Bỏ tiền tỷ xây lăng mộ chờ ướp xác mình: Bí quyết ướp xác đúc rút từ khắp nơi

Giadinh.net - Để tìm ra được một phương cách ướp xác cho riêng mình, ngoài việc đi đến các nơi có trình độ cao về kỹ thuật ướp xác để được nghe phân tỏ tận tai thì ông Đức còn nghiên cứu rất nhiều loại sách, tài liệu.

15.6084
>

Ngoài các loại nguyên liệu thông thường dùng để ướp xác như: than trai, gạo nếp rang, vôi bột… trong bí quyết ướp xác của mình, ông Đức còn có một loại lá rừng rất đặc biệt do chính ông thầy địa lý người Trung Quốc cung cấp. Và hơn cả đó là một bộ quan tài được làm bằng gỗ quý mà hiện tại ông vẫn giấu kín.
 
Công thức ướp xác ghi vào di chúc

Hai ngôi mộ hướng đầu vào núi, chân quay ra phía đường quốc lộ.

Hai ngôi mộ nhìn từ trên xuống.

 
Nói rất nhiều đến khu hầm mộ và quá trình làm nhưng ông Đức tuyệt nhiên không hề đề cập một chút gì đến chuyện ướp xác. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới thuyết phục được ông bật mí về chuyện ướp xác của mình. Tuy nhiên, trước khi chịu nói ra những chuyện được cho là "bí quyết" riêng chỉ một mình ông biết, ông vẫn thận trọng rào đón: "Tớ không muốn nói ra chuyện này vì đây là bí quyết riêng, ngay cả con cháu tớ cũng chỉ biết đến chuyện này sau khi tớ đã nằm xuống thông qua tờ di chúc tớ đã thảo sẵn. Nhưng vì các cậu tha thiết muốn biết thì tớ cũng không muốn giữ cho riêng mình nhưng các cậu phải viết làm sao cho khéo, kẻo người ta lại hiểu nhầm tớ".

Theo ông Đức thì để có được "bí quyết" ướp xác này ông đã không chỉ dò hỏi để được nghe tận tai khi đi đến các vùng, các nước khác nhau mà còn phải đọc rất nhiều sách vở, tài liệu nói về các kỹ thuật ướp xác của người xưa để tìm ra một phương pháp ướp xác cho riêng mình. Mỗi lần tìm ra được một phương pháp mới ông thường thử nghiệm ngay trên xác của một số loại động vật như: mèo, chuột... vừa mới chết để khảo sát mức độ thành công.

Ông Đức cho rằng, muốn xác được bảo quản tốt bắt buộc trong lòng mộ lúc nào cũng phải khô ráo. Vì thế, ngay khi làm xong 2 hầm mộ ông đã đặt mua tới 3,5 tấn than trai để lót ở phần đáy. Loại than này được đốt từ cây gỗ trai và có khả năng hút ẩm cực kỳ cao. Ngoài ra, than trai khá rắn chắc nhưng lại không hề ngấm nước nên từng được người xưa dùng để ướp xác khá phổ biến. Ông khám phá ra điều này khi ông đến Tây Ninh và được các cụ cao niên ở vùng có nhiều xác ướp nhất kể lại. "Lúc đầu tớ không hoàn toàn tin nhưng sau khi kiểm tra lại thì thấy điều này hoàn toàn đúng, do đó tớ làm theo" - ông Đức kể.

Trong một số tài liệu cho biết, ngoài than trai, gạo nếp rang và vôi bột cũng có chức năng hút ẩm và giữ cho môi trường hầm mộ khô ráo tới hàng nghìn năm(?) nên ông Đức dự tính sẽ cho phủ thêm một lớp gạo nếp rang lên phía trên than trai. Theo đó, khi quan tài được đặt vào hầm mộ thì bên trên và hai bên quan tài sẽ được chèn rải thêm một lớp than trai mỏng nữa. Rồi trên than trai, nghĩa là ở lớp trên cùng cũng sẽ rải một lớp vôi bột. Lớp vôi bột trên cùng vừa có chức năng hút ẩm vừa có chức năng ngăn chặn sự xâm nhập của các loại côn trùng. Và tất nhiên, nếu có nước từ xác người chảy ra thì sẽ được than trai, gạo nếp và vôi bột sẽ hút sạch.

Kỳ công "chiếc giường ngàn thu"

Kỹ thuật ướp xác của người Ai Cập cổ xưa.

 
Ông Đức cũng đã tính toán việc làm "chiếc giường nghìn năm" (từ dùng của ông Đức, tức là quan tài) cho hai vợ chồng ông. "Việc ướp xác thành công hay không cũng phụ thuộc nhiều vào "chiếc giường" này nên tớ tính toán rất kỹ. Loại gỗ tớ định làm "giường" sẽ phải đáp ứng được 3 tiêu chí: thứ nhất là loại gỗ quý, có độ bền cao; thứ hai loại gỗ đó phải có mùi thơm và cuối cùng phải là gỗ có tuổi đời lâu năm, ít nhất thì cũng phải vài trăm tuổi trở lên" - ông Đức cho biết.

Việc tìm loại gỗ này không quá khó khăn vì ông có khá nhiều bạn bè thông thạo "sưu tầm" gỗ quý, ở rải rác khắp các vùng miền trong cả nước. Tuy nhiên, việc khó nhất là tìm được một đội thợ có kỹ thuật cao trong việc làm "giường" theo đúng yêu cầu của ông.

Khi chúng tôi hỏi về quy mô và kiểu dáng "chiếc giường" thì ông Đức xin được giữ kín. Ông chỉ bật mí thêm, để giữ được xác tồn tại hàng trăm năm và thậm chí là hàng nghìn năm thì ngoài các loại nguyên liệu nói trên ông sẽ dùng đến một số loại hương liệu, hóa chất diệt trùng đặc biệt khác nữa để ướp xác khi để xác vào "giường". Ông cũng cho biết, hiện tại trong hầm mộ ngoài than trai còn có chứa hàng trăm túi lá cây của một loại cây đặc biệt đã được phơi khô, xay nhỏ. Loại lá cây này do chính ông thầy địa lý người Trung Quốc cung ứng cho ông. Cứ vài năm ông Đức sẽ lại cho cẩu nắp hầm mộ sang một bên để người làm đưa các túi này lên phơi nắng một lần. Loại lá cây đặc biệt này ngoài có mùi thơm thì còn có tác dụng hút ẩm, diệt khuẩn và khử mùi hôi rất tốt, sau này sẽ được dùng để lót trong quan tài, bao bọc lấy thi thể người.

Ngoài ra, ông cũng có dặn rõ trong di chúc là tuyệt đối không được chôn theo bất kỳ một thứ tài sản gì có giá trị, bởi nếu chôn theo những thứ quý giá sẽ tạo điều kiện cho bọn "mộ tặc" quật phá hầm mộ.

Ý kiến chuyên gia

Việc làm lạ thường của ông Nguyễn Công Đức đã khiến cho không ít người phải ngạc nhiên và suy nghĩ. Bởi hiếm có ai ở Việt Nam ở thời điểm hiện tại dám bỏ ra ngần đó công sức, thời gian và một số tiền lớn như thế chỉ để lo chuyện hậu sự cho mình. Đặc biệt hơn nữa chính là cách ông xây dựng 2 ngôi mộ và sáng tạo ra một cách ướp xác đặc biệt cho riêng mình.
 

PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Phó Tổng thư ký hội Khảo cổ học Việt Nam.


Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Phó tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, chuyên gia số một về xác ướp cổ ở Việt Nam hiện nay, thì việc ông Đức xây mộ cho mình và vợ để lo chuyện hậu sự sau khi nằm xuống ngay trên phần đất thuộc quyền sở hữu của ông ấy là không có gì sai. Còn dưới gốc độ chuyên môn để nhìn nhận về kỹ thuật ướp xác của ông Đức thì vì ông chưa tiến hành thực hiện nên cũng khó nói được điều gì.

“Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng nếu chỉ có hầm mộ đồ sộ, có quan tài làm bằng gỗ quý hay có đủ các loại nguyên liệu ướp xác hiện đại thôi mà không có kỹ thuật yếm khí (giữ cho không khí không lọt vào hầm mộ) thì cũng sẽ khó mà thành công. Yếm khí là điều kiện tiên quyết của kỹ thuật ướp xác để giữ cho xác không bị thối rữa. Thêm vào đó, trong hầu hết các bài viết không thấy ông Đức đề cập đến tinh dầu ướp xác. Cũng có thể trong môi trường khí hậu khô nếu yếm khí tốt, không cần dùng đến tinh dầu thì vẫn có thể giữ được xác không bị thối rữa nhưng không được đẹp như những xác có dùng tinh dầu để ướp. Những xác có dùng tinh dầu để ướp mà tôi từng tiến hành nghiên cứu thường giữ được làn da cực kỳ đẹp, không khác mấy so với da của cơ thể sống. Bên cạnh đó, việc cả ba ông thầy địa lý, hai ông Việt Nam và một ông người Trung Quốc cùng lấy hướng và chọn huyệt đạo mà lại trùng một chỗ đến ngẫu nhiên thì cũng hơi khó tin. Vì trong thực tế, phong thủy của Việt Nam với phong thủy của Trung Quốc khác nhau rất lớn" - PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết.

Còn dưới góc độ văn hóa, GS.TS Kiều Thu Hoạch - Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian cho rằng việc xây sinh phần ngay khi mình vẫn còn sống thì trong lịch sử phong kiến Việt Nam không phải là không có. Các tầng lớp vua chúa, quan lại ngày xưa, một số người có điều kiện vật chất, muốn thể hiện một cái gì đó hơi khác người thì vẫn làm như thế. Tuy nhiên đó không phải là hiện tượng phổ quát.

Còn trong trường hợp của ông Đức, thật ra nếu có điều kiện thì ông ấy có thể làm nhưng trong lúc đất nước đang còn bao khó khăn thì việc làm như ông Đức là không nên khuyến khích. Bởi suy cho cùng, mình là những người bình thường thì làm mộ thật nguy nga, thật đồ sộ nhưng khi mình chết đi thì cũng chẳng để làm gì. Số tiền ấy, ông Đức dành để cùng vợ con và các cháu đi du lịch, hưởng các thú tuổi già và làm từ thiện giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình, sẽ có ý nghĩa hơn.
 
Hà Tùng Long
 
>
>

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

  • 0

Tin cùng mục

GỬI Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Xem thêm
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]