Lạ lùng bệnh một ngón

GiadinhNet - Từ lúc mới sinh ra, cậu bé Nguyễn Duy Đạt (11 tuổi) ở Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam đã mắc chứng rất lạ: Mỗi bàn tay, chân đều chỉ có một ngón. Tuy vậy, bằng nghị lực phi thường của một đứa trẻ, Đạt đã khiến bạn bè cùng trang lứa phải nể phục về một thành tích học tập và tài vẽ tranh hiếm thấy.

15.6112
Chứng bệnh kỳ lạ
 
Vừa bước qua con đường đất gồ ghề với rặt những đá đầu nhọn chi chít trên bề mặt, đang định cất lời hỏi thăm nhà cậu bé Nguyễn Duy Đạt “một ngón” thì có một cậu bé phóng xe đạp qua. Hơi bất ngờ nhưng chúng tôi nhận ra ngay đó chính là Nguyễn Duy Đạt bởi nhìn kỹ trên mỗi bàn tay, bàn chân của cậu bé đều chỉ có một ngón duy nhất. Sau khi biết chúng tôi là phóng viên cậu bé vui vẻ quay đầu xe lại và  dẫn chúng tôi về nhà.
 

Bố của Đạt, ông Nguyễn Hữu Tiến cũng chỉ có một ngón tay, ngón chân duy nhất.

 
Trước căn nhà hai gian lụp xụp, mẹ Đạt đang lúi húi đan giỏ mây. Thấy khách vào bà bỏ dở việc đang làm chạy ra mở cửa, niềm nở đón tiếp. Bà Nguyễn Thị Thỉnh (55 tuổi) – mẹ của Đạt cho biết, bà lấy bố Đạt khi đã cận kề tuổi tứ tuần. Trước đó bố Đạt đã có một đời vợ và 7 người con gái. Do bà cả yểu mệnh, “về với ông bà” sớm nên khi có người mai mối, thương ông cảnh gà trống nuôi con mà bà về ở với ông. “Lúc đầu cứ nghĩ rằng chỉ về ở với nhau để đỡ đần nhau lúc tuổi già sức yếu nào ngờ được vài năm sau thì tôi có thai cháu Đạt” – bà Thỉnh thật lòng kể.
 

Hai bàn chân của Đạt chỉ có một ngón duy nhất.

Khi Đạt vừa ra đời, biết là con trai bà vui mừng khôn xiết. Và càng vui hơn khi các bác sĩ lúc đó động viên “thằng cu này giống mẹ nó như đúc”. Quá mệt, bà thiếp đi trong niềm hạnh phúc vô bờ nhưng khi tỉnh dậy thì mọi chuyện lại hoàn toàn đổi khác. “Lúc mở mắt, tôi nghe loáng thoáng hai cô cậu sinh viên thực tập đang thì thầm với nhau rằng “thằng bé này lạ thật, cả tay, cả chân mỗi bàn chỉ có một ngón duy nhất”. Tôi nghe xong bàng hoàng tột độ, không muốn khóc mà nước mắt cứ trào ra...”. Nhưng có lẽ vì thấu hiểu nỗi khổ đau của bố mẹ nên từ hồi nhỏ Đạt đã rất ngoan, dường như không ốm đau gì nặng từ lúc sinh ra cho đến tận bây giờ.
 
Cầm hai bàn tay của Đạt, tôi có cảm giác như em phải nghị lực lắm mới làm được những công việc của một người bình thường. Mỗi bàn tay chỉ dài khoảng 6cm và ngón tay duy nhất là ngón út cũng chỉ dài 4cm. Mỗi bàn chân cũng chỉ có một ngón út dài 3cm, chiều dài từ gót chân đến đầu bàn chân chỉ vỏn vẹn có 14cm mà thôi. Nếu nhìn qua, người ta có cảm giác như em chỉ có một nửa bàn tay, bàn chân chứ không phải là cả bàn.
 
Di truyền(?)
 
Đang ngồi trò chuyện trước sân thì ông Nguyễn Hữu Tiến - bố Đạt ở đâu đi về. Thấy khách lạ, ông giấu vội hai bàn tay của mình vào hai bên chiếc áo măng tô san màu sữa mà ông đang mặc nhưng dường như cái dáng điệu khập khểnh, bước đi khó nhọc của người chỉ có duy nhất một ngón chân đã khiến ông không thể giấu hết được.
 
Trò chuyện một lúc lâu, ông mới chịu cởi lòng tâm sự, nhà ông có 6 chị em, trong đó có 3 trai, 3 gái. Ba chị gái và cậu em trai kế ông lúc sinh ra đến bây giờ vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. Riêng ông và người em trai út không hiểu vì sao lại mắc chứng một ngón trong khi bố mẹ, ông bà nhà ông đều bình thường.
 
“Lúc tôi mới sinh ra, khi nhìn thấy con trai quá “dị thường”, khi đó còn thiếu hiểu biết, làng xóm lại dị nghị cho rằng có chuyện ma quỷ, nên bố tôi đã chôn sống tôi hai lần. Cả hai lần tôi đều được người mẹ khốn khổ của tôi lao vào cứu. Không chôn sống được, bố tôi lại bỏ đói không cho tôi ăn uống mấy ngày liền nhưng có lẽ số mệnh tôi cao nên dù bị bỏ đói tôi vẫn sống. Thế rồi khi sinh chú thứ hai bình thường nhưng sinh chú út thì bất hạnh thay lại mắc chứng một ngón như tôi khiến ông đâm ra trầm cảm. Ông ít nói năng, ít tiếp xúc với mọi người xung quanh hơn. Trách ông nhưng tôi rất thương ông vì đó là nỗi đau quá lớn mà một người cha như ông phải chịu” – ông Tiến chia sẻ.
 

Hằng ngày bà Thỉnh - mẹ Đạt phải đan thuê để lấy tiền nuôi con.

 
Lúc sinh thời, mẹ ông Tiến cũng từng đưa hai anh em ông đi khắp các bệnh viện, thầy lang để tìm phương thuốc chữa trị nhưng tất cả đều bất lực. Nỗi đau của gia đình dần nguôi ngoai khi hai anh em ông đều cố gắng học hành, làm việc như những người bình thường. Ông đã cố học và thi đậu vào Đại học Ngoại ngữ để trở thành một trong những cử nhân đầu tiên của dòng họ.
 
Tưởng rằng đó là khuyết tật “tức thời” nhưng không ngờ nó lại một lần nữa dấy lên khi người vợ cả của ông sinh bốn cô con gái đầu đều khỏe mạnh nhưng đến cô con gái thứ 5 thì lại mắc chứng một ngón như ông. Nỗi đau càng dồn dập và thực sự trở thành nỗi lo lắng của cả dòng họ khi em trai ông sinh được hai cậu con trai thì cả hai cậu con trai đều mắc chứng một ngón giống bố.
 
Không hiểu vì sao gia đình, dòng họ nhà mình lại bị căn bệnh lạ lùng này, ông tìm đến rất nhiều bệnh viện, rất nhiều bác sĩ để hỏi nhưng không ai mang lại cho ông một lời giải đáp đích xác.
 
Thậm chí nhiều người trong họ cho rằng con cháu mắc tội với tổ tông nên gia đình ông đã làm một lễ cúng rất to nhưng bất hạnh vẫn giáng xuống khi ông lấy người vợ thứ hai và sinh ra Đạt cũng mắc chứng một ngón. Vì ông là con cả, Đạt lại là cậu con trai duy nhất của gia đình nên việc Đạt mắc bệnh này đã khiến ông hết sức lo lắng. Có thời điểm ông đưa Đạt lặn lội hết bệnh viện này đến bệnh viện khác hầu mong tìm ra phương cách chữa trị hoặc lắp ngón tay giả cho con nhưng tất cả đều vô vọng.
 
Cho đến nay, cô con gái thứ 5 của ông đã 36 tuổi, hai đứa cháu trai cũng đã ngoài 30 tuổi, nhưng cả ba không ai dám lập gia đình vì sợ căn bệnh này lại di truyền sang thế hệ con cháu. Giờ đã vào cái tuổi gần đất xa trời nhưng ông Tiến vẫn không khi nào nguôi ngoai được nỗi lo, căn bệnh quái ác này lại giáng xuống những thế hệ sau và điều đó với một dòng họ quả là quá sức chịu đựng.
 

Dù bị dị tật nhưng Đạt viết và vẽ rất đẹp.

 
Chưa tìm được cách chữa
 
Mải mê nói chuyện với bà Thỉnh, khi chúng tôi quay đầu lại thì Đạt đã gần hoàn thiện xong bức tranh “Sư tử đuổi chuột”. Nhìn cảnh cậu bé khó nhọc chụm hai ngón tay út nhỏ bé, tật nguyền của mình lại kẹp chặt một cây chì màu để đưa những nét vẽ đầy “đam mê” khiến chúng tôi phải trầm trồ, ngạc nhiên. Những nét vẽ của Đạt mềm mại, nhẹ nhàng và chuẩn xác không thua kém gì những nét vẽ của người bình thường. Cách tô màu của Đạt cũng rất riêng, màu sắc không chỉ tươi trẻ, khỏe khoắn mà còn có một chút gì đó rất mạnh mẽ, phi thường. Có lẽ đó cũng là cách để một cậu bé kém may mắn như Đạt gửi gắm vào bức tranh những khát vọng, ước mong thầm kín của mình.
 
Theo mẹ Đạt, mặc dù tay chân tật nguyền song Đạt rất khéo tay, làm được rất nhiều việc. Đạt rất đam mê vẽ và bộc lộ năng khiếu này từ rất sớm. Những bức tranh của Đạt không chỉ có các nhân vật hoạt hình mà còn có cả thế giới của muôn loài động vật, có cuộc sống thanh bình ở những làng quê và thành thị... Năm lớp 2, Đạt thay mặt trường tham dự cuộc thi vẽ của huyện. Bức tranh em vẽ cảnh mọi người đi chơi Tết, cảnh quê hương với đồng ruộng và cánh diều đã được ban tổ chức trao giải nhất.
 

Mặc dù hai bàn tay của Đạt chỉ có một ngón nhưng em có thể vẽ những bức tranh đẹp.

Đạt cho biết, lúc mới bắt đầu tập viết mỗi lần nhìn đến cây bút là cậu rất sợ. Sợ vì dù đã cố kẹp thật chặt cây bút nhưng nó vẫn “chạy linh tinh” không theo ý mình gì cả. Ngồi tập viết một lúc là hai ngón tay xưng tấy lên, đau điếng. Nhưng cũng chỉ một tuần sau là mọi việc trở nên dễ dàng hơn và nhìn thấy bút là Đạt lại muốn cầm lên để viết, để vẽ.
 
Năm nay Đạt đã học lớp 4. Trong bốn năm liền cậu bé đều là học sinh tiên tiến. Liên tiếp trong hai năm lớp 2 và 3, Đạt là một trong ba học sinh đại diện của lớp được mang vở chính tả đi thi vở sạch chữ đẹp của trường và đạt giải khuyến khích.
 
Những ngày đầu mới đi học, nhiều bạn ở lớp bên thấy hình dong của Đạt không bình thường nên rất hay trêu chọc khiến cu cậu mặc cảm, định bỏ học mấy lần. “Mấy lần đang giữa giờ học thì thấy con mặt mày lấm lem, nước mắt nước mũi giàn giụa chạy về nhà xin mẹ cho nghỉ học vì toàn bị các bạn trêu. Thương con tôi ôm con vào lòng nức nghẹn từng cơn. Cuộc đời tôi khổ thế nào cũng chịu được, chỉ mong con tôi được mọi người đối xử với nó bình thường như những người khác để cháu xóa bỏ mặc cảm, sống một cuộc sống tốt đẹp...” – mẹ Đạt chia sẻ.
 
Bỏ học được mấy ngày, rồi lại thấy nhớ trường, nhớ lớp, Đạt tự mình xóa bỏ mặc cảm đòi bố chở ra trường xin cô giáo học lại. Cũng từ đó bạn bè hiểu hơn về hoàn cảnh của Đạt nên không còn trêu chọc em nhiều như trước nữa.
 
Ngoài vẽ, Đạt cũng rất thích đá bóng ở vị trí thủ môn và hậu vệ. Hai bàn chân tuy teo tóp, vặt vẹo, chỉ có duy nhất một ngón nhưng trong trận đấu nào Đạt cũng nỗ lực hết mình để không thua kém bạn bè.
 
Chưa xác định được nguyên nhân

GS.TS. Nguyễn Thu Nhạn - Chủ tịch Hội nhi khoa Việt Nam nhận định: Những hiện tượng dị tật bẩm sinh ở tay, chân, cơ thể... không phải là hiện tượng hiếm gặp ở trẻ. Riêng hiện tượng chỉ có một ngón tay, một ngón chân duy nhất ở mỗi bàn tay, bàn chân như trên là một hiện tượng tôi chưa bao giờ gặp. Những hiện tượng dị tật này thường liên quan đến rất nhiều nguyên nhân như: Rối loạn gene, di truyền hoặc cũng có thể do môi trường sống...
 
Tuy nhiên, với trường hợp cụ thể của gia đình cậu bé Đạt yếu tố di truyền đã thể hiện rất rõ. Nhưng để tìm ra được nguyên nhân của hiện tượng này thì phải có những xét nghiệm, nghiên cứu cụ thể về gene, về cấu trúc nhiễm sắc thể... mới có được một kết luận chính xác.

Hà Tùng Long

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]