Bị chẩn đoán ung thư nhưng thực chất chỉ nhiễm sán

(SKGĐ) Không ít người bị bệnh viện trả về vì được chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối. Nhưng thực chất họ lại bị bệnh sán lá gan do ăn uống mất vệ sinh.

15.6019

Hao sức tốn của vì nhầm

PGS. TS Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trng trường ĐH. Y Hà Nội cho biết, có rất nhiều trường hợp bệnh nhân được cho là mắc bệnh nặng, hết thuốc chữa, nhưng khi có kết quả xét nghiệm ký sinh trùng thì họ chỉ cần một liều thuốc là khỏi hoàn toàn triệu chứng. Đó là trường hợp của anh Trần Văn T. 36 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội. Anh đi viện với lý do ho ra máu, gầy sút nhanh. Kết quả chụp phổi cho thấy anh có u ở thùy dưới phổi phải, hạch rốn phổi to và được chẩn đoánung thư phổi. Nhưng sau khi bệnh nhân được mổ cắt thùy phổi có khối u kết quả phân tích khối u lại cho thấy không phải ung thư mà là do sán lá gan lớn gây nên.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Khuyên, 48 tuổi, Động Liêu, Hồng Lĩnh cũng được một bệnh viện ở chẩn đoán là ung thư gan giai đoạn cuối, khối u 12cm, không thể điều trị... Bà cũng nghe mọi người mách bảo lặn lội lên tận Hòa Bình cắt thuốc nam để uống với hy vọng còn nước còn tát. Nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Gia đình chuẩn bị lo chuyện hậu sự cho bà thì được một người quen khuyên ra Hà Nội làm xét nghiệm lại. Kết quả thật bất ngờ, khối ung thư gan của bà chính là tổ của những con sán lá gan lớn. Vậy là từ việc phải điều trị ung thư, bà chỉ cần điều trị sán.

Tiến sỹ Đề cho biết, sán lá gan không phải là một bệnh mới, song hầu hết bệnh nhân đều được chẩn đoán nhầm là ung thư gan hoặc áp xe gan... Chính vì thế nhiều trường hợp điều trị bệnh sai hướng. Nhiều bệnh nhân được điều trị như điều trị ung thư (phẫu thuật cắt bỏ, truyền hóa chất, xạ trị…) dẫn đến suy sụp sức khỏe, tinh thần và tiêu tốn tài sản. Khi đã chẩn đoán đúng bệnh thì bệnh nhân chỉ cần điều trị bằng thuốc trị sán.

Rau là nguồn bệnh chính

Tiến sỹ Đề cho biết sán lá gan ký sinh chủ yếu ở động vật ăn cỏ như trâu bò, cừu, dê… Khi người sử dụng những loại thịt không đảm vệ sinh sẽ dẫn tới nhiễm bệnh. Nhưng tiến sỹ Đề nhấn mạnh chủ yếu người dân bị bệnh này là do ăn rau sống. Ấu trùng sán lá gan lớn xâm nhập vào các loại rau thủy sinh (rau trồng dưới nước) như ngổ, rau cải xoong, rau muống nước, rau cần... Ấu trùng này thường bám vào cọng lá nên rửa hay ngâm nước muối đều không sạch. Sán và ấu trùng sán chỉ chết khi được nấu ở nhiệt độ cao. Vì vậy để tránh được bệnh, tránh việc tốn của vì nhầm như trên thì tiến sỹ Đề khuyên mọi người không nên ăn rau sống, nhất là rau thủy sinh.

Bạn có biết

- Hiện bệnh sán lá gan đang lưu hành trên toàn quốc với trên 20.000 bệnh nhân ở ít nhất 52 tỉnh, thành phố.

- Sán lá gan có thể tồn tại ở cơ thể người từ 9–14 năm. Chúng có thể di chuyển ra tuyến vú, thành ngực, khớp gối, mật, tinh hoàn…

Hà Linh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]