2 năm nay kinh nguyệt ra rất ít, có ảnh hưởng đến việc sinh con?

(AloBacsi) - Kinh nguyệt bất thường, sạch rồi "ra" lại, rong kinh sau khi dùng thuốc... là điều băn khoăn của nhiều bạn gái nhờ AloBacsi giải đáp trong tuần qua.

15.6

Chào BS,

 

Em 26 tuổi, đang bị viêm đại tràng. Cách đây 3 tuần em có uống Coticoid được 10 ngày. Sau đó bị đau bụng tiêu chảy nên ngưng, sau khi ngưng em đã bị rong kinh dù trước đó đã hết kinh 1 tuần. Em bị rong kinh 2 tuần nay rồi. Lượng máu ra hàng ngày không nhiều, hơi nhầy, chỉ cần sử dụng băng vệ sinh hàng ngày thôi.

 

Vậy nguyên nhân rong kinh của em là do tác dụ ng phụ của thuốc hay do các tác nhân khác? Trước giờ em chưa bị rong kinh. Kinh nguyệt rất đều. Em nên làm gì BS ơi? Chân thành cảm ơn BS!

 

Bui Thu - thubui…@gmail.com

 

 

Mến chào Thu,

 

Corticoid là những nội tiết tố do vỏ nang thượng thận tiết ra, có cấu trúc hóa học steroid nên được gọi tắt là nhóm thuốc corticoid, thuốc có các tên Hydrocortison, Prednison, Betamethason, Dexamethason, Prednisolon…

 

Các thuốc corticoid là con dao hai lưỡi, chúng có tác dụng kháng viêm và chống dị ứng rất tốt nhưng lại có những tác dụng phụ và phản ứng bất lợi. Vì vậy, cần hết sức thận trọng khi sử dụng loại thuốc này.

 

Những tai biến chính do lạm dụng corticoid: Tăng cân do giữ natri, cao huyết áp, tăng đông máu có thể gây nghẽn mạch, loét dạ dày - tá tràng gây xuất huyết tiêu hóa, dễ bị gãy xương… nhưng  corticoid không gây rong kinh như bạn nghĩ, đây là sự trùng hợp.

 

Có rất nhiều nguyên nhân gây rong kinh, cường kinh nhưng hay gặp nhất (khoảng 50%) là do có bất thường ở tử cung như u xơ tử cung, bệnh lạc nội mạc trong cơ tử cung, tăng sản nội mạc…

 

Rong kinh cơ năng có hai loại nguyên nhân chính: Rối loạn đông máu, rối loạn nội tiết.

 

Do đó, với trường hợp của bạn nên khám phụ khoa và siêu âm bụng để xác định nguyên nhân gây rong kinh.

 

Trên thực tế, với bệnh rong kinh, bao giờ cũng được tiến hành điều trị bằng nội khoa (sử dụng thuốc) đầu tiên, nếu không đáp ứng tốt thì mới phải chuyển sang các phương pháp điều trị khác.

 

BS Chuyên khoa của AloBacsi

 

 

Chào AloBacsi,

 

Em năm nay 22 tuổi dạo gần đây kinh nguyệt của em ra rất ít, chỉ dùng đến băng vệ sinh hàng ngày là đủ, vậy em có bị sao không và nếu có thì cách chữa trị thế nào? Em cảm ơn BS!

 

Thanh Lan - thuy_tinh_xanh…@yahoo.com.vn

 

Thanh Lan à,

 

Em không nói rõ kinh nguyệt em ít trong bao lâu, một vài tháng hay cả năm nay? Chu kỳ của em là bao nhiêu ngày, vẫn duy trì đúng ngày hay không?...

 

Nếu chỉ vài tháng gần đây thì em xem lại trong thời gian qua có chuyện gì vui, buồn, lo lắng hay làm việc quá nhiều không, bởi vì tâm lý căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến kinh nguyệt. Nếu có thì chỉ là rối loạn tạm thời, em chỉ cần ổn định tinh thần lại, ăn ngủ đầy đủ… sẽ khỏi.

 

Còn nếu tình trạng của em đã kéo dài cả năm nay thì đó là bệnh lý của tử cung và buồng trứng. Em nên khám phụ khoa sớm để bác sĩ cho làm thêm một số xét nghiệm, siêu âm để tìm nguyên nhân và điều trị.

 

Thân mến!

 

BS Chuyên khoa của AloBacsi

 

Kinh nguyệt bất thường khiến nhiều chị em lo lắng về việc sinh con sau này - Ảnh: internet

 

AloBacsi ơi,

 

Em 26 tuổi, cao 148m, nặng 38kg. Trong ngày đầu hành kinh, em thường xuyên ra máu sậm đen, và có huyết nhiều, vậy em xin hỏi bác sĩ đó là triệu chứng của bệnh gì ạ? Em đã có gia đình. Tiền sử bệnh: lộ tuyến cổ tử cung 8mm. Thuốc đã dùng: đặt albothyl, polygynax.

 

Anh Thư - ruby…@yahoo.com

 

Anh Thư thân mến,

 

Bạn không nên lo lắng,  máu kinh hơi bầm và đông là do máu bị ứ đọng lại trong lòng tử cung - âm đạo nhiều giờ, không chảy ra ngoài âm đạo nhanh như thường ngày (bình thường sau khi niêm mạc tử cung mới bong tróc, kinh chảy ra ngoài liền sẽ có màu đỏ).

 

Kinh nguyệt được xem là bình thường nếu: chu kỳ kinh nguyệt đều và ổn định (từ 26 - 34 ngày), số ngày hành kinh có thể từ 2 - 7 ngày nhưng thường là từ 3 - 4 ngày, mỗi kỳ hành kinh mất khoảng từ 80 - 200ml máu, máu kinh nguyệt màu đỏ thẫm, loãng, không đông, có nhiều mảnh vụn của niêm mạc tử cung bong tróc.

 

Do đó, bạn có thể yên tâm và cần quan tâm đến chu kỳ kinh nguyệt xem có đều hay không nhé. Vì chu kỳ kinh nguyệt không đều sẽ ảnh hưởng đến việc có thai của bạn sau này.

 

Chú ý trong những ngày hành kinh cần giữ vệ sinh kinh nguyệt: mỗi 3 - 4 giờ thay băng một lần, vệ sinh sạch sẽ và lau khô sau mỗi lần tiêu tiểu, tắm nhanh bằng nước ấm, không ngâm mình dưới ao hồ, nhất là các bạn ở nông thôn. Ngoài ra, bạn cần ăn uống đủ chất và uống nhiều nước.

 

BS Chuyên khoa của AloBacsi

 

Chào bác sĩ,

 

Cháu năm nay 19 tuổi, sau khi hết kinh được 3 - 4 ngày, thì 4 ngày liên tiếp cháu thấy vùng kín ra một ít máu vào buổi chiều. Cháu không cảm thấy ngứa hay rát gì ạ! Vòng kinh của cháu vẫn đều. Liệu cháu đã mắc bệnh gì ạ?

 

Nguyen Trang - phoebe…@yahoo.com

 

Mến chào Trang,

 

Chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện hàng tháng là do hoạt động và điều khiển của nội tiết tố của tuyến yên - buồng trứng. Sau khi sạch kinh vài ngày, bạn có ra máu trở lại là do các yếu tố sau:
 
Lượng progesterone (nội tiết duy trì thai làm cho niêm mạc tử cung dày thêm lên, tạo điều kiện tốt cho thai làm tổ) không giảm hẳn trong máu nên làm cho niêm mạc tử cung bong ra từng đợt, do tư thế tử cung bị gập sau nên máu kinh khó chảy ra ngoài hoặc do chế độ ăn nhiều chất chua, cay làm kích thích tử cung co bóp…

 

Như vậy, chu kỳ kinh nguyệt của bạn đều và nếu không có hiện tượng viêm nhiễm vùng kín thì bạn hoàn toàn yên tâm, triệu chứng này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.                        

 

BS Chuyên khoa của AloBacsi

                                                                 

 
Xin AloBacsi tư vấn giúp tôi việc này,

 

Tôi 24 tuổi, khoảng 2 năm trở lại đây, lượng kinh nguyệt của tôi rất ít. Thông thường ngày đầu tiên lượng kinh ra bình thường, từ ngày thứ hai trở đi lượng kinh rất ít. Thời gian hành kinh kéo dài khoảng 3 ngày là tối đa.

Trước đây tôi bị lao phổi nên phải dùng một loại thuốc rất có hại cho gan, tuy nhiên lúc kê thuốc bác sĩ cũng đã cho kèm thuốc bổ gan.
 
Thưa BS, lượng kinh như vậy có phải do thuốc và có ảnh hưởng đến việc sinh con sau này không? Rất mong BS tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Hoàng Thu Thủy - Hưng Yên

Chào bạn Thu Thủy,

Các tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc chống lao bao gồm: Dị ứng thuốc chống lao, viêm gan, suy thận, chóng mặt, điếc tai… Thuốc chống lao tuy có nhiều tác dụng phụ nhưng không ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt (KN).

KN không đều là trạng thái rối loạn chu kỳ KN, như hành kinh không đúng chu kỳ, chu kỳ kinh quá thưa hoặc ngắn, màu sắc, lượng KN so với bình thường (ra nhiều hoặc quá ít). Đây là một trong những triệu chứng thường gặp và làm cho phụ nữ lo lắng.

 
So sánh với chu kỳ KN bình thường, thì số ngày có kinh của bạn trong giới hạn bình thường, nhưng số lượng kinh của bạn thì ít, đó là do hoạt động của tuyến nội tiết và yếu tố thần kinh.


Các yếu tố có liên quan đến kinh nguyệt: Tuổi mới dậy thì, chế độ ăn không hợp lý, thiếu chất đạm, thiếu vitamin, căng thẳng trong công việc, trong học tập, trong gia đình, tình cảm cá nhân…


Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân do bệnh lý như: Tim mạch, tiểu đường, bệnh lý ở vùng dưới đồi - tuyến yên, buồng trứng, tử cung, tuyến thượng thận, tuyến giáp, trầm cảm …

 

Việc sinh sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ dựa vào việc hành kinh, nhưng chu kỳ kinh nguyệt của bạn bị rối loạn (kinh không đều, kinh thưa hoặc vô kinh) sẽ ảnh hưởng đến sinh sản. Bạn nên khám phụ khoa và làm siêu âm bụng xem tử cung và hai phần phụ có gì bất thường hay không nhé.


Đồng thời bạn hãy tạo cho mình có cuộc sống vui vẻ thoải mái, chế độ ăn uống, học tập, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, vận động thể dục thể thao giúp máu huyết lưu thông, tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng thần kinh và stress.


BS Chuyên khoa của AloBacsi

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]