Nói “lần này” là bởi hồi tháng 3.2013, cậu kể với báo chí là “mất ăn mất ngủ, khóc đến sáng vì uất ức” khi cậu bị tình nghi trộm cắp tiền bạc, điện thoại của một người dân.

Chắc không cần phải nói thêm về Hào Anh, cậu bé, vào năm 14 tuổi đã bị ông bà chủ trại tôm Minh Đức bạo hành bằng những hình thức tưởng là chỉ có ở thời trung cổ. 

Một cậu bé, rời trại tôm địa ngục, nhưng lại vào Trung tâm bảo trợ xã hội thay vì…về nhà.
Một cậu bé, vào năm 18 tuổi “xây nhà tặng mẹ” và cũng ngay sau đó “đá vỡ cây quạt, chửi mẹ ruột và tống cổ cha mẹ ra khỏi nhà”.

Và một cậu bé “một ngày thành tỷ phú” với đồng lương bốc vác công nhật nhưng mua xe máy, điện thoại xịn, tặng bạn gái quà quý giá, và tiêu hết rất nhanh mấy trăm triệu mà các nhà hảo tâm quyên tặng.

Cái ngày hôm nay, thật ra, chỉ là cái quả của ngày hôm qua, cho dù rằng một hạt cỏ hoang không được chăm bẵm giáo dục không thể trở thành một cái cây đơm hoa kết trái.

Hôm nay, tôi muốn nhắc lại câu hỏi mà rất nhiều người đã đặt ra khi Hào Anh bước ra khỏi trại tôm 5 năm trước: Vậy thì cha mẹ cậu bé đã ở đâu?

Một người mẹ tốt thì đã không thiếu quan tâm đến mức không biết con mình bị bạo hành bao ngày tháng.

Một người mẹ có lương tâm thì đã đón con về nhà thay vì giao phó cho trại bảo trợ xã hội.

Các bạn có thể viện dẫn những hoàn cảnh riêng, những nỗi khổ tâm riêng. Nhưng chẳng có người mẹ có lương tâm nào mà lại bỏ hoang đứa con dứt ruột đẻ ra vì “hoàn cảnh riêng” vì “nỗi khổ tâm riêng”.

Hồi đầu năm nay, Giáo hoàng Francis đã lặng người khi một bé gái bị bỏ rơi hỏi ông rằng: Trẻ em không có tội. Nhưng tại sao điều đó lại xảy ra với chúng con?

Giáo hoàng, hôm ấy đã bỏ bài diễn văn tiếng Anh được chuẩn bị sẵn để nói bằng tiếng mẹ đẻ, có câu: Mỗi người trong số chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng liệu ta đã học cách khóc như thế nào chưa! Chúng ta sẽ khóc như thế nào khi nhìn thấy một đứa trẻ bị bỏ đói, một đứa trẻ dùng ma túy trên đường, một đứa trẻ vô gia cư, một đứa trẻ bị bỏ rơi, một đứa trẻ bị lạm dụng, một đứa trẻ bị biến thành nô lệ”.

Phải chăng là để không phải khóc trước những Hào Anh, chúng ta cần học cách khóc trước những đứa con mình. Hình như cái bi kịch nhất của những đứa trẻ không phải là việc một mình cầu bơ cầu bất gầm cầu xó chợ hay…trại tôm, mà là việc chúng bị bỏ rơi ngay trong chính gia đình mình!