nhận của người bệnh. Khi làm một phương pháp mà không làm giảm đau, hãy thử phương pháp khác hoặc phối hợp nhiều phương pháp.

ThS. Phạm Phú Vinh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]