Sáng nay (12.1), bác sĩ  Phan Đức Minh Mẫn, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cho biết, dù đã cắt lọc cầm máu để giữ mỏm cụt, nhưng vết thương nơi mỏm cụt rất bẩn, nhiều vi khuẩn vì do xúc vật cắn và bị dập nên tình trạng vết thương ở mỏm cụt là rất xấu, mõm cụt bị rỉ dịch khá nhiều, khả năng nhiễm trùng rất cao.

“Nếu tình trạng nhiễm trùng không kiểm soát được rất dễ gây ra tử vong cho bé. Các bác sĩ đang đánh mạnh kháng sinh để hy vọng có thể giữ mỏm cụt ở mức đó, nếu không phải tiếp tục cắt cụt thêm nữa”, bác sĩ Mẫn nói.

Cũng theo bác sĩ Mẫn, hiện bé D. đang sốt cao, da sưng. Việc tiên lượng tình trạng sức khỏe của bé trai này là rất xấu. Đặc biệt, những biến chứng có thể xảy ra ở mõm cụt, nhất là mỏm cụt có thể bị teo, không còn chức năng và trồi xương phát triển đâm ra khiến bé sẽ rất đau đớn, khó mang tay giả sau này.

Cũng trong sáng nay, người nhà của bệnh nhân từ chối, không tiếp xúc với bất cứ ai  và cũng không cho quay phim, chụp ảnh về cháu bé. Các phóng viên chỉ nắm thông tin về sức khỏe của bé trai này qua các bác sĩ  Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình.

Trước đó, sáng 11.11, bé D. được chuyển từ Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình trong tình trạng đứt lìa cánh tay phải và bị sốc, vật vã đau đớn. Vết cắn của gấu ngay đoạn 1/3 giữa cánh tay phải của bé D.

Phần đứt  lìa của cánh tay phải bị gấu cắn dập nát, các bác sĩ không thể phẫu thuật để nối lại. Trong khi đó mỏm cụt cũng bị dập nát do gấu giằng xé.

“Trong tình trạng này, nếu nối lại cánh tay phải cho bé D. là không đảm bảo an toàn. Nếu nối sẽ xảy ra tình trạng xấu hơn cho bệnh nhân, các bác sĩ quyết định chỉ cắt lọc để bảo vệ mỏm cụt”, bác sĩ Mẫn nói.

Qua khai thác bệnh sử, trước đó, bé D. đã dùng tay vỗ lên con gấu nuôi ở nhà, trong lúc gấu đang đói nên đã phán ứng mạnh cắn vào cánh tay phải của bé D. gây đứt lìa cánh tay này.

Theo bác sĩ Mẫn, thời gian gần đây, bệnh viện cũng tiếp nhận khá nhiều những trường hợp bị xúc vật cắn, nhất là chó cắn, nhưng chủ yếu chỉ rách da, rách phần mềm, còn đứt lìa như trường hợp của bé D.rất hiếm gặp.

Thường những vết thương do xúc vật cắn, khả năng nhiễm trùng rất cao nên việc nối lại có tỷ lệ thành công không cao.

Những trường hợp đứt lìa bàn tay, cẳng tay, nếu gọn thì có thể  cố gắng cắt lọc thật kỹ để nối lại; nhưng với ngón tay việc nối lại là rất khó khăn, thời gian kéo dài. Do đó, việc đứt lìa những ngón tay thường không nối, vì dễ xảy ra nhiễm trùng.
>> CẬP NHẬT: 
>>
>>

Hồ Quang