Nghe nhiều tâm sự của của các chị em, tôi mới hiểu một điều rằng “Để thoát ra khỏi sự bạo hành gia đình không phải ai cũng dám làm và làm được”. Từ sâu trong tư tưởng của phụ nữ Việt Nam đã mặc định mình là “phái yếu”, đã là phái yếu thì không thể thắng phái mạnh, nên không dám đấu tranh, không dám chống cự lại, sợ rằng sẽ bị thua, sợ rằng sẽ bị đối xử tệ bạc hơn. Đó là một sai lầm nghiêm trọng trong lối tư duy nhận thức của rất nhiều phụ nữ Việt Nam.
Chúng ta không thể quy chụp “Đàn ông ai cũng như ai” hoặc “Đàn ông bản chất như vậy rồi không thay đổi được đâu”. Chúng ta phải hiểu rằng mình đang bị tước đoạt đi quyền được tự do và hạnh phúc, cao hơn nữa là quyền được làm vợ, làm mẹ, làm người. Đàn ông và phụ nữ sinh ra như nhau, có quyền sống như nhau, tại sao lại để cho người khác tước đi những quyền đó của mình?
Dưới đây là 4 cách để bạn thoát ra khỏi bạo lực gia đình.
1. Hãy dũng cảm
Chúng ta phải tự giải phóng cuộc sống của mình, vì không ai có thể làm việc đó thay chúng ta được. Hãy can đảm hành động với một lòng quyết tâm, không sợ dư luận, không sợ những lời đe dọa, không sợ sự chông chênh trước mắt, thậm chí phải chấp nhận sự mất mát thiệt thòi về kinh tế.
Khi người phụ nữ có đủ lòng dũng cảm để dám làm một cuộc cách mạng giải phóng bản thân, thì luôn có những người thân, bạn bè giúp đỡ. Bạn không thể cứ ngồi than vãn mà không hành động, những người khác sẽ không giúp bạn đâu, họ chỉ thương cảm thôi. Bởi vậy hãy tự quyết định cuộc sống của mình theo cách của bạn.
2. Đừng vì sĩ diện
Đa phần những người phụ nữ sau khi kết hôn, nếu cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc thì cũng không dám dứt bỏ, vì sợ mang tiếng bỏ chồng, vì sợ dư luận đàm tiếu. Họ lặng lẽ chịu đựng và hi vọng một ngày nào đó sẽ thay đổi, trong khi họ không hành động gì để thay đổi cuộc sống hiện tại.
Lại có những người cam chịu sống trong bạo lực, chỉ vì con cái. Đó là sai lầm. Khi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, bạn không hạnh phúc thì bạn sẽ không mang lại hạnh phúc cho con cái của bạn được, chưa nói tới chuyện con cái của bạn phải chứng kiến những cảnh bạo lực trong chính ngôi nhà của nó, thì tâm lý của nó sẽ ảnh hưởng thế nào, và nhân cách hình thành trong bản thân nó sẽ như thế nào trong tương lai.

3. Đừng im lặng
Im lặng và cam chịu không phải là cách tránh bạo lực. Khi ta càng nhân nhượng thì người chồng bạo hành sẽ càng lấn tới, vì họ biết điểm “yếu mềm” của ta. Không ai sinh ra để cho người khác hành hạ, đặc biệt là khi người đó là người chồng của mình.
Người phụ nữ cũng không nên thường xuyên dọa ly hôn, nói ra mà không làm sẽ tạo ra căn bệnh “nhờn thuốc” càng khó chữa. Khi cuộc sống hôn nhân không thể chịu đựng hơn được nữa thì không ai bắt bạn phải “nghiến răng chịu đựng”. Bạn im lặng, bạn sợ hãi thì bạn sẽ mãi chìm trong đáy vực đó, đến một ngày bạn không còn đủ sức mạnh để thoát khỏi nó nữa. Vì thế đừng bao giờ im lặng chấp nhận đau khổ, trong khi mình có thể làm mình hạnh phúc hơn.
4. Sống mạnh mẽ và tin tưởng chính mình
Sự ảnh hưởng tâm lý của những người phụ nữ từng sống trong bạo hành là rất lớn. Khi một người phụ nữ bị tổn thương bởi sự bạo hành trong gia đình, thì niềm tin với bất cứ một người đàn ông nào, niềm tin về hạnh phúc gia đình rất khó có thể có lại được. Tuy nhiên, bạn hãy sống mạnh mẽ, tin vào bản thân mình, tin rằng bạn sinh ra để hạnh phúc và giúp những người khác hạnh phúc, bạn sẽ thấy được sức mạnh của mình.

Chính bạn là người can đảm để tự giải phóng cuộc đời bạn, chính bạn là người vượt qua mọi khó khăn trong cuộc đời của mình, chính bạn là người tìm ra hạnh phúc, và thay đổi để cuộc đời mình hạnh phúc hơn. Đừng để bất cứ một hành vi bạo lực nào tác động đến bạn, đừng để bạo lực xảy ra.
Bạn hoàn toàn làm chủ được điều đó, chỉ là bạn chưa dám vượt lên chính mình mà thôi.
Lê Thúy Hằng