Cách phòng bệnh tay chân miệng

GiadinhNet - Cách tốt nhất để tránh căn bệnh này là chủ động phòng ngừa.

15.5869
Bệnh TCM do virus đường ruột, lây theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp nhưng đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách tốt nhất để tránh căn bệnh này là chủ động phòng ngừa.
 

Vệ sinh đúng cách là biện pháp phòng chống TCM hiệu quả.

 
Nghỉ học không phải là cách tốt nhất
 
Cách phòng bệnh TCM

Nguy cơ lây nhiễm bệnh TCM có thể giảm đáng kể nếu thực hiện tốt các biện pháp sau:
 
Vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau mỗi lần làm vệ sinh cho trẻ.
 
Ăn chín, uống sôi.
 
Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi của trẻ mà có thể nhiễm virus gây bệnh bằng nước và xà phòng.
 
Hạn chế tối đa, không cho trẻ việc tiếp xúc trực tiếp như sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bị bệnh. Cách ly trẻ trong thời gian mắc bệnh cũng có thể làm giảm đáng kể khả năng lây nhiễm cho những trẻ khác.
Như phần đầu của chuyên đề đã đề cập, nhiều phụ huynh đã chọn biện pháp cho con nghỉ học cho... lành. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho cả phía nhà trường và cả phía phụ huynh.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, cho con nghỉ học không phải là giải pháp tốt nhất.  TCM là bệnh lý lây nhiễm do virus. Nếu bệnh được phát hiện sớm có thể tự khỏi sau 5-7 ngày và chỉ cần điều trị tại nhà. Theo TS Cảm, một tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 0,2 - 0,5%) trẻ bị mắc bệnh ở thể nặng. Vấn đề là cả gia đình và nhà trường phải theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ để phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh, kịp thời cách ly trẻ và khoanh vùng, xử lý ổ dịch.

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ vẫn không yên tâm khi thấy con có biểu hiện sốt đã vội vàng đưa con tới các bệnh viện, gây tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn trong thời gian qua. Chính sự mất bình tĩnh này đã dẫn đến nguy cơ lây chéo bệnh TCM giữa người mắc bệnh với người chưa mắc bệnh, đặc biệt là với trẻ em.

Để giúp các bậc cha mẹ không lúng túng, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ hướng dẫn một số cách phân biệt bệnh TCM với các bệnh lý khác.

Một số bệnh có thể có những nốt phát ban như sốt virus, dị ứng (hồng ban đa dạng, không có phỏng nước), viêm da mủ (đỏ, đau, có mủ), thủy đậu (phỏng nước, gặp ở nhiều lứa tuổi, rải rác toàn thân.), sốt xuất huyết Dengue (chấm xuất huyết, bầm máu, xuất huyết niêm mạc). Theo BS Điển, bệnh TCM cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh do nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi. Để phân biệt cần lưu ý với các vết phát ban, sốt phát ban, các ban thường xen kẽ ít dạng sẩn, thường có hạch sau tai, còn ban của bệnh TCM xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Đặc biệt, cha mẹ có thể nhận biết được nếu chú ý: Trẻ có nốt ở cả bụng, tay, chân... thì không phải TCM.

Để phòng bệnh, quan trọng là giữ vệ sinh sạch sẽ từ môi trường, đồ chơi, đến bàn tay trẻ và đặc biệt là bàn tay người chăm sóc trẻ. Một nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy 40% số trẻ mắc bệnh là từ bàn tay người chăm sóc không đảm bảo vệ sinh. Các bác sĩ khuyên mọi người cần chủ động tìm hiểu bệnh TCM qua các khuyến cáo của ngành y tế trên các phương tiện thông tin; khi thấy các triệu chứng giống các khuyến cáo, kịp thời đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, điều trị. Ngoài việc vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa thường xuyên, các phụ huynh cần tích cực rửa tay trước khi ăn và chăm sóc trẻ. Các cô nuôi dạy trẻ, các giáo viên cần chú trọng tới việc giữ vệ sinh cho trẻ tại trường học để ngăn chặn căn bệnh này.

Chăm sóc trẻ mắc bệnh hợp lý, đúng cách

Trong các tháng còn lại của năm nay, từ tháng 10 - 12, các chuyên gia, bác sĩ nhận định tình hình dịch TCM vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng cả số mắc và tử vong. Do đó, khuyến cáo các chuyên gia là phụ huynh cần cẩn trọng nhưng không hoang mang, tiến hành các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.

 Trong trường hợp trẻ mắc bệnh TCM, không có biến chứng thì có thể chăm sóc, điều trị trẻ tại nhà bằng cách: Vệ sinh răng miệng và thân thể, tránh làm nhiễm trùng các bóng nước. Giảm đau, hạ sốt cho trẻ bằng thuốc paracetamol. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu và cố gắng cho trẻ ăn thành nhiều bữa. Đặc biệt, không nên cạy vỡ các bóng nước để tránh nhiễm trùng cho trẻ.

Với những trường hợp được chỉ định điều trị tại nhà (chỉ loét miệng, có thể kèm theo tổn thương da) thì cha mẹ cần chú ý cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ, hạ sốt cách 6 tiếng một lần, vệ sinh răng miệng. Ngoài ra cần cho bé nghỉ ngơi, tránh kích thích, trong vòng 5-10 ngày đầu của bệnh, cứ 1 - 2 ngày cần cho trẻ khám lại. Khi thấy trẻ có dấu hiệu nặng như: Sốt cao hơn 39oC, thở nhanh, khó thở, rung giật cơ, chới với, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, co giật hôn mê... cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Để phòng ngừa bệnh dịch có thể lây nhiễm rộng ra người xung quanh và cộng đồng, cha mẹ có trẻ bị bệnh cần lưu ý: Cách ly trẻ, cho nghỉ học tại nhà, thông báo với y tế phường, xã nơi cư trú, thông báo với trường học. Đối với các xã, phường có trẻ bị mắc TCM thì dù là một trẻ mắc thì cũng phải tiến hành xử lý môi trường, xử lý như một ổ dịch.
 
Tăng cường xét nghiệm  xác định bệnh TCM

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các địa phương về việc tăng cường xét nghiệm xác định các trường hợp tử vong do bệnh TCM. Theo đó, các địa phương, đơn vị cần tăng cường công tác xét nghiệm, đặc biệt xét nghiệm xác định các trường hợp chuyển nặng, trường hợp tử vong do bệnh TCM, bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm giám sát căn nguyên. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc TCM, xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng, tăng cường kiểm soát lây nhiễm tại bệnh viện...

Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, dù tỷ lệ người lành mang trùng cao nhưng người dân cũng không nên vì quá lo lắng mà đi xét nghiệm tràn lan bởi virus chỉ có thể tồn tại trong cơ thể con người khoảng vài tuần và chỉ cần phòng bệnh thông qua việc vệ sinh sạch sẽ bàn tay, ăn chín, uống chín... như khuyến cáo của ngành y tế
 
M.Việt - T.Hương
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]