Ai được quyền nuôi bé Hảo?

Trong lúc chờ kết quả giám định chính thức, nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến quyền nuôi dưỡng, đỡ đầu bé Hảo.

15.6014

Trước đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước đã nhận nuôi dưỡng Hảo nhưng theo quy định pháp luật thì Sở có được quyền hay không nếu bé Hảo không “vô danh”, không “mồ côi”?

Là con của vợ chồng Mỳ: Tước quyền nuôi dưỡng

Luật sư Lê Thành Kính (Đoàn luật sư TP.HCM) và luật sư Nguyễn Thanh Nhiên (Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận) đồng ý kiến không thể để họ tiếp tục nuôi dưỡng cho dù kết quả ADN chứng minh bé Hảo là con của bà Mỳ hoặc ông Tước. Luật sư Kính phân tích, theo Luật Hôn nhân và gia đình khi một đứa trẻ sống với cha mẹ nhưng bị đánh đập, ngược đãi thì phải tước quyền nuôi dưỡng, chăm sóc lâu dài. Khi ấy, Hảo sẽ được giao cho ông Ước (anh ông Tước) hoặc hai người chị ông Tước ở Đồng Nai. Nếu những người này từ chối thì Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước hoàn toàn có quyền yêu cầu được chăm sóc và đỡ đầu Hảo. Trong quá trình tố tụng, Sở có quyền đứng ra hoặc ủy quyền người giám hộ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bé. Tuy nhiên, quyền quyết định người nuôi phải được tòa án công nhận trong bản án.

Luật sư Cao Minh Triết (Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang) cho rằng, nếu chứng minh Hảo là con của Tước và Mỳ thì họ vẫn có quyền nuôi và đại diện. Bởi vì theo quy định, họ là người giám hộ đương nhiên. Trường hợp nếu cơ quan điều tra chứng minh ông Tước không tham gia hành hạ Hảo thì ông Tước vẫn có quyền nuôi.

Là con của ông Bình: Ưu tiên số một

Trong vụ này phát sinh rắc rối khi có người đàn ông tên Sầm Văn Bình tự nhận là cha ruột của Hảo.

Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM) nếu ông Bình chứng minh được mình là cha ruột của bé thì ông có quyền nuôi dưỡng cũng như đại diện bởi có quan hệ huyết thống với bé. Theo quy định pháp luật, người giám hộ đương nhiên của bé Hảo được ưu tiên từ trên xuống (cha mẹ ruột, anh chị em ruột, ông bà nội, ngoại, cô dì chú bác hai bên). Nếu xét những người này không đủ tư cách đạo đức hay điều kiện kinh tế và họ không tự nguyện thì mới đến lượt các tổ chức xã hội.

Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM Bùi Quang Nghiêm đưa ra một quan điểm hết sức nhân văn là “giao bé Hảo cho ai thương cháu nhiều hơn”. Theo luật sư Nghiêm đây là một trường hợp rất đặc biệt nên khi xem xét mọi vấn đề phải hết sức cẩn trọng. Có thể ADN chứng minh Hảo là con ai đó, vấn đề khoa học đó cần được tôn trọng. Tuy nhiên, nên đặt mục đích tình cảm lên hàng đầu, ai thực sự thương bé, có điều kiện chăm sóc tốt thì giao cho nuôi, bất kể đó là cá nhân hay tổ chức xã hội. Vì ở đó Hảo mới có điều kiện để phát triển tốt về thể chất và tinh thần.
Bé Hảo trong vòng tay của những người có tấm lòng hảo tâm.

Mẹ nuôi có giấy xác nhận: Được quyền

Liên quan đến gốc tích của bé Hảo, một phụ nữ tên Na ở Bà Rịa-Vũng Tàu tự nhận là mẹ nuôi của Hảo được Mỳ giao cho nuôi. Nếu chứng minh được điều này thì bà Na có được quyền nuôi Hảo? Theo luật sư Nguyễn Thanh Nhiên, bà Na có đủ quyền và nghĩa vụ nhận nuôi Hảo vì bà không có hành vi hành hạ, ngược đãi, mà vì lý do khách quan nào đó để mất Hảo. Khi phát hiện bé bị hành hạ và muốn đến nhận lại thì bà hoàn toàn có quyền. Tuy nhiên, điều kiện bắt buộc là phải dựa trên cơ sở tự nguyện của bà. Nếu không, Hảo sẽ không thuộc quyền nuôi dưỡng của bà và vợ chồng Mỳ mà buộc phải giao cho các tổ chức xã hội hoặc các nhà hảo tâm.

Theo luật sư Trương Xuân Tám (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), nếu bà Na chứng minh bằng giấy tờ hợp pháp đã từng nuôi dưỡng Hảo thì bà là người thay mặt cho bé tại tòa theo quy định của pháp luật. Ngoài ra bà Na có quyền nuôi dưỡng, chăm sóc theo cam kết trong giấy tờ cho nhận con nuôi. Còn nếu bà Na và Mỳ chỉ cho, nhận bằng miệng, không có giấy tờ hợp pháp thì đương nhiên không có quyền lợi và trách nhiệm gì với Hảo.

Không rõ nguồn gốc: Chính quyền quyết

Trường hợp không rõ nguồn gốc, theo luật sư Tám thì chính quyền địa phương (xã, phường) nơi bé Hảo cư trú sẽ quyết định. Bởi theo điều 61 Bộ luật Dân sự thì khi trẻ không có người giám hộ đương nhiên thì quyền quyết định tự cử người hay đề nghị người khác đại diện, giám hộ sẽ thuộc UBND xã, phường. Ngoài ra, UBND xã cũng có quyền cử người giám sát việc giám hộ xem có vi phạm gì hay không. Việc cử người giám hộ và người giám sát, giám hộ sẽ phải quyết định bằng văn bản trên cơ sở tự nguyện của họ. Cơ quan điều tra chỉ có quyền yêu cầu chính quyền địa phương cử người chăn nom bé Hảo trong giai đoạn chưa có người đại diện hợp pháp.

Luật sư Cao Minh Triết cho rằng lúc này Hảo thuộc trường hợp con vô thừa nhận, thân phận pháp lý chưa rõ ràng nên mọi quyết định ai nuôi dưỡng phải do tòa án quyết.

Một luật sư khác cho rằng cơ quan điều tra có quyền giao cho một tổ chức xã hội hay cá nhân nào đó bằng một quyết định tố tụng để thay mặt bé Hảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Nếu hồ sơ vụ án đã được chuyển sang viện kiểm sát thì cơ quan này ra quyết định bàn giao bé Hảo cho viện.

Hơn 150 triệu đồng ủng hộ bé Hảo
Tính đến chiều ngày 3-10, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận hơn 150 triệu đồng từ những người hảo tâm trong cả nước ủng hộ giúp đỡ bé Hảo. Nhiều người lặn lội hàng trăm cây số từ các tỉnh lân cận đến bệnh viện thăm Hảo.
Hảo đã đi được và nói cười nhiều hơn ngày thường. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết lúc ngủ trên mặt Hảo có hiện tượng co giật. Đây là triệu chứng của việc chấn động các dây thần kinh mặt do các vết thương trên cơ thể tác động. Hiện tượng này sẽ nhanh hết khi Hảo khỏe lại. Vết mổ ở ngón tay cái cũng đang hồi phục tốt.
 
Theo Phapluattp.vn
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]