Bí quyết để thành công

Các tổng giám đốc vẫn thường cảm thấy bị áp lực phải tái tổ chức công ty. Trên thực tế, gần phân nửa số giám đốc điều hành (CEO) tiến hành tái tổ chức công ty trong hai năm đầu tiên sau khi nhậm chức.

0

Thậm chí, trong thời gian gần đây, hoạt động này dường như đang tăng tốc với những tuyên bố liên tiếp về việc đại tu bộ máy của các đại gia như Hewlett-Packard, Nokia và Catepilla.

Điều quan trọng trong kế hoạch tái tổ chức đầy tham vọng này phản ảnh chu kỳ kinh tế. Hiện nay, trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các công ty đang chăm chú theo dõi “sức khỏe” của mình và việc hồi phục hoàn toàn dường như cần có liều thuốc mạnh. Việc thay đổi cấu trúc tổ chức có thể là cách hữu hiệu nhằm điều chỉnh toàn bộ hoạt động để vận hành tốt hơn.

Bài toán không đơn giản

Trên thực tế, tái tổ chức công ty là việc đầu tư đầy rủi ro về thời gian, công sức, tài nguyên và thậm chí nhiều khi không hiệu quả. Trong ba năm trước khi phá sản, hãng xe hơi Chrysler đã ba lần tái tổ chức cấu trúc và cuối cùng đành phải ngậm ngùi kết hợp với hãng Fiat.

Theo nghiên cứu gần đây về 57 trường hợp tái cấu trúc tổ chức lớn do Hãng Cố vấn chiến lược và Kinh doanh toàn cầu Bain & Company tiến hành, chưa đầy 1/3 số trường hợp thành công và hơn 2/3 trường hợp còn lại thất bại hoàn toàn.

Tái tổ chức công ty không chỉ đơn thuần là cải tổ nhân sự trên bảng sơ đồ tổ chức công ty. Đó chính là việc cải tổ khả năng của công ty để có thể đưa ra được những quyết định quan trọng nhất, để nhân viên có thể có những quyết định tốt hơn cùng với khả năng quyết định nhanh chóng. Việc cải tổ cũng làm gia tăng lợi nhuận hay các quyết định mang lại hiệu quả.

Trường hợp của ABB

Tuy ABB là một hãng lớn về tự động hóa và kỹ thuật điện của Thụy Sĩ, nhưng họ đã tiến tới bờ vực phá sản cuối năm 2002. Nguyên nhân là do ABB có nhiều đơn vị khác nhau và mỗi đơn vị đều có động cơ và mục tiêu lợi nhuận khác nhau. Chính vì vậy, các quyết định dự thầu cho những dự án lớn liên quan tới nhiều đơn vị thường bị trì hoãn và dẫn tới thất bại trong việc cạnh tranh.

Khi nhậm chức, vị CEO mới của ABB là Jurgen Dormann đã phân tích những thất bại trong việc ra quyết định, và bằng cách củng cố và tập trung vào nguyên nhân lời lỗ, Dormann nghiên cứu tình trạng chồng chéo giữa các đơn vị. Việc tái tổ chức thành công và ABB đã phục hồi được khả năng dự thầu nhanh chóng, đồng thời cạnh tranh mạnh mẽ.

Dormann và những cộng sự đã hiểu được mục đích của cấu trúc tổ chức mới là nhằm để trợ giúp và làm trơn tru quá trình đưa ra quyết định, cũng như thấy được những vấn đề khác đều có tầm quan trọng như nhau.

Tại sao các quyết định cần phải tập trung? Hoạt động của tổ chức thật ra chính là tổng số quyết định do tổ chức đưa ra và thực thi. Sơ đồ tổ chức mới sẽ không thể làm được gì nhiều trừ phi nó dẫn tới những quyết định và việc thực thi nhanh hơn và tốt hơn.

Trường hợp của Yahoo! và Ford

Trong vài năm gần đây, hãng về dịch vụ internet là Yahoo! đã tái tổ chức thành ba đơn vị là độc giả, những nhà quảng cáo - xuất bản và kỹ thuật.

Tuy nhiên, những quyết định quan trọng bị sa lầy và những quản trị viên hàng đầu của Yahoo! bị mệt mỏi vì phải tạo ra những vai trò và chức danh mới tương ứng với ba đơn vị mới này. Thực tế, việc phát triển sản phẩm của họ bị đình trệ và chi phí gia tăng.

Chúng ta hãy so sánh cách thức tái tổ chức công ty gần đây của Ford dưới “triều đại” của Alan Mulally. Trước đó, Mulally đã vạch ra bản giản đồ mô tả những quyết định chính cần tiến hành ở mỗi giai đoạn của chuỗi hoạt động (value chain) của Ford cùng với cơ sở hạ tầng cần thiết để thi hành chúng hữu hiệu.

Hằng tuần, Mulally và các cộng sự theo dõi tiến bộ trong việc đưa ra và thực thi những quyết định. Họ loại bỏ những thương hiệu không hiệu quả như Aston Martin, Jaguar, Land Rover và Volvo, giảm số dây chuyền sản xuất, củng cố cả về nhà cung cấp và bán lẻ...

Cùng với cách quyết định tái tổ chức công ty, Ford đã thay đổi từ cấu trúc dựa trên những đơn vị kinh doanh khu vực sang thành hệ thống toàn cầu về chức năng và địa lý.

Cấu trúc mới này cho phép nhóm quản trị viên cao cấp của Ford có thể đưa ra những quyết định then chốt tốt hơn và nhanh hơn, chẳng hạn, tạo nên những nền tảng (platform) xe hơi toàn cầu vốn đang gặp khó khăn với cấu trúc cũ.

Dĩ nhiên, Ford vẫn còn đối mặt với những thách thức, nhưng cho tới nay, cách tiếp cận của Mulally đã giúp Ford vượt qua cơn đại hồng thủy đang quét qua nền công nghiệp xe hơi toàn cầu và giúp Ford trở nên mạnh mẽ hơn so với các đối thủ Mỹ khác.

Nền kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng. Điều đó có nghĩa là nhiều công ty vẫn phải tái tổ chức cấu trúc trong những tháng tới. Những công ty thành công trong những quyết định then chốt sẽ trở nên mạnh mẽ hơn những công ty chỉ cải tổ nhân sự về mặt hình thức trên sơ đồ tổ chức của mình.

HOÀNG HUY (Theo Forbes)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]