Ðừng để các “thánh” làm mất cơ hội chữa bệnh

SKĐS - “Có bệnh thì vái tứ phương”, nhất là bệnh ung thư, đã mắc phải thì “mười phần chết chín”. Trong tình thế ngặt nghèo ấy, người bệnh thường hay tìm chỗ bấu víu và chấp nhận kể cả sự mù quáng cũng là dễ hiểu.

15.5995

“Có bệnh thì vái tứ phương”, nhất là bệnh ung thư, đã mắc phải thì “mười phần chết chín”. Trong tình thế ngặt nghèo ấy, người bệnh thường hay tìm chỗ bấu víu và chấp nhận kể cả sự mù quáng cũng là dễ hiểu. Trước thực trạng nhiều “thánh” tự xưng đi “ban phúc” chữa bệnh và người bệnh ùn ùn đi theo bất chấp hậu quả. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện K, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam để hiểu rõ hơn vấn đề này.

Từ “cô Phú Bồ Tát” Thái Nguyên đến “thánh mẫu” vỉa hè BV K

Liên tiếp gần đây những vụ việc như tự xưng thánh chữa được bệnh nan y xuất hiện. Theo công văn của Bệnh viện (BV) K Hà Nội gửi UBND TP. Hà Nội nêu rõ: Từ ngày 3/10, vỉa hè BV xuất hiện một người phụ nữ to lớn, tự nhận là “thánh mẫu” có khả năng chữa bệnh ung thư bằng “phép trên ban” và ngang nhiên hành nghề ngay trên đoạn vỉa hè ở cổng BV K.

Tiếp cận một người đàn ông đứng tuổi đưa người nhà chữa bệnh tại BV K, ông cho biết, người phụ nữ này có cách chữa bệnh rất kỳ lạ như úp mặt người bệnh vào ngực mình hoặc dùng tay để vào chỗ kín truyền năng lượng cho người bệnh. Nhiều động tác như dùng “phép” vuốt vào hay hút lên trán của người bệnh “vứt các khối ung thư đi”. Bệnh ung thư vòm họng, ung thư vú thì vuốt vào đàn ông 7 cái, đàn bà 9 cái, sau đó ra ngã ba, ngã bảy để... vứt khối ung thư đi. Ung thư phổi cũng vuốt, nhưng không phải ở trán mà ở chỗ có lá phổi.

Tìm tới nhà “thánh mẫu” tại đường Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm), chính người phụ nữ này cho biết mình tên là Xoan. Bà Xoan chỉ là người nội trợ, không có nghề nghiệp ổn định. Trước đây, bà Xoan sống bằng nghề bán nước sạch, còn hiện nay thu nhập chính từ 20 phòng trọ nhà bà. Tiếp xúc với phóng viên, người đàn bà này vẫn tự xưng mình là “thánh mẫu”, được “mẫu giáng” xuống trần để chữa bệnh cho những người nghèo khổ.

Điều khó hiểu là vẫn có một số người tin để cho “thánh” làm những động tác kỳ quặc. Thậm chí, có người bệnh còn dám uống cả cái thứ nước nhờ nhờ trong chai của “thánh”.

Gần một tháng trước, báo chí cũng phản ánh nhiều về “cô Phú Bồ Tát” ở Thái Nguyên. “Cô Phú Bồ Tát” vốn là một bà bán cá ở chợ quê nhà. Sau khi bị sẩy thai mới 1 tháng tuổi, cô được “thánh cho lộc” có khả năng truyền năng lượng chữa tất cả các loại bệnh. Thậm chí có người bệnh ung thư còn coi đây là “tuyến cuối”. Người bệnh từ khắp nơi ùn ùn đổ về nhà cô Phú, nằm thành hàng dài để đợi được cô ban ơn mà giẫm đạp lên thân thể truyền năng lượng để chữa bệnh. Và tất nhiên, kéo theo đoàn 400, 500 lượt người/ngày tới chữa bệnh ở cơ sở tẩm quất của cô Phú.

Bà Xoan tự nhận mình là “thánh mẫu” có khả năng chữa bệnh nan y.

Đừng tự đánh mất cơ hội sống

Qua những câu chuyện trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc BV K, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam. Ông cho biết, theo đánh giá của Bộ Y tế và ngành ung thư Việt Nam, mỗi năm ước tính cả nước có khoảng 150.000 người mới mắc và khoảng 80.000 người tử vong do ung thư. Đây là căn bệnh có xu hướng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, ung thư là bệnh có khả năng chữa được nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, không bỏ dở liệu trình. Cho tới nay, tại nhiều nước phát triển, con người đã chữa khỏi được tới 80% bệnh ung thư. Tỷ lệ này ở Việt Nam có khiêm tốn hơn do phần lớn người bệnh tới khám và điều trị ở giai đoạn muộn.

PGS.TS. Trần Văn Thuấn cũng cung cấp một thông tin rất quan trọng về phương pháp điều trị ung thư. Đó là qua hướng dẫn thực hành chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư đã được Bộ Y tế Việt Nam ban hành cũng như hướng dẫn điều trị ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Pháp, Singapore... và Hiệp hội Quốc tế phòng chống ung thư (UICC) thì có thể thấy để điều trị ung thư cần phải dựa vào các phương pháp chính thống như phẫu thuật, xạ trị và điều trị bằng thuốc (hóa chất, nội tiết, sinh học).

Cần nhấn mạnh là việc chẩn đoán phải tuân thủ theo quy trình hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt. Tuyệt đối không bỏ dở liệu trình do thầy thuốc đã đề ra và rẽ ngang chữa trị bằng các phương pháp khác. Như vậy sẽ làm mất đi khoảng “thời gian vàng” để điều trị.

Trong thực tế điều trị PGS.TS. Trần Văn Thuấn đã từng xót xa chứng kiến nhiều cảnh đau lòng mà ở đó, người bệnh đã tự làm vuột mất cơ hội vàng để điều trị. Ông kể: “Qua hơn 20 năm làm công tác điều trị, thực tế chúng tôi gặp không ít trường hợp đang được điều trị bằng phương pháp chính thống gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, kết quả rất tốt lại bỏ để điều trị bằng một số loại lá, thuốc không rõ nguồn gốc, các phương pháp điều trị không chính thống... Kết quả là nhiều trong số các bệnh nhân này thấy không đỡ quay lại xin điều trị ở bệnh viện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn quá khả năng cứu chữa, nhiều người khác đã tử vong trong quá trình điều trị. Điển hình trong số này là vào năm 1995-1996, khi đó có phong trào du lịch sang Trung Quốc chữa bệnh ung thư bằng thuốc gọi là “Thiên tiên dịch”, sau một thời gian, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, BV K có điều tra, khảo sát lại các bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này thì thấy phần lớn trong số họ đã tử vong.

Ở chiều ngược lại, chúng tôi gặp nhiều người bệnh sống ở vùng sâu, vùng xa, kiến thức về bệnh tật còn hạn chế nên khi nổi u, cục người bệnh thường đắp lá, chữa thầy lang... và khi tới BV thì u đã quá to, nhiều khi vỡ, loét, lan tràn toàn thân”.

Bài, ảnh: Thanh Loan

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]