Phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả - Cách gì?

Hàng năm, cứ vào mùa hè là nguy cơ một số bệnh truyền nhiễm lại diễn ra phức tạp, trong đó có bệnh sốt xuất huyết. Với bệnh sốt xuất huyết thì căn nguyên gây bệnh là virus Dengue (gọi là sốt xuất huyết Dengue: SXHD),

0

Hàng năm, cứ vào mùa hè là nguy cơ một số bệnh truyền nhiễm lại diễn ra phức tạp, trong đó có bệnh sốt xuất huyết. Với bệnh sốt xuất huyết thì căn nguyên gây bệnh là virus Dengue (gọi là sốt xuất huyết Dengue: SXHD), nhưng bệnh lây từ người bệnh sang người lành lại do muỗi. Vì vậy, công tác phòng bệnh SXHD cần có thêm một khâu hết sức quan trọng là tiêu diệt loài muỗi truyền bệnh và con đẻ của chúng ở vùng có dịch xảy ra càng sớm càng tốt. 

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và các đặc điểm cần biết         

Loài muỗi truyền bệnh SXHD là muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus. Đặc điểm của loài muỗi A.aegypti (muỗi vằn) sống chủ yếu ở thành thị, còn loài A.albopictus gặp chủ yếu ở nông thôn và miền rừng núi. Tuy vậy, do đặc điểm của nước ta đang ở trong giai đoạn đô thị hóa nhanh cho nên khó phân biệt ranh giới giữa nông thôn và thành thị, vì vậy cả hai loài muỗi có thể tồn tại cả nông thôn lẫn ở thành thị và cùng mang mầm bệnh virus Dengue truyền bệnh SXHD cho người. Loại muỗi vằn có đặc điểm nổi bật hơn so với các loài muỗi khác là sống cả trong nhà và cả ngoài trời, rất ưa hút máu người và đốt dai dẳng cho đến khi no mới thôi. Muỗi vằn thường hút máu vào ban ngày, nhất là lúc sáng sớm và lúc chập tối. Khi muỗi đã hút no máu thì chúng tìm chỗ tối để đậu. Muỗi vằn có thể đậu cao tới 2 mét và bay rất xa (gần 1/2 kilômét).
 
 Khơi thông cống rãnh, làm sạch môi trường để loại trừ muỗi gây bệnh SXH.
Với khả năng bay xa như vậy nên mầm bệnh dễ lan ra cả một vùng rộng lớn. Muỗi vằn cũng rất ưa đẻ  trứng vào nước sạch như nước lọ cắm hoa, nước đựng ở chum vại dự trữ nước sinh hoạt, nước mưa tồn đọng ở các lốp xe hỏng, nước ở các hồ, ao sạch… Ở môi trường nước thì trứng muỗi sẽ phát triển thành loăng quăng, sau khoảng 2 tuần và nếu nhiệt độ thích hợp hơn như khí hậu trong thời gian hiện nay (trên 32 độ) thì chỉ cần trong vòng 7 ngày trứng muỗi đã phát triển thành loăng quăng rồi phát triển thành muỗi. Muỗi trưởng thành sẽ hút máu người bệnh bị SXHD, trong máu đó có virus Dengue gây bệnh, từ đây muỗi sang đốt người lành, qua vết đốt chúng truyền virus Dengue gây bệnh cho người lành.
 
Chúng ta cần lưu ý rằng, mọi lứa tuổi khi chưa có miễn dịch với bệnh SXHD  thì đều có thể mắc bệnh này. Bệnh SXHD dù là người lớn hay trẻ con mắc bệnh đều rất nguy hiểm, đặc biệt là trẻ nhỏ tuổi nếu gặp phải loại SXHD gây sốc thì tính mạng của trẻ rất dễ bị đe dọa nếu cấp cứu không kịp thời. Tuy vậy, ở những địa phương có dịch SXHD lưu hành quanh năm thì trẻ em có thể dễ mắc bệnh hơn người lớn do người lớn có thể đã có miễn dịch qua các lần mắc bệnh trước đó. Những vùng, địa phương lần đầu có bệnh SXHD thì mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh SXHD (vì chưa có miễn dịch).
 Vòng đời của muỗi.

Phát hiện sốt xuất huyết bằng cách nào?

Đối với mọi người dân khi thấy sốt, đặc biệt là sốt cao mà trong gia đình, hàng xóm hoặc trong thôn, xã có nhiều người bị bệnh tương tự (sốt) là cần nghĩ đến bệnh SXHD. Đối với cán bộ y tế cơ sở nên dựa vào 3 vấn đề là lâm sàng, dịch tễ học và xét nghiệm để xác định bệnh SXHD. Trong bệnh Dengue cổ điển chủ yếu là sốt, đau nhức toàn thân, nổi hạch nhiều nơi, có thể có các ban sẩn nhưng ít có dấu hiệu xuất huyết dưới da hoặc nội tạng. Đối với loại SXHD điển hình có thời kỳ nung bệnh vào khoảng từ 4 - 10 ngày thì xuất hiện các hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc như sốt cao đột ngột, liên tục.
 
Điều đáng lưu ý là khi hạ thân nhiệt thì cũng hạ đột ngột kèm theo tụt huyết áp, do vậy cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc hạ nhiệt. Có thể có rét run, nhức đầu nhiều, đau nhức toàn thân như trong Dengue cổ điển kèm theo vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn. Dấu hiệu xuất huyết có thể xảy ra ngay khi người bệnh đang sốt cao hoặc lúc bắt đầu hạ sốt. Xuất huyết có nhiều trạng thái khác nhau như chảy máu cam, chảy máu chân răng, ban, chấm, mảng bầm tím, mảng sung huyết. 
 
Trong trường hợp nặng có thể đái ra máu, đi ngoài phân đen, ho ra máu, kinh nguyệt kéo dài (phụ nữ), nặng nhất là xuất huyết não. Điều đáng lưu ý là dù thể loại gì cũng có sốt cao làm mất nước, rối loạn chất điện giải, làm tăng tính thấm thành mạch từ đó làm tụt huyết áp và gây sốc. Đối với SXHD gây sốc thì người bệnh vật vã (hoặc li bì), đau bụng dữ dội (dễ nhầm với các bệnh về tiêu hóa, gan mật), chân tay lạnh và đặc biệt các đầu chi kèm theo có xuất huyết dưới da hay các dạng khác, đái ít và có thể sờ thấy gan to (hoặc qua siêu âm và các kỹ thuật khác). Xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu giảm, Hematocrit tăng…
 

Tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết

Nhằm tích cực, chủ động và nâng cao chất lượng công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết Dengue (SXHD), Bộ Y tế vừa có Công văn số 820/KCB-NV yêu cầu tăng cường công tác điều trị SXHD. Theo đó, các cơ sở KCB phải tăng cường chất lượng của công tác điều trị phòng, chống bệnh SXHD trên địa bàn, chuẩn bị giường bệnh, chuẩn bị đầy đủ về giường bệnh và chuẩn bị đầy đủ về thuốc, dịch truyền…để sẵn sàng thu dung điều trị người bệnh trong mọi tình huống của dịch.
 
Bố trí nhân lực phù hợp để tiếp nhận người bệnh và hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu, bảo đảm chẩn đoán mức độ bệnh đúng để theo rõi sát, xử trí nhanh, chính xác các trường hợp mắc SXHD. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện phải duy trì “Nhóm điều trị sốt xuất huyết Dengue” để thường xuyên  thảo luận, rút kinh nghiệm điều trị và sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới.
Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước đã ghi nhận 20 trường hợp tử vong do SXHD tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc miền Nam và miền Trung.     
 Lê Hoàng

Mời xem tiếp trên SK&ĐS số 128

PGS.TS. Bùi Khắc Hậu

Đọc Nhiều Nhất

CHỦ ĐỀ HOT

  • Bệnh Gan mật
Chia sẻ: Email Print 0Bình luận »

Gửi bình luận của bạn

Các thắc mắc của bạn đọc về sức khỏe sẽ được giải đáp tại chuyên mục Phòng mạch online, mời các bạn đón đọc.

Tin Đã Đăng

Tổng biên tập: TTƯT.BS.Trần Sĩ Tuấn
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]