Thất bại là mẹ thành công

Bất kỳ một ai đã học và hiểu y học cổ truyền đều phải nắm vững Bát cương. Bát cương là tám cương mục lớn của y học cổ truyền, khái quát hóa tám trạng thái sinh lý, bệnh lý của cơ thể.

0
(SKDS) - Bất kỳ một ai đã học và hiểu y học cổ truyền đều phải nắm vững Bát cương. Bát cương là tám cương mục lớn của y học cổ truyền, khái quát hóa tám trạng thái sinh lý, bệnh lý của cơ thể. Có nắm được Bát cương mới có thể phân biệt được các bệnh chứng cụ thể, trên cơ sở đó mới phân tích, lập phương đúng và việc sử dụng thuốc y học cổ truyền mới có hiệu quả.

Trong Bát cương có hai cương hàn - nhiệt để hiểu cho thông, nắm cho đúng bản chất là điều không dễ. Đặc biệt, trong hai cương này có hai trường hợp khá phức tạp, không phải người thầy thuốc nào cũng nắm bắt được, đó là trường hợp:

Chân nhiệt giả hàn: chính bệnh thuộc nhiệt, song biểu hiện một số triệu chứng lại như là hàn. Người bệnh có biểu hiện chân tay cũng lạnh, rêu lưỡi đen, mạch tế (thuộc hàn). Tay chân lạnh nhưng không thích uống nước nóng; rêu lưỡi đen nhưng chất lưỡi lại đỏ; mạch tế nhưng hữu lực (thuộc nhiệt), chứng tỏ nhiệt tà còn ẩn náu bên trong. Do vậy, phải xác định thật rõ hàn - nhiệt, nếu không sẽ dùng thuốc sai dẫn đến bệnh trầm trọng hơn.
 
Ngược lại, trường hợp thứ hai là Chân hàn giả nhiệt: chính bệnh thuộc hàn, song biểu hiện một số triệu chứng là nhiệt như có sốt, miệng khát, rêu lưỡi vàng, diện mạch to, trong người phiền muộn, mặt đỏ hồng (thuộc nhiệt). Miệng khát nhưng lại muốn uống nước ấm, thích mặc ấm, sợ lạnh, rêu lưỡi vàng, nhưng chất lưỡi nhợt nhạt; diện mạch to nhưng vô lực (thuộc hàn), chứng tỏ hàn tà còn đang thịnh ở bên trong. Trong trường hợp này cũng phải xác định thật rõ hàn – nhiệt, nếu không sẽ dùng thuốc sai dẫn đến bệnh trầm trọng hơn.
 Trao đổi học hỏi các thầy và đồng nghiệp để thành công.

Tôi vẫn còn nhớ, hồi mới ra trường làm thầy thuốc, không ít lần đã chẩn đoán sai về hàn - nhiệt. Kết quả là người bệnh không khỏi bệnh, mà còn trầm trọng hơn.

Cứ mỗi lần như thế, tôi vô cùng lo lắng, có những lần sợ hãi đã nghĩ đến việc bỏ nghề. Rất may là tôi đã hành động đúng, không hề giấu dốt. Mỗi khi gặp tình huống như thế, tôi không quên đến gặp để hỏi thầy và trao đổi cùng đồng nghiệp để tìm ra sai lầm của mình trong chẩn đoán…

Thầy và bạn đã động viên tôi: “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại, ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”…; Đừng bi quan và hãy nhớ: “Thất bại là mẹ của thành công” và phải chú ý từng chi tiết như những điều đã nêu ở trên sẽ tránh được sai lầm, thất bại. Tôi suy ngẫm và nhận ra rằng trong cuộc đời mỗi con người cho dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng phải trải qua đôi lần thất bại, “không nên buồn phiền, bi quan, thất vọng” mà “phải dũng cảm, tìm cho được nguyên nhân” thì sẽ tránh được thất bại và sẽ thành công.

Những điều trên là chân lý, là sự thật mà mỗi con người phải rèn luyện, phải hướng tới và thực hiện. Nhưng quả thật, đối mặt với thất bại, nhất là với người thầy thuốc quả là một thử thách không dễ vượt qua.

Trong cuộc đời làm thuốc của mình, không phải chỉ có những thất bại như nói ở trên, mà còn nhiều lần khác nữa, tưởng chừng đơn giản, nhưng thực ra vô cùng khó khăn, phức tạp như câu chuyện dưới đây:

Một bệnh nhân đến với tôi trong tình trạng đã mổ bắc cầu (by pass) mạch vành. Người bệnh suốt ngày ngủ gà ngủ gật, lại bị thoái hóa đốt sống cổ (C7). Tôi nghĩ ngay tới chứng thiếu máu lên não do thoái hóa đốt sống cổ gây nên. Tôi chỉ định cho người bệnh uống thuốc hoạt huyết dưỡng não kết hợp với châm cứu. Sau 1 tháng điều trị, bệnh không thuyên giảm. Tôi cũng chán nản và bó tay.

Thế rồi tình cờ nhìn thấy vết mổ dài trên hai chân người bệnh để lấy tĩnh mạch làm cầu nối mạch vành, tôi liên hệ tới việc tắc tĩnh mạch chi dưới làm máu về tim bị ảnh hưởng, do vậy máu lên não thiếu gây nên tình trạng ngủ gà, ngủ gật… Tôi hỏi người bệnh thì được biết chân tê mỏi, buổi tối hay bị chuột rút… là những dấu hiệu của bệnh tắc tĩnh mạch chủ dưới. Tôi quyết định điều trị theo hướng tắc tĩnh mạch chủ dưới. Quả nhiên sau 3 tuần lễ uống thuốc, bệnh tình căn bản được giải quyết.

Từ những câu chuyện và thất bại trong nghề, tôi tự nghĩ và rút ra cho mình một số bài học sâu sắc. Trước thất bại, đừng bao giờ bi quan, chán nản mà phải tìm cho được nguyên nhân của thất bại – đó chính là chìa khóa của thành công. Với người thầy thuốc, không được bỏ qua những chi tiết tưởng chừng là “nhỏ”, đôi khi đó chính là chìa khóa giúp ta thành công trong chẩn đoán và điều trị. Trước những thất bại, đừng giấu dốt, hãy giãi bày với thầy, với bạn, họ sẽ giúp mình vượt qua khó khăn.

  Lương yHoài Vũ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]