Sợ ung thư, châu Á nỗ lực chặt bỏ cây cau

Nhai trầu cau là thói quen của gần 1/10 dân số thế giới vì mỗi miếng cau tạo hưng phấn tương đương 6 ly cà phê và được coi là biểu tượng của tình yêu, hôn nhân, chữa khó tiêu và bất lực. Nhưng một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á đang nỗ lực chặt cây cau vì nguy cơ ung thư.

15.6027

Bán trầu cau trên đảo Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Rolf Mueller. Bán trầu cau trên đảo Hải Nam, Trung Quốc (Ảnh: Rolf Mueller)

Cây cau được trồng khắp châu Á và được nhiều người nhai để giữ ấm và có cảm giác kích thích. Giống như nicotine, chất cồn và caffeine, hạt cau được tin là một trong những chất kích thích thần kinh phổ biến nhất trên thế giới. Ngoài phụ nữ, nhiều người đàn ông cũng nhai trầu cau để tỉnh táo hơn trong lúc lái xe, đánh bắt hay làm việc trên công trường xây dựng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng, tỷ lệ ung thư miệng rất cao đang phá hoại cuộc sống của nhiều người nhai trầu, ngay cả với những ai đã bỏ thói quen này cả thập kỷ. Tại Đài Loan, nơi quả cau thường được gọi là “kẹo cao su”, chính quyền đang áp dụng nhiều biện pháp để chấm dứt thói quen đã tồn tại nhiều thế kỷ, nhằm giảm hàng ngàn trường hợp tử vong mỗi năm.

Sự kết hợp nguy hiểm

Ở châu Á, quả cau thường được nhai tươi hoặc sau khi phơi khô cùng một ít vôi tôi, lá trầu, các chất tạo mùi như bạch đậu khấu, quế, thuốc lá. Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đưa tất cả những thành phần này, ngoại trừ bạch đậu khấu và quế, vào danh sách các chất sinh ung thư. Vôi tôi được cho là nguy hiểm hơn cả vì nó tạo ra hàng trăm vết xước da li ti trong miệng, tạo đường vào cho nhiều chất gây ung thư.

“Khoảng một nửa đàn ông ở đây vẫn không biết nhai trầu có thể gây ung thư miệng, dù tỷ lệ tử vong vì ung thư miệng ở Đài Loan nằm trong top 3 thế giới”, BBC dẫn lời GS Hahn Liang-junn, chuyên gia ung thư miệng tại Bệnh viện Đại học Đài Loan. Ông Qiu Zhen-huang, 54 tuổi, là một trong những người Đài Loan không biết gì về điều này. Từng là công nhân công ty vật liệu xây dựng, ông Qiu đã nhai trầu vài chục năm. “Tôi bắt đầu nhai trầu vì mọi người ở công trường đều làm như vậy. Chúng tôi thường mời nhau để giữ quan hệ tốt”, ông Qiu kể. 20 năm sau khi bỏ thói quen này, ông mới phát bệnh. Ba năm trước, một lỗ nhỏ xuất hiện ở má trái, nhưng chỉ 3 tháng sau đó, khối u to bằng quả bóng golf và hoàn toàn thay đổi cuộc đời người đàn ông này.

Biển khuyến cáo không nhai trầu cau ở Papua New Guinea - thủ phủ nhai cau của thế giới (Ảnh: Garamut)

Mỗi năm, khoảng 5.400 đàn ông Đài Loan như ông Qiu được chẩn đoán ung thư miệng hay những tổn thương tiền ung thư. 80-90% trong số đó có thói quen nhai trầu. Dấu hiệu sớm là những tổn thương màu trắng hoặc đỏ xuất hiện trong miệng, nhưng chúng sẽ nhanh chóng tiến triển thành khối u loét thịt gớm ghiếc.

So với những loại ung thư khác, u và ung thư miệng khó che giấu hơn nên người bệnh thường bị ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe và tâm lý. “Đôi khi, ngay cả sau khi phẫu thuật, bệnh nhân không thể làm những việc bình thường như thể hiện cảm xúc khuôn mặt vì hàm dưới đã bị cắt, tùy thuộc phạm vi ung thư”, GS Hahn giải thích.

Chính quyền Đài Loan đang giúp người dân phòng ngừa ung thư miệng bằng cách cung cấp dịch vụ kiểm tra miệng miễn phí và triển khai các chương trình giúp họ bỏ thói quen ăn trầu cau. Đài Loan cũng nỗ lực giảm số lượng cau cung cấp bằng cách trợ cấp cho nông dân chặt bỏ cau và trồng cây khác thay thế.

Ấn Độ, Thái Lan cũng đã triển khai các chương trình khuyến khích người dân bỏ thói quen nhai trầu.
 
Sau khi nghiên cứu các nghiên cứu y tế liên quan, Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế kết luật rằng, nhai hạt cau làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở người. Nhiều hợp chất có trong hạt cau, đặc biệt là arecoline, góp phần làm thay đổi mô ở niêm mạc miệng.
 
 Theo Trúc Quỳnh/BBC
Tiền Phong
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]