Bán thịt và hải sản phải có chứng nhận an toàn thực phẩm

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt, sữa, trứng và các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu này, thủy sản tươi sống hay đã qua chế biến đều phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là một quy định mới của Bộ Y tế.

0

Người bán đồ ăn sẵn phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ảnh: Anh Tuấn.

Bộ Y tế cho biết sẽ tổ chức cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh 10 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao. Ngoài các thực phẩm kể trên, các nhóm này còn bao gồm: kem, nước đá, nước khoáng thiên nhiên; thực phẩm chức năng, bổ sung hay tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm; thức ăn, đồ uống chế biến để ăn ngay; thực phẩm đông lạnh; sữa đậu nành và sản phẩm chế biến từ đậu nành; các loại rau, củ, quả tươi sống ăn ngay.

Ông Hoàng Thuỷ Tiến, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, cơ quan này sẽ đảm nhiệm việc thẩm định và cấp chứng nhận đối với các mặt hàng thực phẩm chức năng, bổ sung, tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia và nước khoáng. Với các nhóm hàng khác sẽ do sở y tế, trung tâm y tế dự phòng tỉnh hoặc UBND huyện, xã cấp chứng nhận, tuỳ theo quy mô. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện 2-4 lần mỗi năm.

Bộ Y tế cho rằng, với quy định trên, độ an toàn của thực phẩm trên thị trường sẽ được bảo đảm tốt hơn. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại nghi ngờ về điều này. Bà Mai Thơm, sống ở khu tập thể 8/3 (quận Hoàng Mai), cho rằng việc thẩm định trước khi cấp giấy chứng nhận và sau đó thỉnh thoảng kiểm tra không thể ngăn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm. Chẳng hạn, không ai có thể theo sát một chủ hàng rau để biết chị ta nhập hàng ở đâu, và nếu biết chị ta mua rau ở chợ nào thì cũng khó truy nguồn gốc ban đầu của nó. Với các loại trứng, thịt gia cầm, hải sản cũng vậy.

Còn ông Thành, cán bộ về hưu ở phố Liễu Giai nói thẳng: "Hoa quả tươi nhập khẩu và cả rau củ quả trong nước hầu như không được kiểm định, chúng có thể chứa nhiều chất bảo quản độc hại, kim loại nặng. Nếu không kiểm soát được điều này thì việc cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở bán hàng sẽ chẳng bảo vệ được người tiêu dùng".

Để giải toả những lo lắng này, ông Hoàng Thuỷ Tiến cho rằng cần có thời gian. Phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành để quy hoạch lại cả một hệ thống sản xuất và cung cấp thực phẩm, với rất nhiều khâu. Trong đó, từ đầu tiên đến cuối cùng đều phải được kiểm soát. Trong tương lai, mọi sản phẩm thực phẩm khi lưu hành đều phải đóng gói ghi rõ xuất xứ, mã số mã vạch. Tuy nhiên, điều này không thể làm ngay một sớm một chiều.

Một điều nữa làm người tiêu dùng không yên tâm, đó là tình trạng bán rong thực phẩm, rất phổ biến ở các chợ, các khu dân cư. Để phục vụ các bà nội trợ bận con cái, không có thời gian ra chợ, nhiều người gánh rau quả, trứng... len lỏi qua các ngõ ngách, vào tận nhà. Ở một số khu dân cư còn có hàng thịt lợn bán rong bằng xe đạp. Ông Hoàng Thủy Tiến thừa nhận, quy định kể trên của Bộ Y tế chưa thể "đụng" được đến lực lượng này. Việc thẩm định để chứng nhận đủ tiêu chuẩn chỉ áp dụng được cho những cơ sở có chỗ kinh doanh ổn định.

Hải Hà

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]