Ba mẹ của chúng ta đã vui Trung Thu như thế nào?

Chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến Tết Trung Thu, khắp các con phố đã bắt đầu trang hoàng rực rỡ với vô vàn chiếc lồng đèn lung linh sắc màu. Bên cạnh những chiếc lồng đèn nhựa chạy pin tân tiến, các loại lồng đèn làm bằng giấy hay nan tre từ "ngày xửa ngày xưa"... không vì thế mà đánh mất đi vị trí của mình trong lòng những người thuộc về thế hệ trước. Và những chiếc lồng đèn tuổi thơ đó, dẫu mộc mạc, bình dị nhưng sẽ luôn là kí ức khắc đậm trong tâm trí của những ai từng một lần được cầm đèn hát nghêu ngao, phá cỗ cùng lũ bạn...

15.6055

Cùng quay ngược lại dòng thời gian để xem thế hệ đi trước của chúng ta đón Trung Thu như thế nào nhé!

1. Lồng đèn lon sữa bò


(Ảnh Internet)

Chỉ từ một cọng dây kẽm, hai lon sữa bò, một cây tre, chúng ta sẽ có ngay chiếc lồng đèn vô cùng độc đáo nhưng lại rất tiết kiệm. Sau khi có những nguyên liệu này, chỉ cần đục phần đáy hai lon sữa, ráp với nhau bởi dây kẽm, cố định lại bằng thanh tre, sau đó đốt nến là đã có thể dẫn "em" lồng đèn này đi khắp phố cùng lũ bạn hàng xóm rồi.

 2. Lồng đèn lon bia


(Ảnh Internet)

Với đặc tính mềm dẻo của vỏ lon, lồng đèn lon bia vô cùng dễ thực hiện. Chỉ cần rạch dọc vỏ lon thành nhiều phần bằng nhau, sau đó ép hai miệng lon lại gần là chúng ta đã có ngay lồng đèn lung linh.


(Ảnh Internet)

Ngày nay, cũng với chất liệu là vỏ lon, lồng đèn lon bia được cải tiến hơn với những chi tiết tinh xảo, đẹp mắt. Chúng ta có thể sử dụng đèn này làm đèn ngủ, đèn trang trí với ánh sáng dịu nhẹ và giá thành hợp lí.

3. Lồng đèn giấy phim


(Ảnh Internet)

Có lẽ với chúng ta, lồng đèn làm bằng phim khá xa lạ. Tuy nhiên, đây là loại lồng đèn rất phổ biến vào những năm 1980. Người làm lồng đèn sử dụng những cuộn phim 35mm của máy ảnh cơ để làm phần vỏ. Phim sẽ được tẩy trắng, sau đó nhuộm vàng, xanh, đỏ để lồng đèn trở nên bắt mắt dưới ánh nến.


(Ảnh Internet)

Tiếp đó, tùy theo yêu cầu của người đặt hàng mà phim được tạo hình thành quả trám, hình hộp, hình mái chùa, v.v... Đáy lồng đèn là một mảnh bìa cứng có gắn lò xo để khi nến cháy sẽ không làm hỏng đèn.

4. Đèn cù (đèn ông sư)


(Ảnh Internet)

Đèn cù là một loại đèn vô cùng thú vị. Nếu nhìn đèn theo trục thẳng đứng từ trên xuống, đèn như một bông hoa 6 cánh đủ sắc màu. Thân đèn làm bằng nan tre, uốn cong thành hình cánh hoa và được phủ giấy bóng kiếng. Người làm lồng đèn có thể trang trí thêm nhiều hình vẽ lên phần cánh hoa. Phía đáy đèn là hai bánh xe, một gắn với đế đèn và cái còn lại tiếp xúc với mặt đất. Khi chúng ta cầm gậy để đẩy bánh xe, phần lồng đèn ở trên sẽ xoay tạo ra âm thanh vù vù vừa vui tai lại lạ mắt.


(Ảnh Internet)

Ngày nay, đèn cù không còn phổ biến do khá cồng kềnh khi vận chuyển. Chúng dần bị lãng quên và thay bằng những chiếc đèn chạy pin đủ màu sắc.

5. Lồng đèn kéo quân


(Ảnh Internet)

Nếu để ý kĩ, lồng đèn kéo quân vẫn còn hiện diện đến ngày nay. Tuy nhiên, giá thành của loại này thường khá cao. Để hoàn thành một chiếc lồng đèn kéo quân đòi hỏi người làm phải có sự tỉ mỉ và đầu tư.

Đèn lồng này được vận hành nhờ sức nóng của ngọn lửa khi thắp nến. Sự thay đổi nhiệt độ và áp suất không khí bên trong và ngoài đèn làm cho các nan tre chuyển động. Ở mỗi đầu nan tre là hình ảnh con người, con vật được làm bằng giấy rất tinh xảo.


(Ảnh Internet)

Đèn được làm từ nhiều lớp, khi thắp nến, các hình ảnh chuyển động và in bóng lên thành đèn và xoay vòng liên tục. Chính vì vậy, đèn có tên gọi là đèn kéo quân. Một khi đã quan sát sự chuyển động của lồng đèn kéo quân, bạn sẽ khó cưỡng lại vẻ đẹp của nó.

6. Lồng đèn hình con vật


(Ảnh Internet)

Cạnh tranh với các loại lồng đèn chạy pin, làm bằng nhựa hiện nay là các loại lồng đèn làm bằng giấy bóng kiếng truyền thống. Khi đến phố lồng đèn Lương Nhữ Học, đập vào mắt chúng ta là nhiều loại lồng đèn giấy bóng kiếng với hình các con vật đủ kích thước khác nhau. Nhiều nhất có thể kể đến là bướm, thỏ, chó. Trên mỗi lồng đèn là các nét vẽ tạo hình đủ màu sắc và ngộ nghĩnh.


(Ảnh Internet)

Đây là loại lồng đèn đã có từ rất lâu và vẫn còn được yêu thích cho đến ngày nay. Nếu như các bé gái thích thú với đèn các con vật, thì lồng đèn hình thuyền và máy bay lại là sự lựa chọn hoàn hảo với các bé trai.

7. Lồng đèn ông sao


(Ảnh Internet)

Đây là loại đèn có thể tự làm với những nan tre và giấy bóng kiếng. Đèn ông sao đã xuất hiện từ rất lâu, tồn tại trong cả những câu hát về Trung thu: "Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu...".


(Ảnh Internet)

Tuy nhiên, đèn ông sao đang gặp phải sự cạnh tranh từ các loại lồng đèn với mẫu mã bắt mắt và tiện lợi.

8. Lồng đèn xếp giấy


(Ảnh Internet)

Bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000, lồng đèn xếp giấy như một làn gió mới, tạo thêm sự đa dạng cho các loại lồng đèn mỗi khi Trung thu về.

Bắt mắt với hình dạng những chiếc ống, mặt các con thú được in sặc sỡ, lồng đèn xếp trở nên phổ biến bởi sự tiện lợi. Tuy nhiên, chúng dễ dàng bắt lửa vì nến cháy táp vào phần giấy.


(Ảnh Internet)

Ngày nay, người ta cải tiến lồng đèn xếp bằng việc in những hình ảnh gần gũi, phổ biến như các nhân vật phim hoạt hình, siêu nhân, truyện tranh để thu hút các bé. Đồng thời cũng thay đổi chất liệu giấy thành vải để đảm bảo an toàn khi vui chơi.

Dù những mẫu lồng đèn này có thay đổi theo thời gian nhưng Tết Trung thu vẫn là ngày mà ai cũng háo hức, mong chờ để đoàn viên, cùng phá cỗ thưởng trăng. Và hiển nhiên, lồng đèn vẫn sẽ luôn là một người bạn gắn liền với tuổi thơ, với những kỉ niệm đẹp về một mùa Trung thu ấm áp bên gia đình.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]