Chúng ta phụ thuộc vào điện thoại như thế nào?

Tuần rồi, Robin Lee, một nghệ sĩ 45 tuổi, đã bị cảnh sát bắt vì sạc điện thoại (ĐT) trên tàu lửa ở London.

15.3844
Hành động của Lee, theo luật ra đời vào năm 1968, gọi là ăn trộm - hẳn lúc đó, người ta chưa nghĩ đến từ “powernoia”, một danh từ ra đời gần đây, diễn tả trạng thái con người bứt rứt đến khó chịu khi thiết bị của họ sắp hết pin mà họ không kiếm được chỗ cắm để sạc.

Cách đây không lâu, hậu cơn bão Sandy ở New York (Hoa Kỳ) vào năm 2012, thành phố bị mất điện. Cả dòng người đứng xếp hàng dài trước các quầy ĐT công cộng, người ta hối hả đón taxi chỉ để nhờ sạc ĐT, thậm chí có người còn liều lĩnh tìm cách sạc từ các cột điện.

Một nhà báo đã ví việc nhìn thấy vạch báo động sắp hết pin trên ĐT là một trong những ác mộng. Nó “khủng khiếp” bằng với việc ĐT bị rớt trong bồn cầu hay hình khỏa thân bị phát tán. Hãy tưởng tượng ĐT không báo thức vì hết pin, hay là bạn quên sạc nó tối hôm trước và những hệ lụy kéo theo là bạn không thể nghe nhạc, xem phim, chơi games trên đường đi đến chỗ làm.

Một khảo sát nhỏ với những người ở tuổi đôi mươi xem họ nghĩ gì khi thấy ĐT báo sắp hết pin, thật bất ngờ, đa phần câu trả lời mô tả cảm giác... nhợt nhạt như sắp chết. Không chỉ phát điên khi ĐT của họ sắp hết pin, họ còn cảm thấy bực bội nếu thấy điều này xảy ra với người khác: “Mỗi khi nhìn thấy vạch báo đỏ trên màn hình ĐT, dù của người lạ, là tôi cảm thấy bứt rứt”, hay “Hồi trước tôi rất khó chịu khi không có ĐT bên mình, bây giờ tôi cảm thấy lo lắng khi không có phương tiện để sạc” là những câu trả lời chiếm đa số trong kết quả khảo sát.

Từ bao giờ, người ta trở nên bứt rứt vì điện thoại sắp hết pin? - Ảnh: golfgpsapp.com

Từ bao giờ con người bị ám ảnh vì những cục pin ĐT? TS George Fieldman, nhà tâm lý xã hội học ở London nói: “Ngày xưa mỗi khi đi nước ngoài, tôi xếp hàng nửa tiếng để chờ tổng đài nối ĐT về nhà. Bây giờ, người ta quá phụ thuộc vào các thiết bị điện tử. Chúng ta như những “con thú xã hội”, kết nối nhau bằng các thiết bị này, và một khi chúng bị lấy đi, chúng ta mất thăng bằng”.

“Trừ những người làm trong các lĩnh vực cần liên hệ khẩn, cần liên lạc với nhau thường xuyên, đa số chúng ta không cần phải như thế. Cách chữa trị cần thiết cho chứng lo âu này là hãy đối diện với nó. Nếu tôi lo lắng khi không có ĐT, hãy chia tay với nó trong khoảng thời gian nhất định. Ban đầu, có thể tôi rất bứt rứt, nhưng dần dần cảm giác này sẽ mất đi. Hãy tin tôi, đây là điều tốt cho bạn” - TS Fieldman khuyến cáo.

Nhưng, mọi việc không đơn giản như thế. David McClelland là một chuyên gia kỹ thuật, ông nghĩ đến các cách thức giao tiếp trong xã hội tương lai. Apple đã cho ra đời Apple Watch và Apple Pay, chỉ cần một cái chạm vào máy, bạn đã trả tiền khi mua hàng, qua cổng vào trạm xe lửa hay lên xe buýt. Việc gì sẽ xảy ra nếu ĐT của bạn hết pin khi bạn đang ngồi trên xe lửa hay xe buýt? Năm ngoái, Starbucks nhanh nhạy nhìn thấy vấn đề và cho phép khách hàng có thể sạc pin miễn phí tại các cửa hàng ở Mỹ. Tại Pháp cũng có các trạm sạc pin ở các trạm dừng xe buýt.

Càng nhìn điện thoại nhiều, bạn càng ít liên kết với mọi người xung quanh - Ảnh: www.tescoliving.com

Có thể một ngày nào đó trong tương lai, chúng ta nhìn lại thời điểm này và cảm thấy buồn cười. Năm ngoái, Viện Khoa học kỹ thuật Massachusetts (Hoa Kỳ) thông báo, họ đã phát minh thiết bị sạc ĐT lấy năng lượng từ nguồn nhiệt rất thấp, có nghĩa bạn có thể sạc pin khi để chúng trong túi quần áo.

Lúc ấy sẽ thế nào nhỉ? Bạn chẳng còn có thể giả vờ cắt ngang cuộc điện đàm bằng cách: “Xin lỗi nhé, ĐT của tôi sắp hết pin”. Lúc đó, bạn sẽ hối tiếc vì có thể kết nối liên tục 24/7. TS Fieldman kết luận: “Bao nhiêu lần bạn thấy người ta chau mày nhìn vào ĐT? Bạn tự hỏi họ có bao nhiêu niềm vui từ nó? Càng nhìn ĐT nhiều, bạn càng ít liên kết với mọi người xung quanh. Bạn sống trong đám bong bóng xà phòng, khi chúng vỡ tan, điều gì sẽ xảy ra?”.

Theo Phan Quỳnh Dao - Phụ nữ TP.HCM

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]