4 đối tượng dễ bị đột quỵ: đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

(SKGĐ) Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai và ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng những đối tượng sau đây cần đặc biệt chú ý.

15.5706

Đối tượng dễ bị đột quỵ

Người ngủ quá ít: Nghiên cứu của Đại học Emory và Trung tâm Đột quỵ & Khoa học thần kinh Marcus thuộc Bệnh viện Grady, Alanta, Mỹ, cho thấy người trung niên và cao tuổi thường xuyên ngủ dưới 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ đột quỵ cao hơn hẳn những người có giấc ngủ bình thường. Đó là do sự thay đổi nồng độ cortisol, một hormone stress quan trọng có nồng độ cao hơn ở người ngủ ít. Nồng độ hormone này tăng có thể gây rối loạn chức năng tế bào lót và bảo vệ mạch máu, bắt đầu báo hiệu đợt tai biến dẫn tới đột quỵ.

Người liên tục bị stress: Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Tâm thần tại Đại Edinburgh, Anh, các triệu chứng lo âu hay trầm cảm là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ đột quỵ.

Người bị đái tháo đường: Bị đái tháo đường càng lâu, rủi ro đột quỵ càng cao. Trung tâm Y khoa Đại học Columbia, New York, Mỹ đã xem xét dữ liệu của khoảng 3.300 người. Kết quả là so với những người không bị đái tháo đường, rủi ro đột quỵ cao hơn 70% ở người bị đái tháo đường dưới 5 năm và cao hơn 3 lần ở người bị đái tháo đường ít nhất 10 năm.

Người làm việc theo ca: Các nhà nghiên cứu đã phân tích kết quả của 34 nghiên cứu liên quan đến hai triệu người làm việc theo ca và đưa ra cảnh báo: làm việc theo ca có thể làm tăng đáng kể nguy cơ đau tim và đột quỵ. Là vì người làm việc theo ca thì đồng hồ sinh học sẽ bị rối loạn, ngủ ít, có thể hút thuốc nhiều, chế độ ăn không ổn định và không được tập thể dục đều đặn.

Người bị thiếu vitamin C: Các chuyên gia thuộc Đại học Cambridge, Anh cho rằng có thể dự đoán được nguy cơ bị đột quỵ thông qua hàm lượng vitamin C trong cơ thể mỗi người. Theo các kết quả nghiên cứu, những người có hàm lượng vitamin C cao nhất sẽ giảm nguy cơ đột quỵ 42% so với những người có hàm lượng vitamin C thấp nhất. Vì vitamin C giúp cải thiện chức năng của nội mô (lớp tế bào bên trong mạch máu), ngăn cản sự hình thành các khối máu đông trong động mạch và giúp giảm huyết áp.

Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Để cơ thể khỏe mạnh và tránh xa đột quỵ, bạn hãy thực hiện ngay những chỉ dẫn đơn giản này từ hôm nay:

- Kiểm soát huyết áp: huyết áp cao là một trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ, vì thế, với những người được chẩn đoán là huyết áp có vấn đề, đặc biệt ở người cao tuổi thì nên thường xuyên kiểm tra huyết áp để có hướng điều trị sớm.

- Loại bỏ stress và luôn vui vẻ: buồn chán, căng thẳng, lo âu có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn. Vì thế, loại bỏ stress sẽ giúp hệ tuần hoàn hoạt động tốt hơn, giúp cơ thể có những phản ứng để cảnh báo khi có nguy cơ đột quỵ. Nếu bạn không thể chiến đấu được với cơn stress, nên tìm đến những liệu pháp như: ngồi thiền, tập yoga, nghe nhạc hoặc đi bộ.

- Chế độ ăn uống lành mạnh: bạn nên sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau, cá, thịt nạc, thịt gia cầm và các sản phẩm sữa ít béo… kể cả khi bạn béo hay gầy, già hay trẻ vì điều này tốt cho tim của bạn. Việc duy trì chế độ ăn lành mạnh sẽ hạn chế lượng cholesterol “xấu”, một trong những nguyên nhân gây đột quỵ và giúp cơ thể bạn khỏe mạnh hơn.

- Tập thể dục hàng ngày: sẽ làm tăng sức đề kháng cho hệ tim mạch. Nhưng bạn không nên tập luyện với cường độ cao không quá 30 phút một ngày và không quá 5 ngày một tuần. Ngoài luyện tập thể thao với cường độ cao bạn cũng nên có những hoạt động nhẹ nhàng để bảo vệ xương khớp.

- Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia: Thuốc lá không chỉ gây ra các bệnh về phổi mà còn làm tăng nguy cơ đột quỵ đến 30%. Rượu bia cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ chảy máu và thiếu máu cục bộ do loạn nhịp tim và tạo huyết khối. Đó là nguyên nhân vì sao tỷ lệ đột quỵ ở nam giới luôn cao hơn nữ giới.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]