Surface - Viên thuốc bổ hay liều thuốc độc cho Microsoft?

Buổi ra mắt hoành tráng mẫu máy tính bảng Surface được đánh giá là sự kiện rất đặc biệt đối với Microsoft khi nó không chỉ phá vỡ mô hình kinh doanh truyền thống từ khi hãng thành lập, mà còn có thế quyết định sự thành công hay thất bại của Microsoft trong tương lai.

15.6

Phá vỡ mô hình kinh doanh truyền thống

Khi làm một phép so sánh giữa Apple và Microsoft có thể nhận thấy mô hình kinh doanh là điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa hai tập đoàn công nghệ. Trong khi Apple xây dựng một mô hình hoàn toàn khép kín bao gồm: máy tính - hệ điều hành- ứng dụng - phân phối, còn mô hình của Microsoft lại rất mở gồm: phát triển phần mềm - các đối tác phân phối.
Từ khi thành lập, Microsoft chủ yếu tập trung phát triển các phần mềm, điển hình như: Windows, Office. Sau đó thiết lập mối quan hệ đối tác với các hãng chuyên sản xuất hardware (phần cứng) như HP, Asus, Dell... để đưa các phần mềm của hãng lên máy tính rồi thu khoản tiền bản quyền lợi nhuận khổng lồ hàng năm.
Nhưng với mẫu máy tính bảng Surface, cho dù không đảm trách khâu sản xuất nhưng theo đánh giá Microsoft được coi đã chính thức phá vỡ mô hình kinh doanh truyền thống của mình.
"Microsoft tin tưởng rằng Surface hay bất cứ một sản phẩm nào chỉ có thể phục vụ hoàn hảo những nhu cầu của khách hàng khi những kinh nghiệm phát triển phần mềm được kết hợp với hoạt động sản xuất" - lời phát biểu của ông Steve Ballmer, CEO của Microsoft tại buổi ra mắt Surface được cho là giải thích cho sự phá vỡ mô hình kinh doanh truyền thống.
Dù trước đây, Microsoft cũng tham gia sản xuất phần cứng như chuột, bàn phím, máy nghe nhạc và đặc biệt rất thành công với bộ game cầm tay console Xbox 360 (hiện chiếm gần 50% thị phần console tại Mỹ) nhưng Microsoft chưa bao giờ lấn sân sang PC, laptop hay máy tính bảng- mảng thị trường mà các đối tác của Microsoft như HP, Asus, Dell đang vô cùng vất vả để cạnh tranh với các sản phẩm của gã khổng lồ mang tên Apple.

‘ Liệu Surface có thực sự phá vỡ mô hình kinh doanh của Microsoft

Giai đoạn cuối của thời kỳ PC (máy tính để bàn), cùng kỷ nguyên mới sắp tới của các thiết bị di động như smartphone, talet được cho là nguyên nhân cho sự ra đời của của Surface.
Trên nền tảng PC, dù "con gà" Windows vẫn đều đặn “đẻ trứng vàng” với doanh thu hơn 19 tỷ USD năm 2011 (chiếm hơn 90% thị phần hệ điều hành máy tính thế giới), cùng "con bò sữa" Microsoft Business Division bao gồm các mềm văn phòng (gồm Word, Excel...) vẫn mang lại cho Microsoft hơn 22 tỷ USD năm 2011 nhưng tất cả không đảm bảo một tương lai vững chắc cho Microsoft trong kỷ nguyên của các thiết bị di động.
Trong tương lai, Microsoft phải đối mặt trước thực tế là số lượng người dùng Internet di động trên smart phone và tablet sẽ vượt Internet trên desktop trong năm 2014 (dựa theo thống kê của ComScore).
Thực tế đó đang diễn ra với biên độ ngày một nhanh khi doanh số máy để bản desktop đều đặn tụt giảm mạnh qua các năm, trong khi doanh số máy tính bảng và smartphone ngày càng tăng. Theo dự báo, doanh số máy tính bảng sẽ tăng gấp ba trong hai năm tới, vượt quá 180 triệu chiếc/năm trong năm 2013 và dễ dàng bỏ xa sự tăng trưởng máy tính cá nhân truyền thống.
Và để chuẩn bị viễn cảnh hậu PC, Microsoft không thể thụ động giao phó số phận mình cho các đối tác như Dell, HP, Asus... đang ngày càng tỏ ra lép vế trước Apple và Google. Microsoft phải chủ động phát triển các sản phẩm thiết bị di động mang thương hiệu của chính mình và Surface được cho chỉ là sản phẩm khởi đầu hay viên thuốc tăng lực đầu tiên cho kỷ nguyên các thiết bị di động, nơi PC, tablet, điện thoại, TV, máy chơi game... có thể chạy trên cùng một nền tảng, giúp người sử dụng không cảm thấy xa lạ khi tiếp xúc nhiều thiết bị khác nhau.
Còn về cái được cho là sự lấn sân vào thị phần máy tính bảng của các đối tác truyền thống, theo Ronan de Renesse nhà phân tích đến từ at Analysys Mason, Surface sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến sự hợp tác giữa Microsoft và các đối tác.
Theo ông Mason, Samsung Electronics và AsusTek, hai đối tác quan trọng có tiềm lực mạnh nhất của Microsoft trong thị trường máy tính bảng cũng chỉ chiếm 10% thị phần. Các đối tác còn lại như HP, Dell, Acer chỉ chiếm thị phần rất nhỏ, do đó sẽ không làm ảnh hưởng đến mối hợp tác lâu năm với Microsoft.

‘ Surface được đánh giá là có khá nhiều điểm ưu việt

Hay liều thuốc độc?
Dù chưa có bất cứ bình luận hay phản ứng nào nhưng các đối tác chắc chắn không hề thoải mái với sự lấn sân của Microsoft.
Hàng năm, các nhà chế tạo PC như Dell, HP, Acer, Asus... phải "cắn răng" chi hàng tỷ USD để mặc định hệ điều hành Windows cho các mẫu máy để bàn hay laptop của mình. Và với Surface có thể sẽ là giọt nước làm tràn ly mối quan hệ đầy phức tạp giữa các hãng chế tạo PC với Microsoft.
Thay vì Windows, Microsoft Office... các đối tác của Microsoft có thể tìm đến các bộ phần mềm mã nguồn mở miễn phí như Ubuntu, Open Office... thậm chí có thể tìm đến đối thủ của Microsoft là Android của Google hay iOS của Apple. Và nếu như trở thành hiện thực đó sẽ là thảm họa của Microsoft. Đặc biệt khi Microsoft chuẩn bị ra mắt sản phẩm chiến lược của hãng Windows 8 trong năm nay.
Tương tự Microsoft, dù tuyên bố chỉ quan tâm đến 17.000 bằng sáng chế trong thương vụ mua lại Motorola Mobility nhưng Google đang phải đối diện với sự hoài nghi và khó chịu của các hãng sản xuất smartphone chạy trên hệ điều hành Android.
Chính vì thế việc Microsoft ra mắt Surface liệu là liều thuốc bổ hay thuốc độc, chỉ thời gian mới có câu trả lời!

Tin bài liên quan

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]