Ai được hưởng quyền tác giả?

Ngay sau khi Luật Sở hữu Trí tuệ 2005 của Việt Nam vừa được Quốc hội khóa XI thông qua, vấn đề bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian (VHNTDG) đang được cấp thiết đặt ra.

15.5971
Sáng 8-12, hội thảo quốc tế về quyền tác giả trong lĩnh vực VHNTDG do Cục Bản quyền tác giả VHNT kết hợp với Viện Sở hữu Trí tuệ Liên bang Thụy Sĩ tổ chức đã diễn ra tại TPHCM. Các đại biểu đã thảo luận về nội dung bảo vệ, khuyến khích việc giữ gìn, phát huy nguồn tài nguyên trí tuệ này. Hiện nay việc công nhận có tính pháp lý quyền sở hữu VHNTDG thuộc về ai thì vẫn chưa có văn bản nào xác định. Điều này dẫn đến một thực trạng là các giá trị đang bị xâm hại nặng nề. VHNTDG đang bị xài “chùa” Sau một cái click chuột, hình ảnh một bức tranh Đông Hồ nhanh chóng hiện ra, người xem có thể chiêm ngưỡng, nhưng muốn sử dụng cho mục đích in ấn, phải download và trả cước phí là 2 USD. Đó là tất cả những gì một trang web quốc tế đang làm. Số cước phí đó sẽ thuộc hoàn toàn vào trang web. Đáng lý ra quốc gia đã sáng tạo ra những bức tranh Đông Hồ ấy phải được hưởng quyền tài sản ấy của tác phẩm. Các mặt hàng thổ cẩm Việt Nam được sản xuất hàng loạt, xuất khẩu ra nước ngoài, thu ngoại tệ cho người sản xuất, nhưng người đầu tư chỉ trả công lao động cho người sản xuất còn những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thể hiện trên đó không được quan tâm đến.

Quy định khung thù lao

Hội Văn nghệ Việt Nam đã quy định khung thù lao đối với việc khai thác, sưu tầm VHNTDG: Nghệ nhân: 30% Những người thực hành, biểu diễn: 40%

Cộng đồng làng: 30%. Số tiền thù lao cho cộng đồng dùng để tổ chức truyền dạy, tu bổ địa điểm trình diễn hoặc sinh hoạt. Người giữ tiền phải báo cáo công khai trước dân làng việc sử dụng số tiền nói trên.

Du khách nước ngoài đến Việt Nam thản nhiên quay phim, chụp ảnh những lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống rồi sau đó phát hành những hình ảnh này tại nước họ, với mục đích kinh doanh. Những lợi nhuận phát sinh từ những hình ảnh, video đó thuộc về những người phát hành. Họ sử dụng các giá trị VHNTDG sẵn có, không phải mất một khoản phí nào cho việc xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị dân gian. Tiến sĩ Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả VHNT, khẳng định: “Đó là hình thức khai thác, kinh doanh tư lợi trên tài sản của dân gian Việt Nam”. Bên cạnh đó, những giá trị truyền thống thể hiện qua các hình thức biểu diễn dân gian cũng trở thành nạn nhân của sự xâm phạm tác quyền. Người Việt Nam hiện nay không thể xem chèo cổ vì hình thức biểu diễn ngày nay đã bị hiện đại hóa khá nhiều. Điệu múa đi vòng quanh mu rùa trong lễ Cấp sắc của người Dao, thể hiện tín ngưỡng của người Dao đối với khả năng tiên tri của rùa, nay đã được cải biên, trở thành điệu Múa Ba Ba với ý nghĩa là nuôi ba ba để tăng gia sản xuất. Biểu diễn quan họ bằng hòa âm, phối khí theo phương pháp hòa thanh Tây phương. Những làn điệu dân ca được cải biên, đem vào ca khúc như một sáng tạo của riêng tác giả. Nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên cũng đang bị khai thác cho những hoạt động dịch vụ du lịch một cách bừa bãi. Thu phí để tôn tạo và phát triển Theo giáo sư - tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, giai đoạn chiến tranh, những ca khúc lấy từ làn điệu dân ca các vùng miền, như Trông cây lại nhớ đến Người- Đỗ Nhuận (dân ca Nghệ Tĩnh), Mẹ yêu con- Nguyễn Văn Tý (hát ru)... là một hình thức xâm phạm đến bản quyền dân gian được chấp nhận. Những ca khúc này xuất phát từ nhu cầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, nó phục vụ chung cho cả dân tộc. Thậm chí những tác phẩm này có sức sống rất cao. Nhưng trong điều kiện hiện nay, sử dụng chất liệu dân gian để sáng tạo tác phẩm cho riêng mình và người sáng tạo ấy được hưởng nhuận bút, thù lao thì phải có nghĩa vụ đối với tác phẩm NTDG mà mình đã sử dụng, cụ thể nhất là phải trả tác quyền. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần phải xác lập chủ quyền của tác phẩm VHNTDG Việt Nam. Tuy nhiên, tiến sĩ Emanuel Mayer, cố vấn pháp luật Viện Sở hữu Trí tuệ Liên bang Thụy Sĩ, cho rằng việc xác định chủ sở hữu các giá trị dân gian hoàn toàn không đơn giản, vì VHNTDG không xác định được tính nguyên gốc. Mà đã là tác phẩm dân gian thì khuyết danh. Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh xác định, đối tượng sở hữu các giá trị VHNTDG Việt Nam là cộng đồng công xã, nghệ nhân dân gian và người thực hành, trình diễn. Đó là những thành phần trực tiếp có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị đó. Bằng hoạt động thực tiễn, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khi sưu tập các loại hình VHNTDG đều áp dụng mức thanh toán cho nghệ nhân, cộng đồng làng để có nguồn quỹ tiếp tục gìn giữ, tôn tạo và phát triển những giá trị đó. Thế nhưng, việc xác định cộng đồng làng xã nào là chủ sở hữu gốc tác phẩm VHNTDG là một việc vô cùng khó khăn. Do vậy, việc hình thành một tổ chức quản lý tập thể tác quyền đối với VHNTDG là thiết thực và có hiệu quả nhất.
Tiến sĩ Emanuel Mayer, cố vấn pháp luật Viện Sở hữu Trí tuệ Liên bang Thụy Sĩ: VHNTDG phải được pháp luật bảo hộ Pháp luật quốc tế công nhận VHNTDG là sản phẩm của các thế hệ, là cả quá trình sáng tạo của cộng đồng xã hội. Nó phản ánh lịch sử, văn hóa, giá trị, đặc tính xã hội của một cộng đồng. Do đó, VHNTDG thuộc về cộng đồng của một quốc gia. Những quốc gia khác không được phép sử dụng hay ít nhất không được phép khai thác. Giảng viên Lê thị Nam Giang, ĐH Luật TPHCM: Phải có văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật Dân sự hiện hành có liệt kê VHDG là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả. Nhưng từ năm 1995 đến nay chưa có một văn bản nào hướng dẫn việc bảo hộ đối với đối tượng hết sức đặc biệt này. Luật Sở hữu Trí tuệ 2005 có đề cập đến việc bảo hộ đối tượng này nhưng để thi hành các quy định của luật này thì cần phải có những văn bản hướng dẫn.

P.Quyên ghi

Phương Quyên
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]