'Ăn nhiều cá, rau, ít thịt, sẽ giúp cơ thể chống lại ung thư'

Chế độ ăn uống đầy đủ đạm, nhiều cá ít thịt, thêm dầu thực vật, rau quả tươi, uống nhiều nước và vận động thể dục... giúp cơ thể trang bị đủ dinh dưỡng vượt qua bệnh ung thư, là lời khuyên của hai chuyên gia Isabel Correia và Nguyễn Chấn Hùng trong buổi tư vấn trực tuyến sáng 13/4.

15.5767

- Chị tôi bị ung thư tử cung, di căn vào hệ thống hạch chạy khắp người. Người mệt mỏi, ăn uống rất kém, một lần ăn chỉ được lưng bát, có bữa chỉ hai, ba miếng cơm. Xin Phó Giáo sư Isabel cho biết ăn uống những thức ăn gì, như thế nào để có thể nâng được thể lực lên và có thể ngủ được vì chị tôi đã uống các loại thuốc ngủ mà chỉ ngủ được một, hai tiếng thôi. (Vũ Thanh Phương, 45 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội)

- Phó Giáo sư Isabel Correia: Chị có thể ăn bất cứ thứ gì mình thích. Nếu ăn nhiều không được, có thể ăn lượng nhỏ nhưng chia làm nhiều lần. Chị đừng nên nằm quá nhiều thời gian trong ngày, hãy cố gắng đứng lên, đi lại. Hoạt động đi lại trong ngày sẽ làm chị dễ ngủ hơn về đêm. Nếu được chị có thể dùng thêm một loại sữa bổ sung dinh dưỡng, nhiều đạm, cao năng lượng và có acid béo omega 3.

- Với một số bệnh nhân bị ung thư, tôi được nghe là không nên cho bệnh nhân ăn những thực phẩm màu đỏ, thực phẩm có hàm lượng đạm cao. Vậy với những người có tuổi bị ung thư thì chế độ ăn nào là thích hợp để chống suy kiệt trong quá trình điều trị. (Quách Viết Luận, 48 tuổi, Quá[email protected])

- PGS Isabel Correia: Hoàn toàn không có những thức ăn cấm kỵ đối với bệnh nhân ung thư. Họ có thể ăn bất cứ thứ gì họ thích và cảm thấy ngon miệng. Nên bảo đảm chế độ ăn đa dạng: rau, quả, ngũ cốc, thịt để bảo đảm cân nặng của cơ thể. Ngoài ra nếu bệnh nhân không ăn uống đầy đủ được như bình thường, bạn có thể dùng thêm một loại sữa bổ sung dinh dưỡng có nền tảng omega 3, giàu đạm và cao năng lượng để chống suy kiệt trong quá trình điều trị.

- Nếu nói "trong quá trình điều trị, bệnh nhân ung thư ngày càng chán ăn, ăn không cảm thấy ngon miệng..." thì có đúng hay không? Vấn đề tâm lý có ảnh hưởng như thế nào đến việc này? Làm sao để khắc phục và giúp bệnh nhân?(Thiên Sa, 23 tuổi, TP HCM).

- Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng: Nói rằng bệnh nhân chán ăn, ăn thấy không ngon miệng khi điều trị ung thư có thể đúng và có thể không đúng, vì tùy theo loại bệnh và tùy theo phương pháp điều trị. Ví dụ như: bệnh ung thư vú ở giai đoạn sớm được điều trị bằng phương pháp mổ thì hồi phục rất mau, và biếng ăn cũng qua rất mau sau mổ. Nhưng với các trường hợp ung thư khi cần điều trị bằng thuốc đặc trị (hóa trị) thì phản ứng phụ khá nhiều, ảnh hưởng tới việc ăn uống và phải chờ một thời gian sau ngưng điều trị thì cảm giác ăn mới trở lại, và thời gian lâu sau nữa mới bình thường.

Vấn đề tâm lý ảnh hưởng tới việc ăn uống cũng rất rõ, cho nên càng giữ tinh thần vui vẻ, tin tưởng vào việc điều trị, thì sẽ làm giảm bớt tình trạng này. Tùy theo loại bệnh và tùy theo tình trạng để có sự hướng dẫn dinh dưỡng phù hợp là yếu tố quan trọng nhất. Xin chúc cô yên tâm điều trị.

Quang cảnh buổi tư vấn trực tuyến về chống suy kiệt cho bệnh nhân ung thư tại tòa soạn VnExpress.net sáng 13/4. Ảnh: Thiên Chương

- Xin cho hỏi người bệnh ung thư có nên ăn kiêng các thức ăn giàu đạm như thịt, trứng vịt lộn, nội tạng của lợn. Các chất này khi cơ thể hấp thụ có thể làm khối u phát triển nhanh hay không? (Nguyễn Đức Minh, 31 tuổi, Mê Linh - Hà Nội)

- GS Nguyễn Chấn Hùng: Các món gồm trứng vịt lộn, nội tạng của lợn thì nên ăn ít thôi cho cả những người bị mức cholesteron trong máu cao và người thường. Riêng đối với người bị ung thư, đây không phải là các thức ăn kiêng đặc biệt và chỉ cần giữ gìn như mọi người.

Tuy nhiên, khi người bệnh bị suy dinh dưỡng nhiều thì các thức ăn giàu đạm vẫn có thể giúp đỡ, muốn chắc chắn thì nên hỏi bác sĩ điều trị. Nhìn chung không thấy các chất này làm khối u phát triển nhanh.

- Xin các bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng sau mổ cho người già bị ung thư trực tràng (cắt đoạn và nối ruột) và đang bị suy kiệt vì đường ruột yếu. Nếu uống sữa Ensure mà bị đi ngoài nhiều lần (5-6 lần/ngày) thì có thể đổi loại sữa gì? Có thể uống Lacclean Gold để cải thiện chức năng đường ruột sau thời gian dài điều trị kháng sinh hay không? Người mới mổ UUTT 3-4 tháng có thể ăn yaougt hay không? Cám ơn các bác sĩ rất nhiều! (Nguyễn Tuấn, 40 tuổi, Đồng Nai)

- PGS Isabel Correia: Để giảm hoặc tránh tiêu chảy bạn không nên ăn những loại thực phẩm hoặc trái cây có chất xơ không hòa tan như rau có lá và trái cây ăn nguyên vỏ hoặc lột vỏ. Bạn có thể dùng những loại thực phẩm có tính gây táo bón như tinh bột bắp. Dĩ nhiên bạn có thể ngưng Ensure và chuyển qua loại sữa đặc trị chống suy kiệt trong ung thư do có nhiều đạm, giàu năng lượng và được bổ sung acid béo omega 3. Tôi không biết sản phẩm Lacclean Gold là gì để có thể tư vấn rõ ràng cho bạn. Sau mổ, bạn có thể ăn yaourt được.

- Ba tôi bị saccom trực tràng đã mổ đưa hậu môn ra ngoài năm 2005. Xạ trị 27 tia, hóa chất 6 liều. Nay đã di căn sang gan, lách, ổ bụng. Người rất ốm nhưng bụng to, chân phù ăn uống rất khó khăn vì ăn vào rất đau. Xin bác sĩ tư vấn giùm làm thế nào để ba tôi ăn uống được và loại thức ăn nào phù hợp. Hiện nay sức khoẻ rất suy kiệt. Tái khám Bệnh viện Chợ rẫy chỉ cho thuốc giảm đau không điều trị gì nữa. Xin cảm ơn (Nguyễn Thị Phương Thi, 28 tuổi, quận 10)

- PGS Isabel Correia: Chúng tôi rất thông cảm và xin chia sẻ sâu sắc khó khăn của gia đình bạn. Thật không may bệnh đã đi vào giai đoạn cuối. Chúng ta nên cố gắng an ủi, hỗ trợ tinh thần người bệnh sao cho những ngày cuối đời được thanh thản nhất. Vẫn nên tiếp tục dùng thuốc giảm đau, có thể ăn bất kỳ thực phẩm nào ông cụ thích. Đừng cố gắng ép buộc hoặc áp đặt những phương thuốc gây nặng nề thêm.

- Tôi bị ung thư vú năm 24 tuổi (2004), đã phẫu thuật cắt bỏ một phần ngực phải, truyền hóa chất 6 đợt, xạ trị 32 mũi. Năm 2007, tôi sinh một cháu trai, hiện cháu vẫn khỏe mạnh bình thường. Xin hỏi bác sĩ liệu con tôi có khả năng bị di truyền từ bệnh của mẹ không, có cách nào xét nghiệm để biết được điều đó, hoặc nên có chế độ theo dõi đặc biệt gì với tình trạng của cháu không? (Lê Thanh Hà, 29 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)

- GS Nguyễn Chấn Hùng: Ung thư vú có thể gia tăng nguy cơ ở những phụ nữ có liên hệ trực tíếp máu mủ với người bệnh như chị em ruột, con gái. Con chị là cháu trai nên không có vấn đề đáng lo về ung thư vú nói riêng và các loại ung thư khác nói chung. Hiện nay, không có xét nghiệm di truyền ở VN để theo dõi vấn đề trên. Với cháu bé thì nên lưu ý đến việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ.

Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng: "Hãy tự tin, hòa nhập cộng đồng và có chế độ dinh dưỡng, tập thể dục hợp lý để vượt qua bệnh tật". Ảnh: Thiên Chương

- Bố chồng tôi bị ung thư hiện đã di căn vào gan và lên não, sức khỏe rất yếu do một thời gian dài bị suy kiệt. Thỉnh thoảng chỉ uống được ít nước cháo và sữa, thích uống nước cam và chanh, nước lạnh. Rất mong bác sĩ tư vấn giúp về chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn này. Bố tôi hiện tại đã phải tiêm moocfin 1 ống/ngày. (Huyền, 28 tuổi, Khâm Thiên, Hà Nội)

- PGS Isabel Correia: Về cơ bản ông cụ có thể ăn uống tùy thích những loại thức ăn ưa chuộng của mình. Để nâng cao nguồn đạm, cung cấp năng lượng nhằm chống tình trạng suy kiệt có thể sử dụng loại sữa dinh dưỡng giàu đạm, giàu năng lượng và omega 3.

- Thưa bác sĩ cho cháu hỏi, cháu nghe nói, nếu đã mắc khối u ác tính thì không nên làm phẫu thuật, vì như vậy sẽ làm cho tế bào ung thư phát tán nhanh hơn có phải không? Vậy trong trường hợp nào nên phẫu thuật, trường hợp nào nên điều trị bằng thuốc? (Nguyễn Thị Thu Hà, 38 tuổi, 47/21 Quốc Hương, phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM)

- GS Nguyễn Chấn Hùng: Người ta đồn rằng khi bị khối u ác tính thì không nên mổ - nghĩa là làm phẫu thuật vì cho rằng hơi dao, hơi kéo sẽ làm tế bào ung thư lan tràn mạnh hơn. Điều này không đúng vì hiện nay phẫu thuật là phương pháp chủ yếu để điều trị tốt nhiều loại ung thư ở giai đoạn sớm, nhưng làm phẫu thuật ung thư phải được bác sĩ chuyên khoa tuân theo các quy định đúng mức.

Trước mổ hoặc sau mổ bác sĩ còn cân nhắc có nên phối hợp với các phương pháp điều trị khác hay không như là hóa trị, xạ trị hoặc liệu pháp miễn dịch.

- Mẹ cháu bị ung thư vú đã phẫu thuật một bên được 2 năm và mẹ cháu cũng bị tiểu đường. Vậy cho cháu hỏi mẹ cháu cần có chế độ dinh dưỡng như thế nào? Cháu xin chân thành cảm ơn! (Vo Manh Ha, 25 tuổi, 1 Nguyễn Thông, phường 9, quận 3, PT HCM)

- PGS Isabel Correia: Về cơ bản mẹ bạn cần có chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân tiểu đường. Nên tránh những loại thức ăn, đồ uống ngọt, có nhiều đường. Tuân thủ thuốc uống, lịch tái khám, theo dõi vết thương bàn chân và những biến chứng khác của tiểu đường theo lời dặn của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra nên ăn uống đủ chất và đa dạng. Vẫn phải tiếp tục tái khám và theo dõi ung thư vú.

- Bố em bị ung thư phổi cách đây 2 năm, qua điều trị đã vào thuốc được 6 lần, sau đó xạ trị cho đến nay, khối u vẫn còn và đã di căn... Gia đình em quyết định không điều trị nữa và thực hiện chế độ ăn gạo lức muối mè. Phương pháp ăn gạo lức muối mè có tác dụng không? Nếu dùng phương pháp này thì cần phải tuân thủ thêm những điều kiện gì cho tốt? (Đào Vĩnh Lộc, 28 tuổi, Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk)

- GS Nguyễn Chấn Hùng: Ung thư phổi là loại rất khó trị, đặc biệt với người lớn tuổi. Theo tôi bố em đã điều trị 2 năm nay cũng có kết quả phần nào, nhưng đã di căn thì rất ít hy vọng trị tốt nữa.

Chế độ ăn gạo lức muối mè được nhiều người áp dụng và cho rằng có hiệu quả nhưng tôi không nắm chắc phương pháp điều trị này. Tôi nghĩ sau khi được điều trị chuẩn bằng hóa và xạ trị thì gạo lức muối mè không gây phản ứng hay tác hại gì, cũng làm tình hình tốt hơn.

Người bệnh nên bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng như rau quả tươi, nước và các thức ăn chứa đạm kết hợp với vận động nhẹ cơ thể.

- Tôi nghe nói trên thị trường hiện có sản phẩm sữa ProSure dành cho người bệnh Ung thư với chất EPA (Acid béo Omega 3) có điểm gì khác với việc bổ sung EPA từ các viên dầu cá có bán bên ngoài? (Thùy Trang, 41 tuổi, TP HCM)

- PGS Isabel Correia: Điểm khác biệt lớn nhất giữa ProSure và viên dầu cá trên thị trường là loại sữa này giàu đạm, nhiều năng lượng đi kèm với omega 3. Điều này bảo đảm người bệnh được cung cấp đầy đủ năng lượng bên cạnh chế độ ăn thông thường nhằm chống sụt cân và suy kiệt. Ngoài ra nếu bệnh nhân chỉ uống viên dầu cá, họ phải uống từ 10-15 viên mỗi ngày tương đương với 1 ly ProSure này chứa 1,1 gram EPA. Như vậy để bảo đảm đủ lượng EPA 2,2 gram trong 2 ly sữa mỗi ngày bạn phải dùng khoảng 20-30 viên dầu cá.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Isabel Correia chia sẻ với những trường hợp người thân bạn đọc bị bệnh ung thư đã ở giai đoạn cuối. Ảnh: Thiên Chương

- Mẹ tôi đang bị ung thư vú và đang trong quá trình truyền hóa chất. Xin Giáo sư và phó giáo sư cho biết mẹ tôi phải ăn uống như thế nào? Có phải kiêng món nào không? Gia đình tôi cũng có bồi bổ cho mẹ tôi những món nhiều chất đạm và chất dinh dưỡng, nhưng nay mẹ tôi bắt đầu thấy ngán và không muốn ăn. Trong tình huống này tôi phải xử lý như thế nào? Tôi xin cảm ơn. (Văn Quý, 29 tuổi, 294 Khâm Thiên)

- GS Nguyễn Chấn Hùng: Việc bồi bổ cho người bệnh bằng các món nhiều đạm và chất dinh dưỡng là rất đúng, nay người bệnh bắt đầu ngán ăn là dễ hiểu vì thuốc đặc trị càng lúc càng tích lũy độc tính và phản ứng phụ càng nhiều. Không biết là bệnh nhân đã nhận được bao nhiêu liều hóa trị, thường số liều hóa trị là 6 nếu đã gần xong thì không đáng lo lắm và cố gắng bồi dưỡng để sau khi ngưng hóa trị một thời gian thì cảm giác biếng ăn sẽ bớt dần.

Nói chung lời khuyên về dinh dưỡng trong khoảng thời gian hóa trị thì có thể tóm lại như sau: chế độ ăn giàu chất đạm, đủ năng lượng, không nhiều chất mỡ. Lưu ý dùng nhiều rau quả tươi và nếu được nên vận động thân thể nhẹ nhàng mỗi ngày. Còn tùy theo loại ung thư gì và thuốc đặc trị gì thì mới có lời khuyên thật phù hợp, nên hỏi bác sĩ điều trị trực tiếp để có lời khuyên thật đúng.

- Bố tôi bị ung thư phổi 2 năm nay rồi, tâm lý không ổn định, tôi muốn hỏi bác sĩ, liệu pháp tâm lý dành cho bệnh nhận ung thư là như thế nào? Phải nói làm sao để họ cùng gắng sức chữa bệnh? Tôi xin cảm ơn (Trần Mạnh Hùng, 29 tuổi, Từ Liêm Hà Nội)

- PGS Isabel Correia: Tôi không biết thực tế tại VN về tư vấn tâm lý và tâm thần cho bệnh nhân ung thư như thế nào. Nếu tại Brazil tôi sẽ giới thiệu bệnh nhân ung thư không ổn định về tâm lý đến các chuyên gia tư vấn về tâm thần và tâm lý liệu pháp. Tôi nghĩ bạn nên trực tiếp hỏi bác sĩ đang điều trị ung thư cho bố bạn về các địa chỉ đáng tin cậy để được tư vấn thêm.

- Thưa bác sĩ nếu đi ngoài nhiều lần trong ngày kèm với đau bên sườn phải thì có thể kết luận đây là hiện tượng ung thư trực tràng không (Nguyễn Anh Trung, 28 tuổi, Hà nội).

- PGS Isabel Correia: Đây là triệu chứng của rất nhiều loại bệnh khác nhau. Người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc bác sĩ ngoại khoa chuyên về hậu môn - trực tràng để được khám lâm sàng kỹ lưỡng và làm các xét nghiệm đầy đủ mới có thể kết luận.

- Có nhiều người cho rằng, việc ăn nhiều đồ bổ dưỡng chỉ giúp khối u phát triển nên chỉ ăn cơm gạo lức và muối mè. Trong khi đó, rất nhiều người dùng các thực phẩm chức năng giàu viatmin. Điều này gây hoang mang. Nên như thế nào? (Vũ Đức Khuynh, 52 tuổi, 43 Nguyễn Chí Thanh Hà Nôi)

- GS Nguyễn Chấn Hùng: Tôi không biết rõ về thực phẩm chức năng Vibracel (của Bỉ), Flavin7 (Hungary) và Đông trùng hạ thảo nên không thể có ý kiến rõ ràng. Riêng về chế độ dinh dưỡng gạo lức muối mè là hoàn toàn thiếu đạm và các chất dinh dưỡng cần thiết như trong rau quả tươi.

Mặt khác trước và trong khi điều trị bệnh ung thư thì người bệnh cần có chế độ bồi dưỡng hợp lý để cơ thể đủ sức chịu đựng tác động mạnh của các phương pháp điều trị đặc hiệu như là phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị. Chế độ dinh dưỡng phù hợp không chỉ gồm việc ăn nhiều đồ bổ dưỡng mà phải tuân theo những quy tắc sau: đủ chất đạm, các chất bột, nhiều rau quả tươi, vận động cơ thể ở mức độ thích hợp. Như vậy, dinh dưỡng phải được điều chỉnh để không thiếu thốn như gạo lức muối mè mà cũng không quá dư thừa gồm nhiều thịt và chất béo.

Riêng từng loại ung thư, người bệnh hay mỗi phương pháp điều trị cũng đòi hỏi chế độ dinh dưỡng phù hợp.

- Xin cho hỏi, bệnh nhân nên ăn thực phẩm gì để tăng bạch cầu sau mỗi lần truyền hóa chất và đủ bạch cầu cho lần truyền sau? (Hoàng Ánh Dương, 41 tuổi, Chùa bộc - Đống Đa - HN)

- PGS Isabel Correia: Về cơ bản bạn phải được dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng để đủ sức theo đuổi việc hóa trị. Không có loại thực phẩm nào được khoa học chứng minh là chuyên tăng bạch cầu.

- Tôi bị ung thư máu được 2 năm, đang điều trị ở bệnh viện máu trung ương. Xin Phó giáo sư cho lời căn dặn và có cách nào để sức khỏe được tốt hơn. Cảm ơn bác sĩ! (Trần Đức Kiên, 24 tuổi, Tỉnh Vĩnh Phúc)

- PGS Isabel Correia: Có vẻ như bạn đang được điều trị tốt trong tay các thầy thuốc chuyên khoa ở tuyến Trung ương. Bạn nên tiếp tục tuân thủ điều trị, tái khám đầy đủ theo đúng các phác đồ. Song song đó hãy có suy nghĩ tích cực về cuộc sống và tương lai. Hãy duy trì nếp sống của bạn đều đặn như thường lệ. Cố gắng tăng cường hoạt động thể dục, ăn uống đủ chất và điều độ.

- Xin hỏi bệnh nhân ung thư đang thực hiện hóa trị liệu có phải kiêng khem gì không? Ăn uống như thế nào để đảm bảo sức khỏe. Cám ơn! (Tùng, 27 tuổi, Hà Nội)

- PGS Isabel Correia: Hoàn toàn không có thực phẩm nào bạn phải kiêng khem khi thực hiện hóa trị. Dĩ nhiên bạn chỉ cần tránh những loại thức ăn cơ thể bạn không dung nạp hoặc cảm thấy khó chịu so với thường lệ.

- Chế độ dinh dưỡng có khác nhau cho từng loại bệnh ung thư hay không. Chẳng hạn, một bệnh nhân bị ung thư phổi và bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến thì thành phần dinh dưỡng cung cấp có giống nhau hay không? (Nguyen Minh Tam, 50 tuổi, 72 Hưng Phú, quận 8)

- GS Nguyễn Chấn Hùng: Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư có những cơ sở chung và cũng có những chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng loại ung thư, hơn nữa mỗi người bệnh cũng có một cơ địa và hoàn cảnh riêng. Một bệnh nhân ung thư phổi và bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến thì cơ bản có chế độ dinh dưỡng không khác nhau lắm, tuy nhiên còn tùy thuộc vào giai đoạn bệnh.

Nói chung chế độ dinh dưỡng phải gồm đầy đủ chất đạm để cơ thể đủ sức đáp ứng miễn dịch, chất carbua hydro cho năng lượng cần thiết, bớt chất béo, có nhiều rau quả tươi để cung cấp vitamin, muối khoáng, các chất kháng oxit hóa. Lưu tâm đặc biệt về mức độ vận động cơ thể, không vì bị bệnh mà nằm yên một chỗ.

- Theo bác sĩ làm thế nào để nâng thể trạng cho người đang điều trị ung thư khi bản thân họ không còn thèm ăn nữa? (Hoàng Minh, 37 tuổi, Khu phố 5, phường Bình Hưng Hòa, quận Binh Tân, TP HCM)

- PGS Isabel Correia: Quyết định này tùy thuộc vào thể trạng của bệnh nhân, nhận định của bác sĩ điều trị, giai đoạn của bệnh... Ví dụ: với những bệnh nhân ở giai đoạn cuối hoặc ung thư đã tiến xa, hầu như còn rất ít chọn lựa về dinh dưỡng. Đối với bệnh nhân ở giai đoạn sớm hoặc đang được điều trị nên chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần, ăn uống đa dạng, dùng thực phẩm sữa bổ sung. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để được hướng dẫn tường tận hơn.

- Bố tôi bị ung thư thực quản, không ăn uống gì bằng miệng 4 tháng nay. Mỗi bữa ăn chỉ truyền qua đường xông nước cháo hầm. Vậy làm thế nào để tăng cường sức khỏe trong trường hợp này (Hà Việt Thanh, 28 tuổi, HN).

- PGS Isabel Correia: Nước cháo hầm không cung cấp đủ dinh dưỡng trong trường hợp này. Bệnh nhân cần được bổ sung bằng các loại sữa dinh dưỡng đặc trị có trên thị trường. Bạn nên hỏi bác sĩ để được kê toa về loại sữa phù hợp. Chúc bạn mau chóng tăng cường được sức khỏe cho bố mình.

- Thưa bác sĩ, tôi phát hiện bị ung thư vú cách đây gần 2 năm, và đã điều trị tại bệnh viện ung bướu. Tôi rất quan tâm và muốn được bác sĩ tư vấn là nên ăn uống như thế nào để tăng cường sức khỏe và phòng chống tái phát? Uống tam thất, tinh nghệ cũng như sừng tê giác có tác dụng gì đối với bệnh ung thư không? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ. (Lê Hoa, 38 tuổi, quận 1, TP HCM)

- GS Nguyễn Chấn Hùng: Chúc mừng cô đã được điều trị theo các phương pháp chuẩn ở một trung tâm chuyên khoa. Ung thư vú được phát hiện sớm và theo các phương pháp chính quy hứa hẹn một kết quả tốt. Cô nên theo dõi định kỳ tại bệnh viện. Hàng ngày nên theo các lời khuyên sau: nên ăn đủ chất đạm chú ý ăn cá nhiều hơn thịt, không ăn các loại khô mắm thịt hung khói, các món muối dưa, bớt mỡ nên ăn dầu thực vật, đặc biệt lưu ý ăn nhiều loại rau quả tươi gồm các loại hột, rau nhiều màu khác nhau, dùng sữa đậu nành vừa phải và đừng tưởng là bị ung thư thì phải nghỉ ngơi không làm gì cả, trái lại giữ một sinh hoạt bình thường vận động thân thể hàng ngày mới tốt.

Còn việc uống Tam thất, tinh nghệ cũng như sừng tê giác thì tôi không biết rõ về khả năng điều trị nhưng tôi cũng có ý kiến như sau: sừng tê giác thì nghe đồn rất nhiều về việc trị ung thư mà tôi không thấy bằng chứng cụ thể nào qua kinh nghiệm của tôi, vả lại rất mắc tiền và còn khuyến khích giết hại loài động vật quý hiếm này.

Còn tam thất và tinh nghệ thì không tốn tiền nhiều cũng không thấy tác hại gì nên tùy theo bà con.

- Chào bác sĩ. Bố cháu bị ung thư đường mật, đã di căn sang gan và tụy. Bệnh viện Việt Đức đã làm thủ thuật dẫn mật qua da, hiện nay bộ máy tiêu hóa làm việc rất kém. Cần làm thế nào để bổ sung dinh dưỡng chống suy kiệt. Hiện bố cháu uống thuốc dân tộc, thày lang khuyên không nên truyền và uống thuốc bổ. Cháu xin cảm ơn! (Trần Ngọc Sơn, 32 tuổi, 116 Đào Tấn - BĐ - Hà Nội)

- PGS Isabel Correia: Xin chia sẻ sâu sắc khó khăn của gia đình bạn. Trong đa số trường hợp những ca như thế này thường còn rất ít chọn lựa. Trong khoảng thời gian còn lại, hãy cố gắng làm cho cuộc sống bớt nặng nề và thanh thản.

- Cháu nhờ bác sĩ giải đáp giúp làm thế nào để phát hiện được bệnh ung thư sớm để kịp chữa trị? (Mai Hà Anh, 24 tuổi, Phúc Yên, Vĩnh Phúc)

- PGS Isabel Correia: Bạn nên khám sức khỏe, kiểm tra đều đặn theo lời dặn của bác sĩ. Ở người trẻ tuổi như bạn thường chỉ cần mỗi năm một lần là đủ. Đối với phụ nữ trên 30 tuổi cần chú ý thêm khám nhũ (vú), chụp nhũ ảnh, tầm soát ung thư cổ tử cung. Đối với nam giới nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ra cần chú ý những thay đổi bất thường hoặc các triệu chứng báo động như: sụt cân, ho ra máu, thay đổi thói quen đại tiểu tiện, xuất hiện u cục...

- Lý do tại sao có một số bệnh nhân suy kiệt hoặc có dấu hiệu suy kiệt trước khi phát hiện ung thư? Hiện nay có một số không ít người (kể cả bác sỹ) cho rằng điều trị ung thư không nên truyền đạm vì chỉ làm tăng lên quá trình phát triển khối u. Quan niệm của các chuyên gia về vấn đề này? (Ng: X: Chí, 40 tuổi, BV TWQĐ 108)

- GS Nguyễn Chấn Hùng: Có nhiều người đã được chẩn đoán chính xác bệnh ung thư nhưng vẫn thấy khỏe và sinh hoạt bình thường. Đó là các trường hợp được chẩn đoán sớm như: ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư da, ung thư tuyến giáp cạn. Còn có một số bệnh nhân bị suy kiệt thời gian dài mới được chẩn đoán có thể giải thích như sau: loại ung thư máu thì khi có triệu chứng sốt nóng, suy kiệt xảy ra thì nên đi khám sức khỏe; các loại ung thư nằm ở vị trí sâu như: tụy tạng, bao tử, phổi thì phải đợi các dấu hiệu này trổ ra nhiều hơn trong đó có triệu chứng mệt mỏi và suy kiệt.

Về việc cho rằng truyền đạm chỉ làm tăng quá trình phát triển khối u tôi không có ý kiến gì về quan điểm này. Tuy nhiên, điều trị ung thư không chỉ gồm có việc truyền đạm mà phải dùng các liệu pháp chuẩn gồm phẫu, xạ, hóa trị... Theo một phát đồ hợp lý cùng với chế độ dinh dưỡng nâng đỡ đúng mức gồm lượng đạm cần thiết, chất bột phù hợp, đủ loại rau quả tươi và khuyến khích người bệnh vận động cơ thể theo sức mình.

- Chồng tôi 42 tuổi bị ung thư phổi, điều trị được 22 mũi xạ trị và 1.5 mũi hóa chất thì bị suy kiệt sức khỏe không ăn được chỉ truyền và uống nước đường. Chồng tôi đã nghỉ điều trị 1 tháng nay đã bắt đầu ăn được. Nên có chế độ dinh dưỡng như thế nào để phục hồi sức khỏe nhanh. Nghỉ điều trị 1 tháng có ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị sau này không. (Quỳnh, 41 tuổi, Đống Đa, HN)

- PGS Isabel Correia: Cần có chế độ ăn đa dạng, đầy đủ và theo ý thích của bệnh nhân. Không kiêng khem bất kỳ loại thức ăn nào. Việc ăn uống thường xuyên đủ chất rất quan trọng vì sẽ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh và có đầy đủ sức khỏe để quay trở lại điều trị tiếp nếu có chỉ định của bác sĩ.

- Tôi bị ung thư thực quản đoạn dưới dù chưa đau, chưa sụt ký và tôi đã điều trị bằng tia Gamma đến nay sức khỏe bình thường. Tôi vẫn tập luyện thường xuyên bài thể dục Vẫy tay Dịch cân kinh, làm việc và ăn uống bình thường. Tôi vẫn tái khám định kỳ theo lời hẹn của bệnh viện. Xin cho tôi lời khuyên về thuốc uống thêm, chế độ ăn uống, cường độ làm việc. Xin kính cảm ơn. (Phan Sỹ Minh Phương, 47 tuổi, Cư Kuin - Đăk Lăk)

- GS Nguyễn Chấn Hùng: Xin chúc mừng ông đã được điều trị ổn định loại ung thư này vốn rất khó điều trị. Nếu có dịp tôi cũng xin được biết rõ về chẩn đoán bệnh và chi tiết điều trị. Ông thường xuyên tập luyện thể dục là điều rất đúng vì vận động thân thể có giúp đỡ cơ thể trong việc khắc phục bệnh tái phát. Tôi không biết rõ về Dịch cân kinh nhưng cũng là vận động cơ thể thì tốt thôi.

Ông ăn uống bình thường nghĩa là không quá kiêng cữ mà cũng không dùng các phương thuốc dân gian theo lời đồn đại, tôi rất tán đồng. Tôi không có khuyên dùng thuốc gì thêm, nên hỏi bác sĩ trực tiếp điều trị. Còn nên làm việc bình thường thì tốt hơn là ngưng làm.

Chế độ ăn uống nên chú ý đủ đạm, dùng cá nhiều hơn thịt, các loại sữa chua, phô mai... Lưu ý các chất bột đầy đủ không quá lố ăn gạo lức thì tốt hơn gạo trắng. Đặc biệt, ở Đăk Lăk thì chắc có nhiều rau trái tươi rất tốt, chú ý nhiều loại trái và rau có màu khác nhau thì mới chứa đủ các vitamin và các chất kháng oxy hóa.

- Cháu có người thân mắc ung thư vòm họng từ năm 1998, từ đó tới nay vẫn điều trị và tái khám theo yêu cầu của bác sĩ. Do ảnh hưởng của tia xạ mà phần má bị cứng, há miệng khó, phải dùng thức ăn mềm: canh, uống sữa... Xin bác sĩ tư vấn cho người nhà cháu chế độ ăn uống cho phù hợp.(Nguyễn Thị Minh Nguyệt, 38 tuổi, 27/14 Đường Hậu Giang, phường 4, quận Tân Bình)

- GS Nguyễn Chấn Hùng: Xin chúc mừng người thân của cô vì kết quả điều trị tốt, lâu dài. Đúng là bên cạnh hiệu quả điều trị tốt thì xạ trị cũng để lại di chứng như cô mô tả. Theo tôi, cô nên theo lời khuyên cụ thể của bác sĩ chuyên khoa tùy theo tình trạng có cải thiện hay gia tăng và kiên trì chăm sóc người bệnh để có kết quả ngày càng tốt hơn.

- Vấn đề lớn nhất của bệnh nhân ung thư là tâm lý hoảng loạn. Vậy theo giáo sư làm thế nào để ổn định tinh thần cho họ một cách tốt nhất. Vì tinh thần tốt họ có thể kéo dài được sự sống của mình. Xin chân thành cảm ơn giáo sư! (Trần Vân Quỳnh, 24 tuổi, HN)

- PSG Isabel Correia: Việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư đòi hỏi sự cộng tác và hiệp đồng của liên chuyên khoa: bác sỹ phẫu thuật, nội khoa, dinh dưỡng, tư vấn tâm lý, giáo dục cũng như sự nâng đỡ, hỗ trợ về mặt tinh thần và vật chất của gia đình và xã hội. Để có ý kiến chuyên môn xác đáng về ổn định tinh thần bệnh nhân ung thư nên được tư vấn bởi các bác sĩ tâm thần và tâm lý.

Người Việt Nam có câu "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Để phòng chống ung thư một cách hiệu quả không gì quan trọng hơn là cần có lối sống lành mạnh, những thói quen tốt, tránh hút thuốc lá, khám sức khỏe đều đặn thường xuyên và tuân thủ điều trị. Xin chúc quý độc giả của VnExpress.net được dồi dào sức khỏe, nhiều niềm vui và thành công trong cuộc sống.

- Bố tôi 85 tuổi, chẩn đoán u hang vị đã cắt 4/5 dạ dày cách đây 1 tháng. Bố tôi giờ hay ợ dịch đắng, không ăn được, không có hiện tượng đói. Xin bác sĩ Hùng tư vấn giúp phác đồ dinh dưỡng hàng ngày để bố tôi không bị suy kiệt (Kim Loan, 50 tuổi, Hà Nội)

- GS Nguyễn Chấn Hùng: Tôi xin chúc mừng gia đình về thành công của phẫu thuật cắt 4/5 dạ dày vì đây là một phẫu thuật lớn trên cơ địa một bệnh nhân rất lớn tuổi. Các triệu chứng về ăn uống là các phiến toái phải có của cách điều trị này. Tôi rất cảm động có được sự tin tưởng của gia đình về việc tư vấn phác đồ dinh dưỡng, nhưng khó có lời khuyên cụ thể theo yêu cầu. Tôi đề nghị gia đình nên nhờ bác sĩ trực tiếp điều trị hường dẫn về dinh dưỡng phù hợp và nếu được thì nhờ một chuyên gia về dinh dưỡng ở Hà Nội.

Tôi cũng rất cảm động về sự tin tưởng của các độc giả, bệnh nhân và gia đình qua rất nhiều câu hỏi gửi đến. Cuối cùng, tôi muốn nhắc vài điều về chế độ dinh dưỡng cho các người bệnh ung thư.

Nên chú ý sự khác biệt về dinh dưỡng cho người bệnh trước khi trước, trong và sau khi điều trị. Trước khi điều trị thì chú ý nâng đỡ cơ thể về mọi mặt để có thể chịu đựng được các liệu pháp mạnh hiệu quả mà có nhiều phản ứng phụ. Trong khi điều trị thì phải săn sóc thật triệt để toàn diện kể cả mâng đỡ tâm lý. Sau khi điều trị thì chế độ chăm sóc cần chú ý phù hợp với sinh hoạt xã hội bình thường, một tâm lý ổn định, một chế độ dinh dưỡng ngừa căn bệnh tái phát.

Nói chung một chế độ ăn uống đầy đủ chất đạm, nhiều cá ít thịt, chất bột vừa phải, tránh chất béo động vật, nên dùng dầu thực vật, nhiều rau quả tươi, uống nhiều nước, không thuốc lá, ít hoặc không rượu, vận động cơ thể để chống béo phì và nên hội nhập tích cực với xã hội. Xin kính chào.

Đời Sống

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]