1. Yêu thích những gì bạn làm
Hầu hết những nỗ lực của Abraham Lincoln đều thất bại cho đến khi ông trở thành tổng thống. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ bỏ cuộc. Sự đam mê chính là chìa khóa trong kinh doanh. Thiếu đam mê và sự quyết tâm sẽ khiến cho những nỗ lực, cố gắng trở nên vô nghĩa. Sự kiên trì chính là nhân tố đảm bảo vượt qua mọi khó khăn.
2. Tiến hành từng bước một
Không nên để tất cả trứng vào cùng một rổ. Có những người đã thành công sau khi đầu tư tất cả những gì mình có chỉ sau 6 tháng hoặc vài năm. Tuy nhiên, đó là những trường hợp cực kỳ hiếm. Quản trị rủi ro là cần thiết đối với những người mới bắt đầu khởi nghiệp. Bạn sẽ dễ chấp nhận thiệt hại, thất bại hơn nếu như bạn đã biết đến từng rủi ro nhỏ ngay từ khi bắt đầu.
3. Học hỏi từ những người đi trước
|
Có rất nhiều bí quyết để là doanh nhân thành công nhưng trước tiên, bạn cần tin tưởng vào chính bản thân mình.
|
Các doanh nhân thành đạt thường làm việc cho người khác trước khi tách ra riêng. Dành vài năm dưới sự hướng dẫn của người cố vấn xuất sắc sẽ tạo cho bạn một bệ phóng tốt. Học hỏi từ những sai lầm những người đi trước và tìm cách cải tiến mô hình của họ. Hãy tìm một người nào đó sẵn sàng chỉ dạy cho bạn và bắt đầu suy nghĩ về việc khởi nghiệp của bạn trước khi rời đi.
4. Tìm hiểu cách tự quảng bá
Sự tự tin và một bài giới thiệu ngắn gọn, súc tích, chu đáo về công ty của bạn có thể tạo nên bước tiến trong kinh doanh. Bản thân người sáng lập công ty chính là công cụ tiếp thị đầu tiên vì vậy hãy học cách chia sẻ tầm nhìn của bạn nhưng đừng khiến nó giống như một lời rao hàng. Hãy nhớ: Khách hàng luôn là trọng tâm.
5. Không ngừng hành động
Doanh nhân là những người tiên phong, năng động và có sức ảnh hưởng. Họ không có nhiều thời gian để phân tích từng chi tiết cũng như đi bất cứ nơi đâu. Với một người mới khởi nghiệp, công việc luôn diễn ra liên tục 24/7, không có bất kỳ kỳ nghỉ lễ hay ngày nghỉ ốm nào. Hãy đánh giá ngắn gọn từng bước đi của bạn và tập trung thúc đẩy nó theo hướng tích cực. Và đừng quên tin tưởng vào bản năng của bạn.
6. Lên kế hoạch
Tìm hiểu về doanh nghiệp đã tiến hành kinh doanh thành công. Bạn luôn có thể tìm thấy kiến thức hữu ích từ những câu chuyện thành công của Steve Jobs và các cá nhân từ Shark Tank. Một kế hoạch kinh doanh thành công không nhất thiết phải dài như một cuốn sách, thậm chí nó có thể chỉ gói gọn trong 10 trang nhưng phải có đầy đủ những thông tin cần thiết để bắt đầu.
7. Tạo lập uy tín
Theo Brandi Bennett của trang HostGator.com, duy trì blog trên một trang web uy tín, hoặc tự nguyện dành thời gian và kỹ năng của bạn, thể hiện bằng hành động thay vì lời nói sẽ giúp nâng cao chuyên môn và xây dựng sự tin tưởng.
8. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu.
Nhiều doanh nhân bắt đầu sự nghiệp của mình khá muộn như JK Rowling (tác giả Harry Potter), Julia Child (đầu bếp), và Sam Walton (Wal-Mart). Tuổi tác đi kèm với kinh nghiệm có thể cung cấp cho bạn một cái nhìn độc đáo về việc kinh doanh. Kinh nghiệm cuộc sống mang lại cái nhìn có chiều sâu mà hầu hết những người trẻ, theo bản năng của mình, ít có khả năng nhìn thấy trước.
9. Xây dựng đội ngũ ưu tú
Việc tìm cho mình những người cộng sự có kỹ năng và thái độ tốt, hỗ trợ xây dựng văn hóa thương hiệu sẽ thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao uy tín của bạn. Đó không nhất thiết phải là người ở trong nội bộ công ty, chỉ cần có thể tin tưởng được .
10. Hãy chú ý đến thái độ của bạn.
Thái độ của người sáng lập sẽ tạo nên phong thái chung cho doanh nghiệp. Sự tiêu cực, lười biếng sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc và làm hoen ố danh tiếng của bạn. Trước khi thành công, bạn có thể sẽ mắc khá nhiều sai lầm. Việc chấp nhận và đối mặt với những sai lầm, thách thức đó sẽ biến một chủ doanh nghiệp đơn thuần trở thành người lãnh đạo.
Việc kinh doanh có thể sẽ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của bạn. Vì vậy đừng quên chăm sóc tinh thần và thể chất. Tập thể dục, ngủ đủ giấc và chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp những gợi ý trên đây phát huy tác dụng của chúng .
Những CEO thành công thường tuân theo một lịch trình cố định hàng ngày bao gồm dậy sớm, tập thể dục, luôn có thức ăn nhẹ để tiếp năng lượng và gặp gỡ, giao lưu với bạn bè vào các buổi tối trong tuần. Để đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống có thể cần một khoảng thời gian, tuy nhiên nếu coi những gợi ý trên đây là mục tiêu để bắt đầu công ty, rất có thể bạn sẽ tạo ra sự khác biệt với các đối thủ của mình.
Ngọc Anh (Theo Entrepreneur)