Bị dị ứng: Đến viện càng sớm càng tốt

Giadinh.net - Khoa Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội thời gian gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị dị ứng. Đa số được chữa trị kịp thời, nhưng một số bệnh nhân bị di chứng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, khó khăn trong điều trị.

15.5986
>
>
 
Dị ứng không xảy ra đại trà

PGS. TS Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng bộ môn Dị ứng, Đại học Y Hà Nội và bác sĩ Chu Chí Hiếu, Trưởng phòng Dị nguyên, khoa Dị ứng- MDLS, Bệnh viện Bạch Mai là những người đã trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân dị ứng tại khoa này, cho biết: Bệnh nhân bị dị ứng thức ăn đều có biểu hiện tức ngực, khó thở, mày đay, phù mạch... chỉ 15 - 30 phút ngay sau khi ăn, uống. Để tìm nguyên nhân, bệnh nhân được làm các test lẩy da với mẫu thực phẩm mà họ đã dùng và test IgE đặc hiệu.

Bác sĩ Chu Chí Hiếu.

Theo bác sĩ Chu Chí Hiếu, dị ứng là một thể bệnh đặc biệt xảy ra với từng cá thể bệnh nhân trong những điều kiện cụ thể. Không có cứ liệu khoa học nào cho thấy dị ứng nói chung và dị ứng với thức ăn xảy ra đại trà. Ví dụ, có trẻ bị dị ứng khi ăn trứng, trong khi những trẻ khác thì không. Lại có trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi cứ ăn trứng là bị dị ứng, nhưng sau 5 tuổi lại không bị nữa. Ngược lại, có thể đến một độ tuổi nào đó trong cuộc đời, vẫn người này lại bị dị ứng với trứng.

Trường hợp dị ứng với sữa bò cũng vậy, có thể người này bị dị ứng, nhưng người khác thì không, lúc này bị, lúc khác thì không. Có rất nhiều yếu tố dẫn tới dị ứng. Các yếu tố này có thể đơn lẻ gây dị ứng hoặc phải kết hợp với nhau trong các điều kiện nhất định mới gây ra dị ứng.

Có sự nhầm lẫn giữa dị ứng và ngộ độc

Hiện tại, có một sự nhầm lẫn giữa ngộ độc và dị ứng trong cách hiểu của người dân. Việc này có thể dẫn tới một số hậu quả không mong muốn do người bệnh được áp dụng các biện pháp sơ cứu không phù hợp.
 

PGS. TS Nguyễn Văn Đoàn.

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn cho biết dị ứng và ngộ độc thực phẩm là khác nhau. Dị ứng xảy ra với từng cá thể riêng biệt, còn ngộ độc thì thường xảy ra với một nhóm nếu cùng sử dụng một loại thực phẩm, thuốc, hoặc cư trú, làm việc trong cùng một môi trường bị nhiễm độc...
 
Các triệu chứng lâm sàng của hai thể bệnh này cũng khác nhau và các bác sĩ có thể sơ bộ chẩn đoán ngay từ đầu mà chưa cần thực hiện các xét nghiệm. Ngộ độc thường có các biểu hiện lâm sàng ở đường tiêu hóa (đau bụng, nôn mửa...), thần kinh (hoa mắt, chóng mặt...) và thông thường có cả hai loại triệu chứng trên.
 
Còn dị ứng thì các biểu hiện dễ thấy nhất là trên da như mề đay, mẩn đỏ, phù nề, có thể có các triệu chứng suy giảm hô hấp nhưng hiếm gặp. Ngộ độc là do độc chất, nên dù người khỏe mạnh cũng có thể mắc phải và thường số đông người cùng mắc. Dị ứng chỉ xảy ra với cá thể riêng biệt và nhất là với người có sẵn cơ địa dị ứng.

Biểu hiện lâm sàng của dị ứng rất đa dạng. Theo bác sĩ Hiếu, có thể biểu hiện toàn thân như sốc phản vệ (rất dễ tử vong). Hoặc chỉ biểu hiện như mày đay, viêm da atopy, hô hấp, viêm mũi, nôn, táo bón, ỉa chảy, rối loạn hấp thu, trào ngược dạ dầy thực quản... Khi bị dị ứng, cần đưa ngay bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được điều trị. Mặc dù dị ứng không phải là ngộ độc, nhưng nếu không được xử lý nhanh sẽ để lại hậu quả xấu cho sức khoẻ.

Nguyệt Minh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]