7 bí quyết để thành công trong mọi việc

Phải chăng những người luôn thành công trong mọi việc là nhờ may mắn? Điều đó không đúng bởi may mắn chỉ chiếm một phần rất nhỏ, những người gây dựng được một cuộc sống thành công và hạnh phúc đến từ mọi tầng lớp, hoàn cảnh và thậm chí bắt đầu với 2 bàn tay trắng. Bởi lẽ họ đã nắm được những bí quyết cơ bản để đạt được thành công trong mọi việc.

15.579
 
1. Đừng dao động
 
Nếu bạn muốn có điều gì thì phải nỗ lực đạt được nó. Bạn không cần phải hy sinh tất cả mọi thứ (đôi khi thì có) nhưng bạn phải đưa ra một quyết định vững vàng để hành động. Bạn tuyên bố sẽ bỏ thuốc lá nhưng sẽ chẳng có tác dụng nếu bạn vẫn tiếp tục hút rồi ngồi đó mà nghĩ rằng nếu mình bỏ được thì tốt biết mấy. Hãy bắt tay vào làm gì đó.
 
Bạn phải kiên quyết với bản thân. Sau khi đã xác định được điều mình muốn - và lý do cũng như mức độ bạn mong muốn có được nó - bạn cần quyết định xem mình phải làm gì. Quyết tâm là thứ mà bạn cần. Xét cho cùng, nếu đây chính là điều bạn muốn thì bạn còn chờ gì nữa?
 
Những người luôn đạt được những gì mình muốn thường là những người quyết đoán. Nếu bạn muốn đạt được mục tiêu mà bạn không cần nhờ vả thì bạn phải cực kỳ kiên quyết với bản thân. Không phải ai cũng tự nhiên mà hành động quyết đoán được, nhưng ta có thể học. Hãy cứ dấn thân vào làm, rồi dần dần mọi thứ sẽ càng trở nên dễ dàng hơn.
 
2. Biết mình phải làm gì
 
Vậy bạn định sẽ làm gì để đạt được mục tiêu? Nó không thể tự nhiên xảy ra được. Bạn cần lập một danh sách (có thể dài hoặc ngắn) những điều cần làm để đạt được mục tiêu. Xét cho cùng, nếu bạn không biết chúng là gì làm sao bạn có thể đảm bảo rằng sẽ được thực hiện?
 
Bạn phải đầu tư thì mới có kết quả. Phần lớn công việc có khi chỉ nằm ở tư duy, nếu không bạn sẽ phải mất hàng tháng trời làm việc vất vả. Dù nhìn từ bên ngoài vào là như thế nào thì những điều tốt đẹp cũng không tự nhiên mà rơi xuống đầu ai. Ít nhất là không phải thường xuyên. Nếu bạn muốn có được điều gì thì bạn phải tìm cách đạt được nó, và đây chính là giai đoạn đầu tiên của quá trình này.
 
3. Chia nhỏ mục tiêu lớn
 
Có sự khác biệt lớn giữa mục tiêu mua một chiếc ô tô hạng xoàng và mua một chiếc Rolls Royce hoặc Lamborghini. Đôi khi mong muốn của bạn có thể được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng đối với các tham vọng lớn lao thì bạn không thể nhắm mắt làm bừa mà phải chia chúng thành các bước nhỏ có thể thực hiện được. Điều quan trọng là phải nghiêm túc và suy tính cẩn thận cho từng bước như thể chúng là mục tiêu cuối cùng của bạn chứ không phải là khởi đầu.
 
Hãy chia nhỏ mục tiêu thành các giai đoạn và coi mỗi giai đoạn là một mục tiêu. Nếu không, nó sẽ mãi là một ngọn núi cao chót vót khiến bạn nản chí. Nếu bạn muốn chiếc Lamborghini thì hãy nhắm mục tiêu vào một chiếc xe với giá trị, độ ấn tượng, tốc dộ hay bất cứ thứ gì bạn muốn với mức độ tăng dần trước khi có được chiếc xe mà bạn yêu thích.
 
4. Đặt các điểm mốc
 
Không phải mục tiêu nào cũng đủ lớn để có thể chia nhỏ. Nhưng dù mục tiêu của bạn có lớn hay không thì bạn cũng nên đặt ra các điểm mốc. Đây chưa phải là những thành tựu cụ thể nhưng vẫn là các bước nhỏ dọc đường. Vì vậy, giả sử bạn đang muốn giảm cân, bạn có thể đặt mục tiêu giảm 5 cân trong vòng 6 tháng tới. Nhưng nếu thấy cái đích ấy là quá xa thì bạn hãy đặt một mục tiêu khiêm tốn hơn, từ nay đến cuối tháng giảm được 1 cân chẳng hạn.
 
Điểm mốc không cần phải luôn cụ thể như vậy. Nếu muốn được thăng chức, có thể bạn sẽ cần đạt được một hợp đồng nào đó, làm sao để sếp giao thêm nhiều trách nhiệm cho bạn hơn, tìm cơ hội gây ấn tượng với ban giám đốc bằng một bản báo cáo quan trọng, vượt qua một số chỉ tiêu nhất định… Mỗi việc trong số đó đều là một bước tiến đến mục tiêu của bạn.
 
Điểm mốc quan trọng là vì 2 lý do. Thứ nhất, chúng giúp bạn sắp xếp công việc, nhờ đó bạn có thể triển khai kế hoạch được hiệu quả hơn. Thứ hai, chúng đảm bảo rằng bạn sẽ đi đúng hướng tới cái đích của mình.
 
5. Ăn mừng sau mỗi bước
 
Nếu bạn có thể tập trung hướng về phía trước thì rất tốt, nhưng cũng đừng quên nhìn lại xem mình đã tiến xa được đến đâu. Mỗi lần chạm đến một dấu mốc, bạn cần nhận thức được điều đó, tự hào, ăn mừng và tận hưởng thành công của mình. Dù đó chỉ là một bước ngắn nhưng hãy nghĩ xem, đó đã là một bước gần tới mục tiêu của bạn! Đây là điều đáng để ăn mừng.
 
Hãy nghĩ theo cách này. Nếu bạn đã chia nhỏ mục tiêu thành các bước, rồi lại chia nhỏ các bước đó thành các mục tiêu nhỏ hơn thì hẳn bạn muốn chạm đến các dấu mốc đó. Vì vậy khi bạn làm được tức là bạn đã có được điều mình muốn. Không phải tất cả - không phải mục tiêu cuối cùng - nhưng bạn đã có được tất cả những gì có thể đạt được ở giai đoạn này và đang ở vị thế thuận lợi để chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Vì vậy bạn đã là một người đạt được những gì mình muốn…dù bạn vẫn muốn nhiều hơn thế.
 
Suy nghĩ lạc quan có sức mạnh rất to lớn. Chỉ cần chủ động nhận thức được các thành quả mình đạt được trên con đường dẫn tới mục tiêu là bạn sẽ cảm thấy thành công hơn. Chính nó sẽ khiến các thách thức trong tương lai trở nên dễ dàng hơn. Vì vậy, ăn mừng là rất quan trọng. Bạn có thể ăn mừng công khai hay kín đáo - điều đó không quan trọng, miễn là bạn nhận ra mình đã làm tốt như thế nào.
 
6. Phân tích các trở ngại
 
Không phải mọi việc đều khó khăn hay dễ dàng như nhau. Để dành tiền hàng tuần vào đầu năm là một chuyện, nhưng tiết kiệm trước Tết hay các kỳ nghỉ lại là chuyện khác hẳn. Bạn có thể dễ dàng thuyết phục chị mình tổ chức buổi gặp gia đình, nhưng thuyết phục bố mẹ bạn cùng xuất hiện sau khi ly dị lại là một việc hoàn toàn khác. Đạt chỉ tiêu công việc có vẻ là nhiệm vụ dễ dàng nhưng thuyết trình suôn sẻ lại là một thử thách lớn hơn nhiều.
 
Nếu vượt qua được các khó khăn này thì bạn đã gần về đích rồi. Vì vậy hãy cố gắng suy nghĩ về cách vượt qua các trở ngại này nhiều hơn so với số còn lại. Hãy tìm xem vấn đề ở đâu, cần làm gì để giải quyết nó và làm thế nào để khống chế nó.
 
7. Đặt thời hạn
 
Bạn cần đặt ra một thời hạn cho tất cả những công việc mà bạn đã liệt kê là cần làm, nếu không thì chúng sẽ không bao giờ được thực hiện. Nghe có vẻ giống quản lý dự án đúng không? Đạt mục tiêu chính là một dự án và bạn cần phải lên kế hoạch cho dự án này.
 
Thời hạn chính là thứ bạn cần. Bạn cần quyết định xem khi nào sẽ thực hiện các công việc - hoặc ít nhất là thời điểm muộn nhất mà chúng cần được hoàn thành.
 
Giả sử bạn muốn thêm vai trò marketing tại công ty sau lần cải tổ dự định vào năm sau. Bạn cần làm gì để thuyết phục sếp giao công việc đó cho bạn? Bạn có cần thêm bằng cấp chuyên môn hoặc kinh nghiệm không? Khi nào bạn cần? Khi nào bạn nên cho sếp biết về các mong muốn của mình? 
Tất cả mọi việc đều có thời hạn, nếu không thì ta thực hiện chúng để làm gì? Nếu bạn hoàn thành chúng trước thời hạn thì rất tốt, nhưng nếu nó trôi qua thì bạn sẽ không bao giờ hoàn thành được công việc. Khi đó bạn chỉ có thể tự trách bản thân mình mà thôi.
 
 Trích "100 bí quyết để có được mọi điều bạn muốn"
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]