Viêm mũi dị ứng và hen suyễn đều là bệnh dị ứng nhưng ảnh hưởng trên các cơ quan khác nhau.

Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị kịp thời và đúng theo y lệnh, nhiều khả năng sẽ gây ra các biến chứng nhiễm trùng đường hô hấp như: viêm xoang, viêm phổi…

Đối với hen suyễn, nếu không quan tâm điều trị đúng mức, về lâu dài có thể dẫn đến nhiễm trùng hô hấp hoặc gây áp lực lên hệ thống tim mạch dẫn đến suy tim, gọi là “tâm phế mạn”. Đặc biệt, ở trẻ em có thể dẫn đến chậm phát triển thể chất.

Viêm mũi dị ứng và hen suyễn đều là bệnh dị ứng nhưng ảnh hưởng trên các cơ quan khác nhau với cấp độ khác nhau.

Viêm mũi dị ứng tác động tập trung ở mũi. Hen suyễn tác động đến toàn thân, biểu hiện dễ thấy nhất là ở hệ thống phế quản phổi.

Nguyên nhân đến từ đâu?

Những tác nhân gây dị ứng đều có thể kích phát hơn hen phế quản.

Một bệnh nhân khi bị viêm mũi dị ứng thì cơ thể vốn có sẵn độ nhạy cảm với các kích thích khởi phát cơn hen cao hơn người bình thường.

Nguyên nhân khởi phát dị ứng có thể do yếu tố ngoại sinh như: thời tiết lạnh, khói bụi, phấn hoa, lông súc vật… hoặc có thể là yếu tố nội sinh như: từ một viêm nhiễm ở đường hô hấp.

Phụ nữ đến chu kì kinh nguyệt cũng có thể khởi phát cơn hen phế quản.

Người bị viêm mũi dị ứng thường xuyên hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.

Những dấu hiệu báo bệnh

Có thể dựa trên dấu hiệu để nhận biết hai bệnh này:

Viêm mũi dị ứng:

Thường xuyên hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.

Dịch tiết ở mũi nhiều và trong suốt, có thể kèm theo ngứa mắt hoặc ngứa trong tai.

Hen suyễn:

Khó thở do phế quản bị co thắt (dù bệnh nhân vẫn hít thở tốt nhưng không khí không qua được phế quản hoặc rất ít).

Nghe phổi sẽ thấy có âm thanh đặc trưng khi không khí đi qua phế quản bị co thắt.

Đừng quên biện pháp phòng ngừa

Để hạn chế khởi phát viêm mũi dị ứng hay hen suyễn thì cần lưu ý những điều sau:

Xác định được tác nhân nào gây dị ứng để tránh tiếp xúc với tác nhân đó. Y học hiện đại có những bài kiểm tra có thể giúp tìm ra yếu tố nào trong môi trường xung quanh là tác nhân gây bệnh.

Nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể bằng chế độ ăn uống lành mạnh.

Giữ nơi ở và nơi làm việc luôn khô ráo, sạch sẽ. Thường xuyên vệ sinh máy lạnh.

Vệ sinh đường hô hấp bằng các dung dịch rửa mũi.

Duy trì chế độ vận động cơ thể phù hợp.

Khi vừa khởi phát bệnh nên đến gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị cắt cơn, tránh để kéo dài vì có thể gây ra những biến chứng khác.

BS.Phan Quốc Bảo.

(Khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Đại học Y dược Cơ sở II)