Ngay sau khi chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) yêu cầu thu hồi 2 sản phẩm sữa Wakodo và Morinagado của Nhật Bản thiếu i-ốt trầm trọng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã yêu cầu Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia  lấy mẫu để kiểm tra hàm lượng iốt của 2 sản phẩm sữa này đã được cấp số đăng kí lưu hành tại Việt Nam

Trong khi thông tin 2 sản phẩm sữa trên thiếu iốt gây hoang mang cho nhiều bà mẹ có con nhỏ thì đại diện Cục ATVSTP lại thông báo rằng, iốt không phải là thành phần quan trọng và bắt buộc có trong sữa.

Bởi với bữa ăn hằng ngày, trẻ có thể được cung cấp i-ốt thông qua nhiều thực phẩm khác như: tảo biển, thịt động vật, cá biển, tôm, trứng, muối, nước chấm và một số loại rau. “Hơn nữa, Việt Nam đã có chương trình sử dụng muối i-ốt nên không quá lo ngại việc sữa thiếu chất này”- vị này nhận định.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhà dinh dưỡng, PGS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, i-ốt là một thành phần khá quan trọng trong sữa, nhất là với những trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa công thức nhưng lại chưa đến tuổi ăn dặm các thực phẩm bổ sung. Nếu thiếu chất này sẽ làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển não bộ của trẻ.

Iốt rất quan trọng với trẻ là điều không cần phải bàn cãi và đó là lí do mà chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) đã rất quyết liệt trong việc thu hồi 2 sản phẩm sữa của Nhật Bản có hàm lượng iốt quá thấp đang lưu hành tại Hồng Kông. Trong khi nước bạn đang ráo riết là vậy thì nhìn lại cơ quan quản lí thực phẩm của VN vẫn “bình chân như vại” nói rằng không quá lo ngại về việc sữa thiếu iốt!?

Có lẽ vì không đáng lo ngại nên đến nay Việt Nam chưa có quy định bắt buộc về việc bổ sung i-ốt vào các sản phẩm dành cho trẻ em. Và để trấn an các bà mẹ sau khi có sự cố này xảy ra, Cục ATVSTP cho biết đang tiến hành nghiên cứu và xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về thực phẩm công thức dành cho trẻ em phù hợp với tiêu chuẩn của Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm) và điều kiện của Việt Nam.

Đại diện của một Cty nhập khẩu và phân phối sữa ngoại cho biết, khi các công ty công bố tiêu chuẩn chất lượng sữa đều có ghi rõ hàm lượng các thành phần trên nhãn, trong đó hàm lượng iốt hầu như sữa ngoại nhập nào cũng có. Vậy tại sao họ bắt buộc công bố hàm lượng iốt trong sữa còn mình lại không làm? Chẳng lẽ trẻ em Châu Âu cần iốt còn trẻ em Việt Nam đã dư thừa iốt?

Một ‎ý kiến khác cho rằng, trong khi ngành y tế đang đẩy mạnh việc vận động nhân dân dùng muối iốt, nước mắm iốt và các sản phẩm thực phẩm có bổ sung iốt, vậy vì sao trong sữa của trẻ em lại không quy định bắt buộc phải bổ sung iốt.

Một thực tế đáng báo động nữa là theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết trung ương, trong 1-2 năm trở lại đây, số bệnh nhân bướu cổ vào viện đang có xu hướng tăng và chiếm đến gần 50% tổng số bệnh nhân.

Câu chuyện bổ sung iốt vào sữa của trẻ em VN đã lộ rõ hai quan điểm trái chiều của cơ quan quản lí thực phẩm và cơ quan nghiên cứu về dinh dưỡng của Việt Nam. Phải chăng cơ quan quản lí thực phẩm của VN chưa “chạy” theo kịp các quy định chung của các nước hay đang thờ ơ với sức khỏe của trẻ nhỏ?!