Cách nhận biết và phòng bệnh thiếu máu

Người bị thiếu máu thường mệt mỏi, mất ngủ, kém tập trung, hoa mắt, chóng mặt, khó thở khi lao động gắng sức, da xanh xao, da nhợt nhạt…

0

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, hiện nay tỉ lệ thiếu máu ở nước ta còn rất cao, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi: ở phụ nữ có thai (30-45%), phụ nữ tuổi sinh đẻ (25-35%) và trẻ em nhỏ (40-50%), trong đó chủ yếu là thiếu máu do thiếu sắt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thể chất, trí tuệ ở trẻ em và nhiều biến chứng nguy hiểm khác ở phụ nữ có thai.

Thiếu dinh dưỡng gây thiếu máu

Thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng hemoglobin trong máu xuống thấp hơn ngưỡng quy định do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu do bất kể lý do gì. Thiếu máu dinh dưỡng chủ yếu do thiếu sắt là vì sắt cần thiết cho quá trình tạo hemoglobin.

Nguyên nhân gây thiếu máu dinh dưỡng là do thiếu thực phẩm giàu sắt. Có mặt nhiều chất ngăn cản hấp thu sắt. Thiếu các thành phần tăng cường hấp thu sắt. Ăn bổ sung không đúng và không hợp lý: sớm quá hoặc muộn quá, thực phẩm bổ sung quá nghèo nàn, thiếu các chất dinh dưỡng cần cho tạo máu, đặc biệt là thiếu sắt.

Tăng nhu cầu dinh dưỡng khi có thai, cơ thể trẻ em, vị thành niên. Mất máu khi hành kinh, khi sinh đẻ. Nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng.

Những đối tượng dễ mắc

Những đối tượng có nguy cơ cao thiếu máu dinh dưỡng bao gồm: phụ nữ mang thai, phụ nữ sau khi sinh, trẻ đẻ non, nhẹ cân hoặc không được nuôi bằng sữa mẹ. Trẻ em bị suy dinh dưỡng. Trẻ em ở tuổi vị thành niên, nhất là trẻ em gái. Những người già, nhất là những người nghèo.

Những người bị thiếu máu dinh dưỡng, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ có thai chiếm tỷ lệ cao ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, bữa ăn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu thức ăn giàu chất sắt như thịt, trứng, cá, thủy sản, đậu đỗ; hay nhiễm ký sinh trùng nhất là nhiễm giun móc, sốt rét.

Bên cạnh đó kiến thức về dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo cho sự tăng trưởng ở trẻ em và sức khỏe cho phụ nữ có thai ở những vùng này còn hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thiếu máu dinh dưỡng. Điều đó giải thích nguyên nhân tại sao các trường hợp thiếu máu gặp nhiều hơn ở vùng nông thôn, miền núi và các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Tác hại của thiếu máu

Thiếu máu gây nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe: Trẻ em bị thiếu máu kém phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Học sinh bị thiếu máu trong lớp hay ngủ gật, giảm trí nhớ, kết quả học tập kém. Thiếu nữ bị thiếu máu thường mệt mỏi, sức khỏe yếu, dễ bị thiếu máu trầm trọng khi có thai. Phụ nữ có thai bị thiếu máu dễ bị sảy thai, đẻ non dễ bị thiếu máu, người mẹ dễ bị tăng huyết áp và các tai biến khác khi sinh đẻ.

Dấu hiệu nhận biết

Người bị thiếu máu thường mệt mỏi, mất ngủ, kém tập trung, hoa mắt, chóng mặt, khó thở khi lao động gắng sức, da xanh xao, niêm mạc mắt, lợi và da lòng bàn tay nhợt nhạt…

Ở phụ nữ có thai có biểu hiện: da xanh, niêm mạc nhợt, mệt mỏi, khi thiếu nặng thường có dấu hiệu chóng mặt, tim đập mạnh.

Đối với trẻ nhỏ, tùy theo mức độ bệnh có thể có các biểu hiện: Mệt mỏi, quấy khóc, vật vã, ngủ ít. Biếng ăn, chậm tăng cân, gầy ốm. Da xanh. Tóc gãy, dễ rụng, bạc màu. Móng tay móng chân dẹp, biến dạng. Chậm biết ngồi, biết đứng, biết đi, bắp thịt nhão, bụng chướng, đau nhức xương…

Để chẩn đoán chính xác bệnh thiếu máu người bệnh cần đi khám và làm các xét nghiệm huyết học.

Bệnh dễ phòng

Uống bổ sung viên sắt, a xít folic, vitamin B12,… là biện pháp điều trị và phòng chống bệnh thiếu máu dinh dưỡng.

Cải thiện bữa ăn: Lựa chọn thực phẩm giàu sắt cho bữa ăn gia đình. Những thực phẩm giàu sắt bao gồm: các loại ốc; các loại thịt như thịt bò, lợn, gan lợn, tiết lợn; cá ngừ; lòng đỏ trứng; các loại rau như dền, ngót, muống… và các loại đậu. Dùng thêm nước mắm, bánh… có bổ sung chất sắt.

Chất sắt có nguồn gốc từ động vật dễ hấp thu hơn từ thực vật. Trong bữa ăn, nếu có rau xanh hoặc sau bữa ăn dùng thêm trái cây tươi giàu vitamin C (cam, chanh, bưởi, táo, sơ ri, đu đủ, chuối…) sẽ giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Không nên uống nước trà đặc quá gần bữa ăn mà chỉ uống cách sau bữa ăn từ 2 giờ trở đi vì chất tanin trong trà sẽ hạn chế việc hấp thu sắt.

Uống bổ sung viên sắt:

Đối với phụ nữ có thai: bổ sung 1 viên sắt (60mg sắt nguyên tố + 0,4mg folat) hàng ngày ngay khi phát hiện có thai đến sau đẻ 1 tháng.

Đối với phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ: uống 1 tuần/1 viên trong 16 tuần liên tục trong 1 năm.

Đối với trẻ em, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, trẻ đẻ non việc bổ sung viên sắt cần theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Để phòng chống thiếu máu thiếu sắt cho trẻ em, trước hết cần phòng chống thiếu máu cho người mẹ từ khi trẻ còn là bào thai trong bụng mẹ, bú sữa mẹ, đến khi bắt đầu ăn bổ sung những thức ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, giàu chất sắt.

Do đó cần đặc biệt chú ý đối với phụ nữ có thai phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lao động, nghỉ ngơi hợp lý, uống bổ sung viên sắt và a xít folic theo đúng hướng dẫn. Sau khi sinh cần cho con bú sớm và đầy đủ. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ, giàu chất sắt từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm.

Cần đảm bảo vệ sinh ăn uống tốt (ăn chín, uống sôi; rửa sạch rau, trái…), vệ sinh cá nhân (rửa tay trước khi ăn và sau khi tiêu tiểu, khi chế biến thực phẩm, không đi chân đất…); vệ sinh môi trường nhà ở. Đó cũng là cách phòng tránh nhiễm ký sinh trùng như giun sán, sốt rét,… gây bệnh thiếu máu.

Theo Sức khỏe & Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]