Tác dụng phụ của thuốc với người cao tuổi

Người cao tuổi thường dùng nhiều thuốc, do vậy cần biết những loại nào có tác dụng phụ nguy hiểm để phòng tránh

15.5734

Chúng ta sống trong một thế giới đầy rẫy thuốc men, người người dùng thuốc, nhà nhà dùng thuốc. Đôi khi người dùng thuốc chỉ để làm giảm triệu chứng chứ không phải nhằm trị nguyên nhân bệnh. Hầu hết các loại dược phẩm đều có tác dụng phụ, trong đó có những tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm. Sự nguy hiểm của tác dụng phụ của thuốc càng tăng cao hơn khi người sử dụng đã cao tuổi vốn thuộc nhóm người dùng thuốc nhiều nhất, dù được kê toa hay không.

Làm bệnh trầm trọng hơn

Một số loại thuốc kê toa dùng để trị các bệnh quen thuộc ở nhóm bệnh nhân cao tuổi sẽ gây những tác dụng phụ vốn, làm bệnh tình càng trở nên xấu hơn. Tác dụng phụ có thể không được nhận biết ngay sau lần đầu sử dụng thuốc. Càng dùng thuốc lâu ngày thì tác dụng phụ sẽ dần dần để lộ “hành tung”.

Các nhà nghiên cứu ở Anh có một báo cáo đăng tải trên chuyên san Hiệp hội Lão khoa Mỹ (Journal of the American Geriatrics Society) số tháng 8-2011 về những tác dụng phụ của thuốc ở bệnh nhân cao tuổi. Báo cáo này nêu rằng với những thuốc kê toa quen thuộc cho người từ 65 tuổi trở lên thì một nửa số bệnh nhân có thể bị tử vong hoặc bị sa sút trí tuệ, nhất là khi nhiều loại thuốc dùng để trị nhiều chứng bệnh khác nhau được uống cùng một lúc. Điều này là khó tránh  khỏi ở người cao tuổi vì họ cùng một lúc “ôm” nhiều chứng bệnh khác nhau.


Người già thường có nhiều bệnh, phải uống nhiều loại thuốc khác nhau
nên phải cẩn thận với những tác dụng phụ của nó. Ảnh: NGỌC DUNG

Người cao tuổi thường sử dụng số lượng thuốc cao gấp 3 lần so với nhóm người trẻ tuổi. Trong đó, quen thuộc nhất là các thuốc: tim mạch, trị cao huyết áp, hạ cholesterol, an thần, kháng trầm cảm...

Những loại thuốc dùng để trị các bệnh tim mạch thường gây buồn nôn, ói mửa, sụt cân, chán ăn và rối loạn về xuất huyết. Một nhóm thuốc hạ cholesterol quen thuộc là statin sẽ gây ra các tác dụng phụ như đau cơ, yếu cơ  vốn có thể làm người cao tuổi dễ bị vấp ngã. Sự vấp ngã ở bệnh nhân cao tuổi sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho sức khỏe hoặc có thể bị tử vong, nằm liệt giường hay “rước” thêm nhiều chứng bệnh khác. Statin cũng có thể gây ra những tác dụng phụ khác như nhức đầu, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, táo bón, da nổi mẩn..

Các loại thuốc an thần, chống lo âu, thuốc ngủ có chứa benzodiazepines sẽ gây ra các tác dụng phụ như buồn ngủ, lú lẫn, té ngã... Trong khi đó, các loại thuốc kháng trầm cảm sẽ có nhiều tác dụng phụ như giảm huyết áp, buồn ngủ, lú lẫn, té ngã, bí tiểu... Các thuốc kháng trầm cảm cũng làm cho máu bị loãng, làm giảm chức năng đông máu, vì vậy càng làm tăng tần suất rủi ro xuất huyết ở dạ dày và tử cung. Nếu những thuốc này được sử dụng chung với các thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs) thì tần suất rủi ro xuất huyết càng tăng lên gấp đôi.

Nhóm thuốc có tác dụng phụ nguy hiểm

Ngoài ra, nhóm người cao tuổi thường dùng thêm nhiều loại thuốc mà tác dụng phụ của chúng cũng vô cùng nguy hiểm, chẳng hạn:

- Thuốc chống loạn thần, thuốc được sử dụng để điều trị rối loạn tâm thần có thể dẫn đến sự nhầm lẫn, buồn ngủ, hạ huyết áp, té ngã, bí tiểu, run rẩy, co giật, rối loạn vận động...

- Thuốc kháng histamine được sử dụng để điều trị dị ứng có các tác dụng phụ như nhầm lẫn, buồn ngủ, hạ huyết áp, té ngã, rối loạn giấc ngủ, tiểu tiện khó khăn...

- Thuốc dùng để trị buồn nôn và ói mửa thường gây tác dụng phụ như lú lẫn, buồn ngủ, hạ huyết áp, té ngã, bí tiểu, run rẩy...

- Thuốc giảm đau sẽ gây táo bón, lú lẫn, buồn ngủ. Cho dù các thuốc giảm đau không cần toa bác sĩ vẫn có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng lên gan và hệ tiêu hóa.

-  Thuốc điều trị bệnh Parkinson có thể dẫn đến sự lú lẫn, chóng mặt, huyết áp thấp và tăng độc tính tim mạch.

- Thuốc làm giảm co thắt cơ có thể dẫn đến khô miệng, táo bón, bí tiểu và mê sảng.

- Thuốc trị tiểu không tự chủ có thể dẫn đến khô miệng, táo bón, bí tiểu, mê sảng và lú lẫn.

Những tác dụng phụ kể trên là của từng loại thuốc riêng biệt. Hãy thử hình dung nếu các loại thuốc trên được phối hợp để uống cùng lúc thì tác dụng phụ sẽ nghiêm trọng hơn nhiều. Dùng thuốc thì khó tránh khỏi tác dụng phụ. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa những nguy cơ có hại từ tác dụng phụ của thuốc, không cách gì khác hơn là tuân thủ sự chỉ định của thầy thuốc. Chúng ta cũng đừng quên một câu nói tuy cũ rích nhưng luôn hợp thời: “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]