Cách đánh chặn sốt xuất huyết

SKĐS - Từ đầu năm 2014 đến nay, tại 46 tỉnh, thành phố của cả nước đã có 13.385 trường hợp mắc sốt xuất huyết; trong đó có 8 trường hợp tử vong ở các tỉnh Cà Mau, Bình Dương, Bình Phước, Phú Yên, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh.

0

Hiện nay, sốt xuất huyết đang vào mùa, các địa phương đang tích cực triển khai những biện pháp khống chế. Quyết tâm hành động vẫn là “Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”; vậy thời gian trứng muỗi nở thành bọ gậy, lăng quăng và muỗi trưởng thành mất bao lâu để làm căn cứ thực hiện việc phòng chống.

Hiện nay, sốt xuất huyết đang có chiều hướng phát triển thành dịch bệnh ở một số địa phương đã được cảnh báo. Muỗi truyền bệnh được các nhà khoa học xác định là Aedes aegypti thường gọi là muỗi vằn và Aedes albopictus thường gọi là muỗi hổ châu Á. Muỗi Aedes aegypti chủ yếu đẻ trứng ở môi trường gần nhà, nơi chúng ưa thích đẻ trứng là chum vại chứa nước đặt ở trong nhà hoặc ngoài nhà, ống máng nước, kẽ lá, ống nứa, lốp xe hỏng, vỏ đồ hộp, chậu cây cảnh...; tất cả các loại dụng cụ điển hình này thường chứa nước tương đối trong. Muỗi Aedes albopictus cũng thường đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước tạm thời nhưng chúng vẫn ưa thích đẻ trứng ở những chỗ tự nhiên ở trong rừng như hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, vỏ dừa, nước đọng trong vườn; ngoài ra, chúng cũng đẻ ở các dụng cụ chứa nước tạm thời ở trong nhà nhưng mức độ ít hơn. Muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết có tập tính chủ yếu đốt máu người vào buổi sáng hoặc buổi chiều tối. Phần lớn muỗi đốt máu người và trú đậu nghỉ ở ngoài nhà, tuy nhiên, ở các thành phố nhiệt đới chúng thường đẻ trứng, đốt máu người và trú đậu nghỉ ở trong nhà và chung quanh nhà.

4 giai đoạn phát triển của muỗi.

Chu kỳ phát triển của muỗi trải qua 4 giai đoạn rõ ràng trong vòng đời của chúng là trứng, bọ gậy, lăng quăng và muỗi trưởng thành. Muỗi cái thường chỉ giao phối một lần nhưng có thể đẻ trứng suốt đời theo từng đợt và để sinh đẻ được mỗi cái cần phải hút máu. Thực tế cho thấy, muỗi cái thực hiện việc tiêu máu và phát triển trứng cần khoảng từ 2 - 3 ngày ở vùng nhiệt đới và có thể lâu hơn ở vùng khí hậu ôn đới. Muỗi cái mang trứng sẽ bay tìm nơi thích hợp để đẻ, sau đó lại hút máu và đẻ một lứa trứng khác. Chu trình này cứ lặp đi lặp lại cho đến khi muỗi chết và muỗi cái có đẻ từ vài chục trứng đến vài trăm trứng. Ở vùng nhiệt đới, trứng thường nở ra bọ gậy sau từ 2 - 3 ngày. Sau khi nở, bọ gậy muỗi không phát triển liên tục mà trải qua 4 giai đoạn tuổi khác nhau. Ở tuổi I, bọ gậy có kích thước khoảng 1,5mm và ở tuổi IV bọ gậy có kích thước khoảng từ 8 - 10mm. Mặc dù không có chân nhưng bọ gậy có đầu phát triển, mình phủ đầy lông và bơi bằng các chuyển động của cơ thể. Bọ gậy muỗi ăn tảo, vi khuẩn và các vi sinh vật trong nước; có ống thở nằm ở đốt cuối bụng, từ đó không khí được đưa vào cơ thể và cũng qua ống thở này bọ gậy thường trồi lên mặt nước để thở. Bình thường, bọ gậy hay lặn sâu xuống đáy nước một thời gian ngắn để lấy thức ăn hoặc để tránh nguy hiểm khi có biến động trên mặt nước.

Ở những nơi khí hậu ấm áp, thời gian từ trứng phát triển thành bọ gậy mất khoảng từ 4 - 7 ngày hoặc có thể dài hơn nếu nguồn nước thiếu thức ăn. Sau đó, bọ gậy phát triển hết và chuyển thành lăng quăng, còn gọi là cung quăng có hình dấu phẩy; lăng quăng không ăn và hầu như chỉ ở trên mặt nước nhưng khi bị khuấy động chúng cũng lặn nhanh xuống đáy nước để tránh nguy hiểm. Khi lăng quăng phát triển đến mức độ phù hợp thì muỗi trưởng thành nở ra và chui qua vỏ lăng quăng đã được tách ra ở một đầu. Ở vùng nhiệt đới, giai đoạn phát triển từ lăng quăng thành muỗi trưởng thành mất khoảng từ 1 - 3 ngày. Như vậy, toàn bộ thời gian từ trứng muỗi nở thành muỗi trưởng thành ở điều kiện tốt nhất chiếm khoảng từ 7 - 13 ngày; trong đó giai đoạn trứng nở ra bọ gậy từ 2 - 3 ngày, bọ gậy phát triển thành lăng quăng từ 4 - 7 ngày và lăng quăng nở thành muỗi trưởng thành từ 1 - 3 ngày.

Khẩu hiệu hành động trong phòng chống sốt xuất huyết của ngành y tế dự phòng là “Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết” hoặc là “Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết” phản ánh quyết tâm chỉ đạo biện pháp thực hiện để chủ động khống chế bệnh sốt xuất huyết phát triển với khả năng có thể xảy ra dịch. Tuy vậy, cần nhớ rằng muỗi cái có đặc điểm là chỉ cần giao phối một lần nhưng có khả năng đẻ trứng suốt đời theo từng đợt cho đến khi muỗi chết và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có thể chỉ mất từ 7 - 13 ngày trong điều kiện tốt nhất để trứng muỗi phát triển thành muỗi trưởng thành đảm nhận được vai trò truyền bệnh. Do đó, biện pháp thau vét trứng, diệt bọ gậy và lăng quăng ở những nơi muỗi đẻ cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục, mỗi tuần một lần nhất là khi có dịch bệnh phát triển để không có bọ gậy hiện diện ở những chỗ tạm thời chứa nước ở trong nhà, ngoài nhà cũng như chung quanh nhà thì mới có hiệu quả.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]