Ai đã tiếp tay cho Vedan xả nước bẩn ra sông Thị Vải?

TP- Kiểm tra liên tiếp trong nhiều năm liền, nước thải của Vedan chưa bao giờ đạt tiêu chuẩn, nhưng Cty này vẫn được phép xả nước thải ra sông Thị Vải.

15.6023

Nước thải của nhà máy Vedan xả ra sông Thị Vải
Chỉ tính từ khi thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đồng Nai từ giữa năm 2003 cho đến nay, kết quả các cuộc kiểm tra nước thải định kỳ hàng năm của Thanh tra Sở đối với Cty Vedan cho thấy chưa bao giờ đạt chuẩn.

Trong đợt kiểm tra nước thải từ tháng 5 - 11/2004, Phòng Quản lý môi trường lấy 26 mẫu nước, phân tích 423 chỉ tiêu, kết quả cho thấy lượng nước thải Cty Vedan không ổn định và vượt tiêu chuẩn quy định theo TCVN 59450 - 1995 loại B. Sở TN -MT yêu cầu Cty Vedan có biện pháp khống chế và xử lý triệt để các thành phần gây ô nhiễm nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước thải.

Ngày 24/2/2005, Thanh tra Sở kiểm tra lấy mẫu nước thải đột xuất tại Cty Vedan và khu vực cảng Vedan. Kết quả cho thấy nước thải sản xuất của Cty Vedan có chỉ tiêu BOD và COD chưa xử lý để đạt tiêu chuẩn quy định (TCVN 5945- 1995 loại B) và nước tại khu vực cảng Vedan có dấu hiệu bị ô nhiễm (chỉ tiêu COD cao và có màu đen).

Thanh tra Sở đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty Vedan bằng hình thức cảnh cáo, đồng thời yêu cầu Cty Vedan xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định. Vào ngày 22/6/2005, Đoàn Thanh tra của Bộ TN- MT đã thanh tra Cty Vedan lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước. Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và chuyển hồ sơ đề nghị Sở TN-MT tỉnh xử lý.

Cty Vedan đã bị xử phạt 9 triệu đồng về hành vi “thực hiện không đúng những nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt” và hành vi “xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ hai lần trở lên”.

Ngày 9/3/2006, Đoàn Thanh tra của Bộ TN-MT cùng sự tham gia của Thanh tra Sở TN-MT Đồng Nai kiểm tra, lấy mẫu nước của Cty Vedan. Tuy nhiên, Thanh tra Sở không nhận được kết quả phân tích mẫu nước và hồ sơ đề nghị xử lý vi phạm.

Ngày 30/7/2007, Đoàn kiểm tra của Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai kiểm tra, thu mẫu nước thải tại Cty Vedan. Kết quả phân tích có các thông số vượt tiêu chuẩn quy định màu sắc, BOD,COD, TSS, nitơ lỏng, amoniac và coliform.

Ông Hoàng Văn Thống- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai - cho biết: “Với kết quả phân tích này, Chi cục dự tính thông qua hội đồng thẩm định đánh giá đưa Cty Vedan vào “danh sách đen” các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường”.

Tuy nhiên, một điều mâu thuẫn là trong biên bản làm việc với Cty Vedan vào ngày 21/12/2007 để Sở TN&MT làm cơ sở đề xuất đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước cấp xem xét cấp phép cho Cty Vedan  xả nước thải vào nguồn nước, ông Thống lại có kết luận: Cty đã nghiêm túc thực hiện đúng việc khắc phục và cải tạo hệ thống hồ xử lý sinh học, mở rộng gia cố bờ bao tạo sự liên thông giữa các hồ trước khi thải vào sông Thị Vải.

Ông Thống nói đây là kết quả kiểm tra hệ thống xử lý nước thải, không phân tích mẫu nước. Căn cứ đề nghị này, ngày 26/12/2007, ông Phan Văn Hết - Phó Giám đốc Sở TN-MT có công văn đề nghị Cục Quản lý Tài nguyên nước xem xét việc cấp phép xả nước thải vào nguồn nước cho Cty Vedan.

Trước đó, trong bản báo cáo xả nước thải của Cty Vedan ngày 6/8/2007, ông Hết lại nêu rõ: Kết quả kiểm tra nước thải năm 2006 cho thấy nước xả thải của Cty có các thông số ô nhiễm vượt  tiêu  chuẩn cho phép, cụ thể về nhiệt độ, BOD5, COD, TSS, phốt pho tổng, các thông số Coliform, màu sắc vượt cao tiêu chuẩn quy định.  

Dự án “chia sẻ ô nhiễm” cho sông Đồng Nai

Trước khi vụ việc Vedan xả nước thải không qua xử lý bị phát hiện, thì vấn đề sông Thị Vải đã thu hút sự chú ý của dư luận và các cơ quan chức năng.

Ngày 27/8/2008, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đưa ra giải pháp “đào tuyến kênh nối sông Thị Vải với sông Đồng Nai để cải thiện ô nhiễm sông Thị Vải và mở tuyến giao thông thủy”, đồng thời xây dựng thêm hệ thống cảng, các khu công nghiệp dọc theo kênh đào.

Tuy nhiên, ngày 11/9, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã có ý kiến phân tích: Việc sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai để pha loãng ô nhiễm cho sông Thị Vải vô hình trung sẽ tạo điều kiện cho các khu công nghiệp hợp thức hóa nguồn xả thải ô nhiễm như hiện nay, thậm chí còn có thể tăng thêm.

Mặt khác nước ô nhiễm từ hạ lưu sẽ truyền ngược lên thượng lưu. Chắc chắn nước mặn và ô nhiễm trên sông Thị Vải sẽ ảnh hưởng mạnh lên thượng lưu,  uy hiếp TP Biên Hòa và các nhà máy nước…

 Như vậy với việc thực hiện dự án này, thay vì ô nhiễm được khoanh lại trên sông Thị Vải, việc đào kênh sẽ tạo điều kiện cho ô nhiễm loang rộng ra cả sông Đồng Nai  và xâm nhập mặn. Đây là tác động tiêu cực.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]