Thống nhất phác đồ trị “bệnh lạ”

Đến nay đã có hơn 215 người mắc bệnh, 22 người tử vong. Bộ Y tế cần đưa chất độc dioxin vào danh sách là một trong những nguyên nhân gây suy tổn thương gan.

15.6089

Tại Hội thảo Chẩn đoán và điều trị hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (hay còn gọi là “bệnh lạ”) diễn ra ngày 7/6 tại Đà Nẵng, các chuyên gia y tế hàng đầu, đại diện các bệnh viện, cơ sở y tế đã từng điều trị cho bệnh nhân mắc chứng bệnh này đã thống nhất phác đồ điều trị và mổ xẻ các tác nhân gây bệnh.

>>  

 
Di dời toàn bộ dân xã Ba Điền!

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), cứ mỗi ngày trôi qua lại tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc “bệnh lạ” mới, ca tái phát và bệnh diễn biến nặng, phức tạp.

Bà Đặng Thị Phượng, Giám đốc trung tâm, cho biết từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện (vào ngày 19/4/2011) đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị “bệnh lạ”. /gười dân sống trong vùng bệnh đang rất hoang mang, lo lắng. Tình trạng bệnh nhân đến viện điều trị được một thời gian lại bỏ về nhà khiến bệnh càng thêm nặng.

“Hiện số ca bệnh tử vong ở Ba Tơ vẫn tiếp diễn. Nếu tình hình ngày càng xấu đi, địa phương sẵn sàng cung cấp gạo trắng và nước sạch cho toàn vùng. Chúng tôi cũng đã tính đến biện pháp di dời toàn bộ hơn 1.408 người dân ở xã Ba Điền, địa phương chiếm trên 90% ca mắc bệnh lạ ra vùng an toàn” - ông Nguyễn Xuân Mến, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, cho hay.

Một bệnh nhân bị mắc “bệnh lạ” ở làng Rêu (xã Ba Điền, Ba Tơ). Ảnh: DQ

Nghi vấn dioxin gây bệnh

Theo Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội), hiện các bệnh viện, cơ sở y tế vẫn còn đang lúng túng trong việc áp dụng các phác đồ điều trị “bệnh lạ”. Qua các mẫu kiểm tra, bệnh nhân mắc “bệnh lạ” bị nhiễm độc mãn tính, dẫn đến tình trạng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân và hội chứng tổn thương suy tế bào gan. “Nguyên nhân dẫn đến tổn thương gan là do có quá nhiều chất độc tác động.
 
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể xác định rõ đó là chất độc nào trong hàng ngàn chất độc các loại. Tôi không loại trừ chất độc dioxin có trong các chất diệt cỏ, khai hoang” - ông Duệ nói. Ông Duệ cũng đề nghị Trung tâm Y tế Ba Tơ cung cấp danh mục các loại hóa chất diệt cỏ được sử dụng trong vùng để nghiên cứu. “Bộ Y tế cần đưa chất độc dioxin vào danh sách là một trong những nguyên nhân gây suy tổn thương gan. Từ đó có những xét nghiệm, nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân phát bệnh và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp” - ông Duệ thông tin thêm.
 
Đồng quan điểm, BS Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng Khám da liễu, BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng hai bộ phận bị tổn thương nặng nhất trong cơ thể người nhiễm bệnh là gan và da. Ông Minh đặt nghi vấn “thủ phạm” gây nhiễm độc da là chất độc dioxin. “Khi bị nhiễm dioxin, chất độc sẽ nằm tích tụ lại ở hai điểm là gan và mô mỡ.
 
Trường hợp nhiễm độc nặng, tiếp xúc cấp tính thì độc sẽ tái phát ngay với vùng tổn thương nằm tập trung ở mặt. Những triệu chứng của người nhiễm bệnh cho thấy có khả năng họ bị nhiễm chất độc dioxin” - ông Minh nói. Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế, cho hay Bộ Y tế sẽ gửi các mẫu đất, mẫu nước, thực phẩm… ở vùng phát sinh “bệnh lạ” sang một tổ chức quốc tế nhờ giám định để làm rõ nguyên nhân.

Thống nhất phác đồ điều trị để giảm tử vong

BS Vũ Trường Khanh, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai, phân tích tổn thương gan ở bệnh nhân mắc “bệnh lạ” là xơ hóa lan tỏa nên tổn thương này đã phát sinh trước đó một thời gian dài. “Các bệnh nhân bị tổn thương gan nhiễm độc chứ không phải tổn thương do virus gây ra. Nên các cơ sở y tế phải chú ý để đưa ra phác đồ điều trị hợp lý. Trong số 22 ca bệnh thì mỗi bệnh nhân tử vong theo một cách khác nhau nên cần thiết phải xây dựng một bệnh án chung đối với các bệnh nhân nhiễm “bệnh lạ”” - ông Khanh nói.

Trường hợp bệnh nhân tái phát sau khi đã điều trị khỏi bệnh tại bệnh viện, BS Duệ cho rằng cần phải xem xét liệu có trường hợp tái nhiễm ở các vùng nhiễm bệnh hay không. Tìm hiểu rõ nguyên nhân tái phát để có hướng điều trị dứt điểm. Theo đại diện của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, các cơ sở y tế cần khẩn trương thực hiện phác đồ điều trị đã thống nhất nhằm giảm số ca tử vong.
 
Thống nhất tên gọi “bệnh lạ” là Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, đồng thời bổ sung thêm các hướng dẫn điều trị hỗ trợ là: Thực hiện chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý cho người bệnh; cung cấp các loại thuốc để chữa dứt điểm. “Chúng tôi sẽ xem xét gửi một số bệnh nhân từ Quảng Ngãi ra BV Bạch Mai (Hà Nội) để theo dõi, điều trị. Các bệnh viện thuộc Bộ Y tế cũng sẽ cử bác sĩ vào giúp Ba Tơ chữa bệnh” - ông Khoa nói.

Tất cả đều tổn thương gan và viêm da nặng

Tính đến nay, toàn huyện Ba Tơ có hơn 215 trường hợp mắc “bệnh lạ”, tập trung chủ yếu ở các xã Ba Điền, Ba Ngạc, Ba Xa, Ba Tô và Ba Vinh. Trong đó, có 22 trường hợp đang được điều trị tại Trung tâm Y tế Ba Tơ, ba bệnh nhân nặng được điều trị tại BV Đa khoa Quảng Ngãi và ba bệnh nhân nằm tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM). Hầu hết bệnh nhân nhiễm “bệnh lạ” thường có các biểu hiện như: viêm dày sừng da lòng bàn tay, bàn chân, tổn thương gan, suy đa phủ tạng…
 
Đại diện BV C Đà Nẵng, cơ sở điều trị cho một bệnh nhân mắc “bệnh lạ”, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, có các hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân với biến chứng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Bệnh nhân này sau đó đã tử vong. Thống kê của các bệnh viện từng điều trị “bệnh lạ” như BV Phong - Da liễu TW Quy Hòa (Bình Định), BV Đa khoa TW Huế, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng cho thấy bệnh nhân mắc “bệnh lạ” đều bị tổn thương gan và viêm da nặng.

 AloBacsi.vn(Theo Pháp luật TPHCM)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]