Cách nhận biết sốt rét ác tính trẻ em để xử trí phù hợp

SKĐS - Bạch cầu ở bệnh nhi đôi khi tăng nhưng không nhất thiết là trường hợp sốt rét ác tính bị bội nhiễm.

15.599

Tiếp theo số 4

Bạch cầu ở bệnh nhi đôi khi tăng nhưng không nhất thiết là trường hợp sốt rét ác tính bị bội nhiễm.

Tỷ lệ tử vong của trẻ em bị sốt rét ác tính thường cao gấp từ 2 - 3 lần so với người lớn, chiếm khoảng từ 15 - 30% và trẻ em thường bị tử vong nhanh trong vòng từ 1 - 2 ngày đầu. Tuy nhiên, nếu trường hợp được phục hồi thì cũng thường nhanh hơn, trung bình khoảng sau 30 giờ. Hậu quả di chứng để lại cho người bệnh có khi chiếm đến 10% như bị liệt nửa người, rối loạn tiểu não, mù, rối loạn tư duy.

Khi trẻ em mắc sốt rét, cần được điều trị kịp thời để tránh chuyển sang sốt rét ác tính.

Tình trạng mất nước ở các bệnh nhi khi bị mắc sốt rét ác tính phổ biến nhiều hơn so với người lớn bị sốt rét ác tính với biểu hiện triệu chứng khô môi, mắt trũng, sụt cân, khát nước, đi tiểu ít, tỷ trọng nước tiểu cao, natri niệu thấp, chất cặn nước tiểu bình thường, urê huyết trên 6,5µmol/l... phản ánh hiện tượng thiếu nước, không phải là biểu hiện suy thận cấp thực thể gặp ở bệnh nhi.

Triệu chứng thiếu máu ở bệnh nhi mắc sốt rét ác tính cũng thường trầm trọng hơn người lớn. Tình trạng này chủ yếu gây nên do mật độ nhiễm ký sinh trùng sốt rét cao, biểu hiện dấu hiệu mạch nhanh, khó thở, gan to, có tiếng thổi tâm thu, thậm chí bị suy tim có nhịp ngựa phi. Trường hợp thiếu máu nặng sẽ góp phần vào biểu hiện của hội chứng não như vật vã, hôn mê.

Biến chứng hạ đường huyết cũng đặc biệt phổ biến xảy ra ở bệnh nhi dưới 3 tuổi và thường có sự liên quan đến mật độ ký sinh trùng sốt rét bị nhiễm, có hôn mê sâu, cơn co giật. Trên lâm sàng, đôi khi khó phát hiện được biến chứng hạ đường huyết vì một số trường hợp biểu hiện của hạ đường huyết giống sốt rét ác tính thể não như hôn mê, co giật...

Nói tóm lại, một số biểu hiện thường gặp trong các trường hợp trẻ em bị mắc sốt rét ác tính là thiếu máu, hôn mê, co giật, hạ đường huyết, toan chuyển hóa...

Ký sinh trùng sốt rét gây phá vỡ hồng cầu. Nguồn medinfo.

Điều trị sốt rét ác tính ở trẻ em

Khi trẻ em bị mắc bệnh sốt rét, nếu không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời thường dễ chuyển sang sốt rét ác tính. Bệnh nhi thường bị sốt cao, co giật, thiếu máu, hạ đường huyết, hôn mê và dẫn đến tử vong.

Điều trị đặc hiệu bằng thuốc artesunate tiêm hoặc quinin tiêm theo quy định của phác đồ điều trị được Bộ Y tế ban hành.

Việc điều trị triệu chứng và biến chứng cần thực hiện đúng theo hướng dẫn điều trị sốt rét ác tính ở người lớn nhưng cần chú ý xử trí biện pháp can thiệp chống co giật, hạ đường huyết, tình trạng thiếu máu; điều chỉnh sự mất nước, rối loạn điện giải, kiềm toan...

Hiện nay, tình hình sốt rét, sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét ở đối tượng trẻ em đã được nhiều địa phương trên cả nước khống chế giảm xuống ở mức thấp. Tuy vậy, chỉ cần một sự chủ quan, lơ là thì nguy cơ sẽ ập đến với hậu quả không lường trước được nếu không cảnh giác, thận trọng.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]